(DĐDN) – Trong khi cả bộ máy hành pháp và lập pháp đang dương cao ngọn cờ bảo vệ, hỗ trợ để phát triển DNNVV thì Nghị định 86/2014 vẫn từng bước loại bỏ khỏi thị trường hàng loạt doanh nghiệp nhỏ.
Những hộ kinh doanh vận tải đơn lẻ hoặc DN nhỏ có thể cung cấp dịch vụ, hoạt động vận tải ở quy mô địa phương, cung đường ngắn… những nơi DN quy mô lớn chưa chắc kinh doanh hiệu quả bằng. Xe khách A Sinh từ Thành phố Hà Giang đi Đồng Văn. Ảnh: Ben McKechnie.
Tại bảng bình chọn các quy định pháp luật do VCCI vừa công bố, cộng đồng DN và các chuyên gia đã xếp những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô hạn chế quy mô DN tại Nghị định 86/2014 vào nhóm kém.
Hạn chế cạnh tranh
Tại Khoản 4, Điều 15, Nghị định 86 quy định, các DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, tùy thuộc vào hình thức kinh doanh, phải đáp ứng các điều kiện về số lượng xe tối thiểu, cụ thể: Đối với kinh doanh hành khách theo tuyến cố định: DN có trụ sở ở các thành phố trực thuộc Trung ương phải có từ 20 xe trở lên; DN có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại từ 10 xe trở lên; trụ sở tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ từ 05 xe trở lên.
Thực tế, các điều kiện kinh doanh mang tính giới hạn quy mô không phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), những mô hình quản lý nhà nước hiện đại là hướng đến thị trường tự điều chỉnh. Những quy định “truyền thống” mang tính áp đặt, cơ quan quản lý nhà nước muốn người dân tuân thủ vì cho rằng như vậy sẽ tốt cho xã hội đã dần được thay đổi. Thực tế đã chứng minh, những quy định như vậy chỉ cản trở, hạn chế thị trường bởi vì không theo kịp sự phát triển.
Tại Việt Nam những điều kiện kinh doanh mang tính giới hạn quy mô cũng đang dần được gỡ bỏ như quy định DN kinh doanh bất động sản phải có số vốn tối thiểu 20 tỷ đồng, DN xuất khẩu gạo phải có kho chứa trên 5.000 tấn, DN kinh doanh gas phải có hơn 100.000 bình và bồn chứa trên 300 m3… Những rào cản DN gia nhập thị trường này đã trở nên lạc hậu, thậm chí đang đi ngược lại chủ trương bảo vệ, hỗ trợ và phát triển DNNVV mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang đề cao.
Theo tổng hợp các kiến nghị từ DN của VCCI, yêu cầu về quy mô tối thiểu của DN không liên quan đến vấn đề an toàn giao thông. Thực tế, tính đến nay, chưa có khảo sát hoặc bằng chứng có tính thuyết phục nào chứng minh DN quy mô lớn thì ít gây tai nạn hơn DN quy mô nhỏ, ít xe hơn.
Lỗi tư duy
Kỳ vọng vào một ngành vận tải có những tập đoàn quy mô lớn, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp không có gì sai. Tuy nhiên, theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trọng tài viên VIAC, không chỉ Việt Nam trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản… đều phần lớn là DNNVV. “Và không ở đâu người ta dùng mệnh lệnh hành chính để buộc DN phải lớn lên cả” – LS Đức nhấn mạnh.
Nếu muốn đảm bảo an toàn giao thông thì cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc vận hành… Các DN có quyền tự do cạnh tranh để vươn lên thành những DN lớn. “Ở Việt Nam, mọi áp đặt rồi thì cũng sẽ bị người ta lách luật, chạy các cửa khiến chính sách méo mó không khả thi, tăng chi phí dịch vụ” – LS Đức nhìn nhận.
Cộng đồng DN đã có những phản ứng tiêu cực đối với chính sách mang tính giới hạn quy mô DN vận tải hành khách bằng ô tô nói riêng, các DN vận tải nói chung. Tuy nhiên, không phải những phản ánh của DN có thể dễ dàng được cơ quan quản lý chấp nhận. Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, thông qua cuộc bình chọn pháp luật vừa qua, những phản ánh chân thực từ quá trình cọ sát chính sách của DN đã phần nào được lột tả. VCCI đã tổng hợp các kiến nghị gửi tới các bộ ngành liên quan. Rất nhiều bộ đã thể hiện tinh thần cầu thị sửa đổi các quy định bất hợp lý.
Tuy nhiên, với quy định trên, Bộ GTVT đã có công văn trả lời với quan điểm chưa đồng thuận. Công văn phản hồi của Bộ GTVT cho rằng, qua công tác hoạt động quản lý vận tải cho thấy, yếu tố quy mô góp phần nâng cao năng lực của đơn vị vận tải. Chỉ các DN vận tải có quy mô mới có khả năng duy trì bộ phận quản lý theo dõi về an toàn, điều hành hoạt động vận tải, công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện trước khi đưa xe ra hoạt động. Các quy định về quy mô cũng góp phần thúc đẩy chất lượng dịch vụ, đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ tốt hơn trong quá trình vận chuyển.
Có lẽ vấn đề này còn phải tốn nhiều công sức và thời gian. Nhưng xu thế phát triển và hội nhập không đứng lại chờ nhà quản lý mãi được!
Ông Nguyễn Hữu Thập – Chủ tịch HH DN tỉnh Tuyên Quang: Xây dựng chính sách dựa quá nhiều vào quan điểm người “đút chân vào gầm bàn”
Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các hiệp hội DN thường nhận được văn bản đề nghị đóng góp ý kiến. Hiệp hội cũng gửi công văn đề nghị DN hội viên nghiên cứu và cho ý kiến xây dựng dựa trên thực tiễn hoạt động của mình. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của hiệp hội gửi đến cơ quan soạn thảo đều không có hồi âm. Các chính sách vẫn được ban hành dựa trên quản điểm của những người chuyên “đút chân vào gầm bàn”. DN phản ứng thì bảo đây là quan điểm chung, đảm bảo hài hoà lợi ích và phục vụ yêu cầu phát triển. Chỗ nào bị phản ứng gay gắt quá thì phài chờ sửa đổi rất nhiều thời gian, gây thiệt hại đáng kể cho DN.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tại Hà Nội: DN nhỏ có lợi thế riêng
Tôi ủng hộ việc bảo đảm an toàn giao thông phải đặt lên hàng đầu. Có thể DN quy mô lớn chuyên nghiệp hơn trong bộ máy quản lý, cung cấp dịch vụ, nên các cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, những hộ kinh doanh đơn lẻ hoặc DN nhỏ có thể cung cấp dịch vụ, hoạt động vận tải ở quy mô địa phương, cung đường ngắn… Đây là những nơi DN quy mô lớn chưa chắc kinh doanh hiệu quả bằng. Vấn đề cốt lõi là những quy định, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn giao thông có hiệu lực.
Bá Tú
—————
Diễn đàn Doanh nghiệp 04-3-2017:
http://enternews.vn/gioi-han-quy-mo-dn-van-tai-o-to-dung-phan-biet-dn-to-hay-nho.html
(166/1.326)