Nhiều quan điểm trái ngược
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa 5 luật thuế thu hút sự quan tâm không chỉ của các chuyên gia, các nhà làm luật mà cả dư luận xã hội. Mới đây, tại hội nghị về chủ đề này, có ý kiến đề xuất nên bổ sung thêm việc đánh thuế lãi tiết kiệm vào nội dung sửa đổi lần này.
Theo lý giải của luật sư Trương Thanh Đức – người đề xuất việc đánh thuế tiết kiệm: Đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí hàng tỉ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế.
Ông Trương Thanh Đức đề xuất có thể áp dụng mức thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỉ đồng trở lên. Cụ thể, ông Đức cho rằng: “Nên đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt hai lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tức là khoảng 216 triệu đồng/năm hiện nay, và dự kiến là 240 triệu đồng từ năm 2019).
Có nghĩa là thu nhập cỡ 360 triệu đồng/năm (gồm 120 triệu đồng thu nhập cá nhân và 240 triệu đồng thu nhập từ lãi tiền gửi) trở lên mới bị đánh thuế”. Để đạt được mức lãi này, theo ông Đức, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỉ đồng trở lên.
“Để có được số tiền gửi này phải là người có thu nhập cao, là nhà giàu, không phải là người có thu nhập thấp, hay nhà nghèo. Đây là chưa kể những người như vậy thường còn các khoản thu nhập thường xuyên và bất thường khác nữa” – ông Đức nói.
Đây không phải là lần đầu tiên có ý kiến đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, trước đó cũng đã từng có đề xuất như vậy. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TPHCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng trở lên và cho rằng, những người đổ tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội, chịu đủ các loại thuế, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí bị lỗ nặng nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn những người có sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng gửi ngân hàng ung dung hưởng lợi lãi suất bình quân 6 – 7% trở lên mà không phải đóng một đồng tiền thuế nào.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế, luật sư – tiến sĩ Bùi Quang Tín – CEO Trường Doanh nhân Bizlight – cho rằng đề xuất này không khả thi vì không hợp lý. Theo ông Tín, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác.
Ví dụ, nếu làm công ăn lương, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính số dư sau 9 triệu đồng. Cụ thể, nếu thu nhập 10 triệu đồng/tháng, mức thuế cá nhân sẽ phải đóng là số dư 1 triệu đồng, còn mức lương dưới 9 triệu đồng không bị đánh thuế. Như vậy, số tiền tích cóp được sau khi hưởng lương để gửi tiết kiệm, nếu đánh thuế chẳng khác nào là thuế chồng thuế.
Hoặc cho rằng tổng số tiền tích cóp từ 9 triệu đồng không đóng thuế theo quy định của nhà nước, nay bị tính thuế thì chẳng khác nào vi phạm luật thu nhập cá nhân. Trong trường hợp tiền có được từ bán tài sản, thu nhập đó cũng đã được thuế điều chỉnh, hoàn toàn không được miễn thuế.
Hay trường hợp mở doanh nghiệp, tất cả doanh thu của doanh nghiệp đó cũng bị đánh thuế. “Chỉ với vài ví dụ trên cho thấy, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm là thuế chồng thuế và quá tận thu” – LS.TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.
Đề xuất ngược lợi ích kinh tế?
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, họ tỏ ra lo ngại đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn, vì vốn là nguồn mạch sống của các ngân hàng, qua đó gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Giám đốc một ngân hàng thương mại bộc bạch, trên thực tế, nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu đến từ việc huy động các khoản tiền gửi tiết kiệm trong dân chúng, và hệ thống này cho đến nay vẫn là kênh cung cấp vốn chủ lực cho toàn bộ nền kinh tế.
Do đó, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.
Chưa kể, nếu việc gửi tiền vào ngân hàng bị đánh thuế, người dân sẽ chọn giải pháp khác thay thế, dòng tiền sẽ chảy vào USD, vàng và các kênh đầu tư khác như bitcoin là một lựa chọn khả dĩ trong thời điểm hiện tại, khiến nguy cơ mất giá đồng tiền Việt, lạm phát gia tăng.
“Đánh thuế đối với lãi tiền gửi để làm gì? Để vốn đổ vào bất động sản? Đề xuất này hoàn toàn không hợp lý và thiếu thực tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tiền gửi tiết kiệm là khoản tích lũy của người dân.
Nếu khoản lãi mà bị đánh thuế sẽ gây khó khăn cho chính người gửi tiền. Và gián tiếp gây khó khăn cho nền kinh tế vì lượng tiền huy động qua ngân hàng – kênh dẫn vốn cho nền kinh tế – bị ảnh hưởng ít nhiều” – vị giám đốc ngân hàng nhận xét.
Ngoài ra, theo phân tích của TS Bùi Quang Tín, việc đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Bởi tổng tài sản của các ngân hàng thương mại, phần lớn từ 80 – 90% là từ nguồn huy động vốn.
Theo đó, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm thì người dân chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… Do vậy, việc đánh thuế này sẽ có nguy cơ khiến nguồn tiền từ huy động vốn sẽ bị giảm đi.
Ngoài ra, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng mà còn làm méo mó thị trường tài chính, gây khó khăn cho việc quản lý cho các cơ quan nhà nước. Điều đáng nói không chỉ khó quản lý về thuế mà nhiều ngân hàng sẽ tìm cách này hay cách khác để hỗ trợ người gửi tiền sao không bị đánh thuế.
——————
Lao động (Kinh tế) 27-9-2017:
http://laodong.vn/kinh-te/danh-thue-tien-gui-tiet-kiem-loi-it-thiet-nhieu-566790.ldo
(263/1.382)