(HQ) – Việc đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với khoản tiền lãi gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng vừa qua nhận được nhiều ý kiến dư luận. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều chuyên gia cho rằng, nộp thuế là cần thiết.
Tính thuế để tạo sự công bằng
Xung quanh việc sửa đổi bổ sung một số điều của 5 Luật thuế, trong đó có Thuế TNCN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đề xuất, cần đánh thuế với khoản tiền lãi gửi tại các tổ chức tín dụng.
Phân tích cụ thể hơn, luật sư Đức nhấn mạnh, theo quy định tại khoản 3, Điều 3 về thu nhập chịu thuế của Luật Thuế TNCN, thì khoản thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần và thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác (trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ) phải nộp thuế 5%. Tuy nhiên, tại khoản 7, Điều 4 của Luật Thuế TNCN thì “thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng” được miễn thuế.
Điều này có nghĩa, nếu như cá nhân thu lãi từ việc cho công ty, pháp nhân, cá nhân khác vay hoặc được chia cổ tức đều bị đánh thuế 5%, còn việc thu lãi tiền gửi ngân hàng lại không phải nộp thuế cho dù khoản lãi lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa kể, nếu thu nhập từ tiền lương và hầu hết các khoản khác cộng lại ở mức vài trăm triệu đồng trở lên thì lại bị đánh thuế từ 20%-35%.
Theo ông Đức, quy định này vô lý bởi thực tế có những người thu nhập từ lãi gửi tiết kiệm tại ngân hàng có khi lên tới hơn 200 triệu đồng/năm mà lại không phải nộp thuế TNCN, trong khi rõ ràng về bản chất khoản tiền này là thu nhập đầu tư vốn. Nếu một cá nhân thu lãi từ tiền gửi ngân hàng lên đến trên 240 triệu đồng/năm thì là người có thu nhập cao, là nhà giàu, chứ không phải là người có thu nhập nhấp, hay nhà nghèo. Đấy là chưa kể những người như vậy thường còn các khoản thu nhập thường xuyên và bất thường khác nữa.
Do đó, cần phải tính thuế TNCN với khoản tiền lãi này. Tuy nhiên, để tạo sự công bằng, ông Đức đề xuất chỉ nên áp dụng đối với khoản lãi vượt 2 lần mức khởi điểm chịu thuế TNCN (tương đương 216 triệu đồng/năm hiện nay, và dự kiến là 240 triệu đồng từ năm 2019). Mặt khác, ngoài việc bổ sung khoản thuế thu nhập từ tiền lãi cho vay của cá nhân, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định, chẳng hạn cao hơn 2 lần mức thuế khởi điểm mức thu nhập tính thuế TNCN (tính theo năm).
Ủng hộ quan điểm cần phải thuế trên khoản tiền lãi gửi ngân hàng, trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, cần phải nhìn thấy những điểm lợi từ đề xuất này. Tiền lãi gửi tiết kiệm được xem là một khoản thu nhập bình thường giống như thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác như bất động sản, trái phiếu. Khoản tiền lãi này chính là lợi nhuận phát sinh mới sau khi gửi vào ngân hàng, nên phù hợp với nguyên tắc thuế của Việt Nam.
Mặt khác, trong điều kiện NSNN đang gặp khó khăn, thì việc điều chỉnh chính sách thu thuế nhất là với các khoản tiền lãi gửi tiết kiệm là cần thiết. Hơn nữa, cách làm này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại Mỹ, mỗi năm người gửi tiết kiệm đều phải khai báo tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động gửi tiết kiệm và sẽ bị tính thuế TNCN. Tuy nhiên, chỉ thuế TNCN với khoản tiền lãi, chứ không phải là khoản tiền mà người dân gửi vào ngân hàng.
Không ảnh hưởng tới huy động vốn của ngân hàng?
Trước nhiều ý kiến lo ngại việc đánh thuế khoản lãi tiền gửi làm giảm huy động của ngân hàng ông Đức cho hay, nếu vì việc này mà ảnh hưởng tới huy động vốn của ngân hàng thì phải thấy rằng chẳng qua tiền đó đã chạy vào sản xuất kinh doanh. Còn nếu đánh thuế mà người dân lại phải phân nhỏ tiền thành các gói nhỏ để không phải nộp thuế cũng không thể gây ra hệ lụy lớn.
Thậm chí, điều này còn tạo thêm sự công bằng cho các ngân hàng nhỏ, qua đó đảm bảo sự an toàn hơn cho chính người gửi tiết kiệm, vì mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang khá thấp và được tính riêng biệt theo từng ngân hàng. Cũng theo phân tích của ông Đức, cần khuyến khích người có nhiều tiền chuyển sang đầu tư kinh doanh, thay vì gửi vào ngân hàng.
Do vậy, “việc đánh thuế khoản lãi tiền gửi lớn để những ai coi việc gửi tiền ngân hàng là một kênh chính để đầu tư phải cân nhắc lại quyết định của mình. Còn tất nhiên, nếu vì thuế suất 5% thu nhập tiền lãi mà người giàu đem tiền đi trực tiếp đầu tư, kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu thì quá tốt” – ông Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng ông Trí Hiếu khẳng định, nếu đánh thuế cơ quan quản lý cũng cần phải lường trước được những khó khăn, thách thức mà trước mắt là ảnh hưởng tới việc huy động vốn của ngân hàng. Những người có tiền gửi tiết kiệm có thể vì việc đánh thuế sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Và để thực hiện được điều này, ông Hiếu dẫn chứng, tại Mỹ, việc đóng thuế tiền lãi gửi tiết kiệm không phải do ngân hàng trực tiếp trừ khi trả lãi cho người dân mà số tiền này người gửi sẽ phải đóng cho cơ quan thuế.
Tại Mỹ, mỗi công dân đều có 1 mã số an sinh xã hội, khi trả lãi cho khách hàng, ngân hàng chỉ cần báo số lãi và mã số an sinh của người đó cho cơ quan thuế. Sau đó, cơ quan thuế sẽ thu thuế với các cá nhân có lãi tiền gửi tiết kiệm.
Còn tại Việt Nam, do chưa có hệ thống mã an sinh cũng như hệ thống hạ tầng thông tin đầy đủ, đồng đều do vậy nếu triển khai ngân hàng là đơn vị trực tiếp giữ lại số tiền thuế mà các cá nhân sẽ phải nộp. Đồng thời, để thuận lợi quá trình thí điểm Việt Nam nên áp dụng đánh thuế đồng đều ở mức thuế suất 5% cho tất cả các khoản lãi gửi tiết kiệm, sau này có thể áp dụng phương pháp lũy tiến.
Ông Hiếu cũng khẳng định, mặc dù, việc đánh thuế đại trà 5% này sẽ không thể tạo ra sự công bằng tuyệt đối, song là giải pháp dễ thực hiện nhất trong bối cảnh hiện nay. Việc tính thuế tiền lãi gửi tiết kiệm thì cần áp dụng chính sách thuế TNCN khác cũng cần được duy trì.
Hồng Vân
——————
Hải quan (Tài chính) 22-9-2017:
https://haiquanonline.com.vn/co-nen-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-voi-khoan-lai-gui-tiet-kiem-38442.html
(719/1.320)