(ĐĐK) – Mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) đưa ra kiến nghị đánh thuế với các khoản lãi từ tiền gửi của cá nhân. Cũng theo ông Đức, chính sách thuế hiện nay, có nhiều bất cập. Và lập tức, kiến nghị này gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Nhiều ý kiến không đồng tình về đánh thuế lãi tiết kiệm.
Theo ông Đức, lâu nay chúng ta đã quá chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới hai trăm triệu đồng thì phải gọi là đầu tư. Trong khi đó, theo luật định hiện nay mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng, cần phải đưa vào diện nộp thuế.
Đây không phải là lần đầu có kiến nghị đánh thuế tiền lãi tiết kiệm xuất hiện. Trước đó, vào năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên. Thời gian đó Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, những người đổ tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, chịu đủ các loại thuế, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí bị lỗ nặng nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn những người có sổ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng ung dung hưởng lợi lãi suất bình quân 6 – 7% trở lên mà không phải đóng một đồng tiền thuế nào.
Trở lại với kiến nghị của luật sư Trương Thanh Đức, có thể áp dụng mức thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên.
Cụ thể nên đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt hai lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tức là khoảng 216 triệu đồng/năm hiện nay và dự kiến là 240 triệu đồng từ năm 2019). Có nghĩa là thu nhập cỡ 360 triệu đồng/năm (gồm 120 triệu đồng thu nhập cá nhân và 240 triệu đồng thu nhập từ lãi tiền gửi) trở lên mới bị đánh thuế. Và tính ra người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên.
Khi đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm tái xuất hiện, nhiều quan điểm tranh luận được đưa ra. Nhiều người cho rằng, đó là điều không thể vì để có tiền gửi ngân hàng nhiều người tích cóp cả đời, không thể thọc quá sâu vào túi người dân.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, kinh doanh phụ tùng xe máy trên phố Huế nói: Kinh doanh buôn bán với các bạn hàng phải để sẵn tiền trong ngân hàng để nếu cần chuyển khoản cho nhanh. Cũng có thời gian, kinh doanh chậm thì phải gửi tiết kiệm. Do vậy theo anh Anh Tuấn kiến nghị thu thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, số lượng người Việt Nam có tài khoản ngân hàng và số người có tài khoản tiết kiệm lớn đến 3 tỷ đồng theo như kiến nghị đưa ra không nhiều. Do vậy nếu tận thu thuế từ tiền tiết kiệm cũng không đáng bao nhiêu, trong khi lại gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Ngân hàng lại không trở thành kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước khác là bình thường nhưng ở Việt Nam chưa phải là thời điểm. Bởi vì hiện nay đây không phải là nguồn thu lớn cho ngân sách và đa phần người dân Việt Nam vẫn còn nghèo.
T.Hằng
——————
Đại đoàn kết (Kinh tế) 20-9-2017:
http://daidoanket.vn/de-xuat-danh-thue-lai-tiet-kiem-chua-duoc-ung-ho-380100.html
(280/697)