(VNP) – Đề xuất của Bộ Tài chính bắt buộc các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nhận khoán kinh phí xe công thay vì ôtô đưa đón đi làm là nội dung được bàn luận nhiều nhất trong những ngày gần đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo thống kê của VietnamPlus – SocialBeat, trong thời gian từ 21/2 tới 9/3, đã có 176 lượt tương tác trong đó có 124 bài đăng, 47 bình luận và 5 lượt “thích” từ 40 nguồn đề cập về đề xuất khoán kinh phí sử dụng xe công.
Trong số các bài đăng và bình luận, 34% nội dung thảo luận là về việc khoán bắt buộc với các chức danh lãnh đạo. Hai phương án khoán kinh phí xe công cũng được quan tâm nhiều với 32% nội dung thảo luận. Ngoài ra, những vấn đề khác được thảo luận là việc thí điểm triển khai xe công tại 9 cơ quan đơn vị ở Hà Nội (23%) và 3 điều kiện để được mua mới xe công năm 2017 (11%).
[Các lãnh đạo sắp bị buộc nhận khoán kinh phí thay vì đi xe biển xanh?]
Cũng theo thống kê, trang tin/báo điện tử là kênh chủ yếu thảo luận về đề xuất trên, chiếm tới 90% tổng lượng thảo luận. Đứng thứ 2 về lượng thảo luận có đề cập đến hoạt động đề xuất khoán kinh phí sử dụng xe công là kênh Youtube (với 9%). Kênh Facebook chỉ có 1% lượng bài đăng về nội dung trên.
Báo cáo cũng đã thống kê những nhận định của một số chuyên gia trên kênh các thông tin. Một vài ví dụ cho thấy sự đồng tình từ giới chuyên gia. Đơn cử, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Đây là một giải pháp tốt để tiết kiệm chi phí công, tạo cho người sử dụng tinh thần trách nhiệm, tránh lãng phí. Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhận định: “Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh.”
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công.
Cụ thể, việc khoán kinh phí xe công từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại sẽ là bắt buộc với các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án khoán kinh phí. Một là đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức khoán này được lưu ý là sẽ được điều chỉnh khi chỉ số CPI biến động trên 20%.
[Vì sao lại có đề xuất khoán kinh phí xe công 6,5 triệu đồng mỗi tháng?]
Với phương án 2, mức khoán được xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà tới cơ quan, khoảng cách đi công tác.
Đơn giá được dự tính theo phương án 1 là khoán 16.000 đồng/km và có điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Phương án 2 là xác định đơn giá trên cơ sở giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường của địa phương. Việc xác định đơn giá cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định./.
XUÂN DŨNG
—————
VietnamPlus (Truyền thông) 09-3-2017:
http://www.vietnamplus.vn/de-xuat-lanh-dao-nghi-oto-cong-dua-don-gay-song-du-luan/434947.vnp
(16/624)