(VNB) – Phân tích về những bất cập trong chính sách thuế hiện nay, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Chính sách, pháp luật thuế còn nhiều bất cập. Cá nhân bán nhà, chuyển nhượng chứng khoán dù lỗ nhưng hầu như vẫn phải nộp thuế thu nhập theo quy định hiện nay, trong khi lãi tiền gửi tiền tỷ lại miễn thuế”.
Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư?
Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên và cho rằng, những người đổ tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, chịu đủ các loại thuế, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí bị lỗ nặng nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn những người có sổ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng ung dung hưởng lợi lãi suất bình quân 6 – 7% trở lên mà không phải đóng một đồng tiền thuế nào.
Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác, hay được chia cổ tức, mới bị đánh thuế 5%. Cho rằng cách đánh thuế như vậy là không công bằng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đề xuất có thể áp dụng mức thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên.
Cụ thể, ông Đức cho rằng: “Nên đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt hai lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tức là khoảng 216 triệu đồng/năm hiện nay, và dự kiến là 240 triệu đồng từ năm 2019).
Có nghĩa là thu nhập cỡ 360 triệu đồng/năm (gồm 120 triệu đồng thu nhập cá nhân và 240 triệu đồng thu nhập từ lãi tiền gửi) trở lên mới bị đánh thuế”.
Để đạt được mức lãi này, theo ông Đức, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên. “Để có được số tiền gửi này phải là người có thu nhập cao, là nhà giàu, không phải là người có thu nhập thấp, hay nhà nghèo. Đây là chưa kể những người như vậy thường còn các khoản thu nhập thường xuyên và bất thường khác nữa”, ông Đức nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận xét kiến nghị trên không phải là không có cơ sở do chúng ta hiện nay mới xây dựng các biểu thuế về bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu… còn tài sản tiền gửi tiết kiệm chưa thu thuế.
Gửi 3 tỷ trở lên sẽ phải chịu thuế
Theo ông Hiển, ở một số nước trên thế giới, các loại tài sản, kể cả tiền gửi tiết kiệm, đều bị đánh thuế và các loại thuế này có thể chiếm tới 60% ngân sách của quốc gia. Vì vậy, trong tương lai, kiến nghị việc đánh thuế từ tài sản tiền gửi tiết kiệm cũng là điều hợp lý và đánh ở mức phù hợp là điều cần xem xét kỹ.
Bình luận về đề xuất này, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước khác là bình thường nhưng ở Việt Nam chưa phải là thời điểm đúng, bởi vì hiện nay đây không phải là nguồn thu lớn cho ngân sách, đa phần người dân Việt Nam vẫn còn nghèo, số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng không phải lớn.
Lo người gửi “lách” luật
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có quá nhiều sắc thuế. “Trước mắt nên ưu đãi người dân gửi tiền vào ngân hàng. Giờ chưa phải lúc đánh thuế này”, đại diện một ngân hàng thương mại nêu.
Chia sẻ, bản thân hoàn toàn ủng hộ quan điểm khuyến khích gửi tiết kiệm nên không đánh thuế thu nhập từ thu nhập lãi, ông Đức cho rằng hợp lý hơn là phải khuyến khích người có nhiều tiền chuyển sang đầu tư, kinh doanh, thay vì khuyến khích gửi ngân hàng.
Việc khuyến khích gửi ngân hàng chỉ phù hợp với thời bao cấp, không phải ở thời kinh tế thị trường và tự do kinh doanh. Còn ai coi đó là kênh chính để đầu tư kinh doanh sẽ phải chấp nhận nộp thuế.
“Nếu vì đánh thuế 5% thu nhập tiền gửi tiết kiệm lớn, người giàu không gửi tiết kiệm mà chuyển sang đầu tư góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu, cho vay… thì quá tốt. Tiền gửi ngân hàng mục tiêu cuối cùng cũng là cho vay sản xuất, kinh doanh mà thôi. Có đánh thuế 5% cũng chỉ dịch chuyển nhẹ nhàng và từ từ dòng tiền”, ông Đức phân tích.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, nhiều người sẽ chia nhỏ các khoản tiền để “lách” thuế. Ông Đức cho rằng nếu vì đánh thuế tiền lãi tiết kiệm mà người ta phân nhỏ thành các khoản tiền gửi không quá 4 tỷ đồng tại mỗi ngân hàng cũng không gây ra điều gì ghê gớm.
Thậm chí, còn có thêm công bằng, hy vọng cho ngân hàng nhỏ và an toàn hơn cho chính người gửi tiết kiệm vì người gửi chỉ được bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng.
Hiện nay lãi suất huy động kỳ hạn một năm khoảng 6 – 7%/năm. Đây là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn do tính an toàn và hiệu quả hơn so với đầu tư vào bất động sản, chứng khoán…
Thanh Hoa
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Thời sự) 23-9-2017:
https://vnbusiness.vn/tien-te/de-xuat-danh-thue-tien-gui-tiet-kiem-tu-3-ty-dong-1029161.html