1.545. Dự án BOT và câu chuyện thời sự

(VOV1) – BTV Hà Nho và Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI trao đổi trên sóng VOV1 phát thanh trực tiếp Câu chuyện thời sự từ 7h15 đến 7h39, nghe tại đây:

VOV1 (Câu chuyện thời sự) trực tiếp 7h15, phát lại 13h ngày 02-3-2017:

http://vov1.vov.vn/cau-chuyen-thoi-su/du-an-bot-va-cau-chuyen-phap-ly-232017-c47-31181.aspx

————————-

KỊCH BẢN CÂU CHUYỆN THỜI SỰ

(Trực tiếp lúc 7h15 phút ngày 02/03/2017, phát lại lúc 13h00 cùng ngày 

Tại phòng thu Tầng 5, tòa nhà 41-43 Bà Triệu)

# Thưa quý vị và các bạn. Liên quan tới việc các dự án BOT sau khi kiểm toán, thanh tra Chính phủ vào cuộc đã chỉ ra những điểm bất cập, thiếu sót trong quá trình triển khai dự án và có những điểm chưa rõ ràng, minh bạch. Kết quả của kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ đều chỉ ra các phương án thu phí chưa hợp lý, cần điều chỉnh giảm và có dự án đã giảm thời gian thu phí hàng chục năm. Để làm rõ câu chuyện pháp lý đối với các dự án BOT, trong chương trình hôm nay, chúng tôi mời tới phòng phát thanh trực tiếp luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cùng trao đổi về nội dung này với chủ đề: “Dự án BOT và câu chuyện pháp lý”. Quý vị và các bạn quan tâm, gọi tới số điện thoại nóng là 04.39341040 hoặc 04.39349483 để trao đổi, bày tỏ quan điểm trực tiếp với khách mời. Bây giờ, mời BTV Hà Nho bắt đầu cuộc trao đổi:

BTV Hà Nho: Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn Ls Trương Thanh Đức đã tham gia chương trình.

Ls Trương Thanh Đức: Chào thính giả Đài TNVN.

  1. Thưa ông, trở lại câu chuyện về các dự án BOT lần này, về mặt pháp lý, ông thấy vấn đề nào cần tập trung làm rõ?

BOT là cách gọi tắt của Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao, là hợp đồng được ký giữa các bộ hoặc UNND cấp tỉnh và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nhà nước.

BOT có nhiều loại, nhưng điều bất cập cần bàn là BOT giao thông cầu đường bộ. Trong đó mấy vấn đề pháp lý cần tập trung là:

Trường hợp áp dụng BOT giao thông: Cứ cần đầu tư là làm hay phải có nguyên tắc giải pháp lựa chọn đường song hành.

Nguyên tắc đầu tư BOT: Nhà đầu tư lời ăn, lỗ chịu hay kiểu gì cũng lãi? Điều này liên quan đến chi phí đầu tư, thời gian thu phí và đặc biệt là mức phí.

Bảo mật hợp đồng: Hợp đồng bí mật, bình thường hay buộc phải công khai?

Hiệu quả của BOT: Quan trọng nhất: Kiểm soát doanh thu, chi phí, lợi nhuận thật sự đúng.

  1. Bộ GTVT vừa có văn bản lý giải về việc rút ngắn thời gian thu phí tại một số dự án BOT. Theo Bộ này, tổng mức đầu tư không phản ánh thực tế giá trị công trình và sai lệch là tất yếu. Ông bình luận gì về lý giải này?

Sai sót là tất yếu, nhưng chỉ trong giới hạn cho phép, chứ không thể là sai bao nhiêu cũng bình thường.

Sai sót của nhà đầu tư, của DN nói chung thì chủ yếu là Nhà nước chỉ thất thu thuế. Nhưng sai sót một loạt công trình BOT thì nó có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến chi phí, giá thành, giá cả hàng hóa, sự cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Đặc biệt nếu tư nhân đầu tư mà không rẻ, không tốt, không hiệu quả hơn Nhà nước, để rồi nhân dân và doanh nghiệp phải trực tiếp trả phí cao, thì tốt nhất là Nhà nước vay dân để xây dựng công trình giao thông, chứ cần gì đến BOT.

  1. Hợp đồng BOT là hợp đồng kinh tế, vậy hai bên tham gia ký kết hợp đồng như vậy, đảm bảo sự công bằng và công khai, minh bạch chưa?

Hợp đồng BOT không đơn thuần là 1 hợp đồng kinh tế, vì nó không có nhiều sự lựa chọn, nó đặc thù, đặc biệt. Tôi nhất trì với nhiều quan điểm cho rằng, nó nghiêng về loại hợp đồng hành chính hơn là kinh tế, thương mại, dân sự.

Vì vậy, nó không công bằng giữa hai bên đối tác như hợp đồng kinh tế thông thường. Ngược lại nó đòi hỏi phải công khai, minh bạch, vì liên quan đến ngân sách, đến tiền thuế, phí của dân. Phí cầu đường do Nhà nước quyết định.

  1. Ông phân tích rõ hơn về thể thức hợp đồng và theo ông, các chủ thể tham gia ký kết có đảm bảo sự công bằng không?

Hợp đồng được ký giữa bộ ngành hoặc UBND cấp tỉnh với nhà đầu tư. Gọi là hợp đồng, nhưng trong trường hợp này không hoàn toàn bình đẳng, công bằng như hợp đồng giữa các chủ thể bình thường. Bình thường thì đầu tư để bán hàng và thu hồi vốn và lãi qua giá cả theo Luật giá theo thị trường. Nhưng đây lại là thu phí theo Luật Phí và lệ phí, do Nhà nước ấn định.

