(VNB) – Ngân hàng đã chi hàng tỷ đồng cho hệ thống bảo mật thông tin và còn “ngốn” một khoản tiền lớn để phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về công nghệ thông tin cũng như thuê an ninh mạng kiểm tra định kỳ nhưng rủi ro vẫn xảy ra bất cứ lúc nào.
Vụ việc hơn 24 sổ tiết kiệm trị giá 500 tỷ đồng đột nhiên “bốc hơi” sau 5 năm gửi tại Oceanbank khiến nhiều người gửi tiền ngân hàng “sốc”. Khách hàng Nguyễn Thị H., ở Phú Thọ, làm sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng tại một ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh này. Quá hạn ít ngày, tháng 7/2017, có việc cần rút ra, bà H. bị “sốc” khi cuốn sổ tiết kiệm mang tên mình đã bốc hơi 790 triệu đồng, chỉ còn 10 triệu đồng…
Nhiều chục tỷ đồng cho bảo mật
Các ngân hàng thương mại cho biết, đầu tư cho hệ thống ngân hàng lõi rất tốn kém, chi phí lên đến vài triệu USD, đó là chưa kể số tiền duy trì và đánh giá lại hằng năm khoảng 5 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí đầu tư vào đội ngũ kỹ sư vận hành cũng rất tốn kém.
Tuy nhiên, sự cố mất tiền của khách hàng vẫn thường xuyên xảy ra như trường hợp của khách hàng Hoàng Minh Tâm ở Hà Nội bị rút hết số dư 94,9 triệu đồng trong tài khoản tại ATM Sacombank ở Công viên Lê Văn Tám, quận 1, Tp.HCM, hay một chủ thẻ của Agribank cũng báo mất 24,3 triệu đồng trong tài khoản dù không giao dịch.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, trường hợp một số chủ thẻ bị mất tiền trong thời gian qua do hai khả năng: một là tội phạm sử dụng công nghệ skimming lấy cắp thông tin thẻ và mã PIN để làm thẻ giả hoặc khách hàng bị lợi dụng; hai là khách hàng bị lợi dụng, có thể người khác sử dụng thẻ thật của chủ thẻ để thực hiện giao dịch rút tiền trên ATM, hoặc chi tiêu trên POS mà chủ thẻ không biết, hoặc vô tình để lộ các thông tin thẻ bảo mật qua các mạng xã hội (Facebook, skype, Viber, Zalo…). Tuy nhiên, mới đây, xuất hiện một số trường hợp khách hàng gửi tiền vào ngân hàng bằng sổ tiết kiệm nhưng đến ngày đáo hạn mới biết số tiền không có trên hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, 17 khách hàng đến Oceanbank Hải Phòng gửi tiết kiệm kỳ hạn 5 năm (2012 – 2017) nhưng đến đầu tháng 9/2017 đi tất toán, họ được thông báo sổ không hợp lệ mặc dù khi gửi khách hàng đã kiểm tra số liệu trong sổ chính xác, có dấu và chữ ký xác nhận của ngân hàng.
Đặc biệt, 17 khách hàng đã bất ngờ khi được nhân viên giao dịch thông báo hơn 400 tỷ đồng không hề có trong hệ thống. Chỉ đến khi họ làm đơn, làm việc với ngân hàng này và cơ quan công an điều tra vào cuộc, tất cả mới tá hoả bởi vì trên thực tế, dù đã mở sổ tiết kiệm nhưng số tiền này không hề có trong hệ thống ngân hàng.
Với những trường hợp khách hàng bị mất tiền khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, theo các chuyên gia, phần lớn là do cán bộ ngân hàng cố tình chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Lơ là quản lý
Với những trường hợp khách hàng bị mất tiền khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, theo các chuyên gia, phần lớn là do cán bộ ngân hàng cố tình chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Một số ngân hàng đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy định giao dịch. Áp lực về doanh số và huy động vốn khiến nhiều ngân hàng lơ là trong việc quản lý cán bộ. Các ngân hàng coi khách hàng có tiền tỷ được xem là khách VIP nên khi có nhu cầu gửi tiền, người gửi chỉ cần ngồi nhà gọi điện sẽ có nhân viên ngân hàng đến tận nơi làm thủ tục.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đây thực ra là một kẽ hở được các ngân hàng biết nhưng vì quá cần khách gửi nên đa số đều lờ đi. Do đó, rất khó có quy định quy trình nào kiểm soát được vì đây là vấn đề về đạo đức cán bộ ngân hàng.
Đặc biệt, với những người được tin tưởng giao trọng trách như trưởng phòng giao dịch, hay giám đốc chi nhánh.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, trong một số trường hợp, khách hàng mất tiền khi đang gửi tiết kiệm thì một phần trách nhiệm thuộc về lãnh đạo ngân hàng, người đã tin tưởng nhân viên mà đọc “mã” duyệt cho khách hàng rút tiền (rồi làm thủ tục vào hôm sau và đổi mã mới). Vì vậy, đã đến lúc, các ngân hàng phải nâng cao kỷ luật, không được bỏ qua một công đoạn nào trong giao dịch.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng tại một số ngân hàng vừa qua, trước hết sai phạm đầu tiên thuộc về khách hàng vì đã ký giấy trắng, tạo sơ hở cho đối tượng muốn lừa đảo. Nhưng bên cạnh đó, ngân hàng cũng có phần trách nhiệm không hề nhỏ.
Ông Đức phân tích, doanh nghiệp rút tiền còn có kế toán trưởng, có ủy nhiệm chi, còn ở đây khách hàng ký khống, hay ký giấy không có nội dung nhưng ngân hàng vẫn cho rút tiền là vô lý.
Rõ ràng, ngoài việc đầu tư hệ thống bảo mật cho ngân hàng, các ngân hàng cũng phải luôn tuân thủ đúng quy trình giao dịch với khách hàng. Theo đó, phải thường xuyên thanh, kiểm tra hệ thống nhằm bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cũng như bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Huyền Anh
——————
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 25-9-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Chi-tien-ty-bao-mat-tien-van-mat-39502.html
(164/1.057)