(ANTV) – Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, họ tỏ ra lo ngại đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn, vì vốn là nguồn mạch sống của các ngân hàng, qua đó gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Thông tin được đăng tải trên báo Lao động.
Đánh thuế gửi tiết kiệm: Lợi ít thiệt nhiều – báo Lao động
Theo Lao động, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa 5 luật thuế thu hút sự quan tâm không chỉ của các chuyên gia, các nhà làm luật mà cả dư luận xã hội.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – người đề xuất việc đánh thuế tiết kiệm: Đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí hàng tỉ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín – Trường Doanh nhân Bizlight – cho rằng đề xuất này không khả thi vì không hợp lý, có thể vi phạm Luật thu nhập cá nhân. nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm là thuế chồng thuế và quá tận thu.
Trong khi đó, Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, họ tỏ ra lo ngại đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn, vì vốn là nguồn mạch sống của các ngân hàng, qua đó gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Nhà ống – ẩn họa cháy, nổ khôn lường – báo KT&ĐT
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp, số vụ cháy liên quan đến công trình có dạng nhà ống gia tăng về số lượng lẫn thiệt hại. Thế nhưng, trong khi công tác quản lý, xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn nhiều bất cập thì ý thức người dân về an toàn cháy, nổ vẫn trong tình trạng báo động. Thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế & Đô thị.
Thông tin trên đã dẫn hàng loạt vụ cháy nhà ống nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP. HN thời gian qua. Ngoài ra cho biết, TP Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn. Những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Qua thống kê, số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 – 800 vụ/năm).
Sắp có Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 – báo Tuổi trẻ
Báo Tuổi trẻ số ra sáng nay thông tin: Cục Bảo vệ – chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) đang khẩn trương cho ra mắt tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111 vào tháng 10 tới. Đây là số điện thoại thay thế số 18001567 đã triển khai hơn 10 năm qua.
Theo đó, đường dây nóng 111 sẽ gồm 2 chức năng chính. Thứ nhất tư vấn qua điện thoại như: Tiếp nhận, phân loại thông tin, báo cáo từ người dân và nhiều nguồn khác về các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ. Tiếp nhận, cung cấp, giải đáp thông tin cho trẻ em và cha mẹ về các vấn đề của trẻ em. Tư vấn sâu về tâm lý, chính sách cho trẻ em. Kết nối can thiệp, bảo vệ trẻ em.
Thứ hai, Tham vấn trực tiếp và trị liệu tâm lý gồm Hỗ trợ miễn phí cho trẻ em bị khủng hoảng nặng về tâm lý do bị xâm hại tình dục, bạo lực, trẻ bị mua bán và trẻ em bị các rối nhiễu về tâm lý. Thực hiện dịch vụ tham vấn trực tiếp cho trẻ em và cha mẹ, đánh giá và trị liệu tâm lý cho trẻ em bị các rối nhiễu tâm lý khi có nhu cầu. Thu thập, đóng góp thông tin phục vụ quản lý hệ thống và giải trình thực hiện pháp luật, chính sách cho trẻ em.
Tham nhũng quyền lực, chậm xử lý thì nguy hại khủng khiếp – báo ANTĐ
“Tham nhũng quyền lực, chậm xử lý thì nguy hại khủng khiếp” là tiêu đề bài viết đáng chú ý được đăng tải trên báo ANTĐ hôm nay 27/9. Cụ thể, liên quan đến vấn đề này, báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội. Vị đại biểu này khẳng định, việc lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước bổ nhiệm người nhà vào vị trí“nhạy cảm” ở doanh nghiệp mình phụ trách là biểu hiện của tham nhũng quyền lực.
Ông nhấn mạnh: Để xảy ra các sai sót, trước hết là do chính người đứng đầu doanh nghiệp cố tình vi phạm, sau đó là trách nhiệm quản lý của Bộ chủ quản doanh nghiệp đó. Tham nhũng quyền lực, lạm dụng quyền lực là hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp, nên cần phải xử lý thật nghiêm, cả người bổ nhiệm sai lẫn người được bổ nhiệm sai đều phải xử lý. ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: Trước hết, cần phải rà soát, xem xét lại các quy định pháp luật trong lĩnh vực này để xem còn có kẽ hở nào mà các đối tượng có thể lợi dụng thì sớm “rào kín lại”;
Thứ hai, cần tăng cường trách nhiệm cá nhân theo hướng quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm, nếu sai phạm xảy ra ở đơn vị nào thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên; Thứ ba, phải tăng cường trách nhiệm giám sát và hoạt động kiểm tra của cấp trên với cấp dưới, của cơ quan chủ quản với các tập đoàn, doanh nghiệp trực thuộc.
BT
——————
An ninh TV (Điểm tin) 27-9-207:
http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/diem-tin/tin-tuc-noi-bat-tren-bao-ngay-27-9-216943.html
(64/1.097)