4 -5 Nghị định của Chính phủ từ trước đến nay về BOT không có quy định nào về việc bảo mật thông tin hợp đồng BOT.

Luật Đầu tư 2014, và Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015  của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP không có quy định về việc bí mật hợp đồng BOT nói chung. Nếu có thì chỉ là việc bảo mật các nội dung về quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc các thỏa thuận huy động vốn để thực hiện dự án.

Không những thế, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải thực hiện công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

(Điều 52. Giám sát và đánh giá đầu tư, công khai tài chính, Nghị định 15/2015/NĐ-CP).

Đáng tiếc là các Thông tư của Bộ KHĐT, như Mục 24 về “Những nội dung khác”, Nội dung cơ bản của hợp đồng dự án, ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BKHĐT ngày 28-6-2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại quy định: Các nội dung khác do các Bên thỏa thuận tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô, tính chất và yêu cầu thực hiện dự án với Điều kiện không trái với quy định của pháp luật (Ví dụ: quy định về chế độ báo cáo, bảo mật thông tin và các vấn đề khác).

  1. Một vấn đề cần làm rõ là dự án BOT như thế nào thì phải đấu thầu hay chỉ định thầu? Các quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề này, ông có phân tích gì để tránh những “kẽ hở” mà các bên có thể trục lợi?

Khoản 4 Điều 22 về “Chỉ định thầu”, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;

Thứ hai, chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn;

Thứ ba, nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ.

Việc chỉ định nhà thầu để xây dựng dự án BOT cũng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp như là:

    • khắc phục thiên tai bão lụt, gói thầu bí mật quốc gia, gói thầu cấp bách vì an ninh, quốc phòng;
    • gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế) có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển.

Nhưng qua kết quả kiểm toán, thanh tra thì chỉ có 1 dự án đấu thầu.

  1. Về góc độ pháp lý, tài chính trong ký kết hợp đồng BOT, ông có thể phân vai và trách nhiệm của các bên như thế nào?

Nhà đầu tư thì tối đa hoá lợi nhuận và lợi ích của họ. Tất nhiên họ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và các điều khoản của hợp đồng. Như vậy thì không khó, vì tương đối rõ ràng cả về mục tiêu và trách nhiệm.

Cái khó là phía cơ quan nhà nước, không phải bảo vệ lợi ích của mình một cách chung chung, tức là cứ xây được nhiều công trình, mà khó hơn nhiều. Đó là phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước là một phần quan trọng nhất là thay mặt cho doanh nghiệp, cho nhân dân, cho những người nộp thuế, những người sử dụng công trình giao thông. Cụ thể là chất lượng công trình phải bảo đảm và chi phí phải hợp lý, phí cầu đường phải thấp nhất, tức giá hàng hoá sản phẩm đến với người dân phải tốt nhất.

  1. Cũng đã có đề xuất về việc xây dựng Luật về BOT. Vậy theo ông, cần đưa điều khoản nào để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư. Đồng thời cũng có khả năng kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài?

Cần lựa chọn nguyên tắc chốt rõ ràng, công khai, minh bạch trong Luật. Chốt chính là thời hạn hợp đồng BOT hay số lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng.

Nếu chốt chính là thời hạn, như nhà đầu tư được thu phí 10 năm chẳng hạn, thì phải kiểm soát chặt chẽ, chính xác chi phí và mức phí. Nhà đầu tư làm tốt thì lợi nhuận có thể sẽ rất cao, nhưng ngược lại thì có thể lỗ.

Nếu chốt chính là số lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng, bao giờ đạt được thì dừng thu phí, chứ không cứ ấn định phải là 10 năm. Khi đó thì phải kiểm soát chặt hơn về chi phí và doanh thu.

Còn bây giờ thì theo cả 2, vừa bảo đảm nhà đầu tư không lỗ, lại vừa gần như cố định về thời hạn thu phí.

Tất nhiên là dù theo cách nào thì cũng phải bảo đảm chất lượng công trình và bảo đảm thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư để họ tin tưởng, yên tâm bỏ số vốn rất lớn đầu tư trong một thời hạn dài.

  1. Trao đổi về góc độ pháp lý. Điều mà ông thấy bất cập nhất cần phải điều chỉnh là gì?

Một bên là nhà đầu tư, vì lợi nhuận. Một bên là nhà nước, nhưng bảo vệ lợi ích rất rộng là của nhân dân, tức là gần như lợi ích của người khác chứ không trực tiếp của mình.

Vì vậy cần phải xây dựng được một cơ chế tư vấn, trung gian rất tốt giữu 2 bên để giúp cân bằng lợi ích giữa 2 bên. Và để làm tốt nhất được điều này thì rất quan trọng là cạnh tranh thats sự công khai minh bạch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

# Thưa quý vị và các bạn. Câu chuyên các dự án BOT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luân. Đây là các dự án cầu đường, liên quan đến rất nhiều người tham gia giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và các lợi ích liên quan. Vì vậy, hoàn thiện các vấn đề pháp lý, tài chính để việc kêu gọi đầu tư các dự án BOT trở thành giải pháp mạnh, mang tính lan tỏa trong việc phát huy nguồn lực xã hội đối với phát triển hạ tầng giao thông là yêu cầu đặt ra. Đồng thời, việc hoàn thiện cơ chế pháp lý theo hướng luật hóa, tránh bất cập, nảy sinh tiêu cực, lãng phí. Trước mắt, đối với việc thu phí hoàn vốn các dự án BOT tới đây được triển khai áp dụng các hình thức tự động, đảm bảo sự công khai, minh bạch cũng là một yêu cầu từ thực tiễn, rất cần được Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xử lý giải quyết mạnh mẽ, hiệu quả./.

————

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,950