(TBKD) – Việt Nam mừng vì môi trường kinh doanh đã thăng hạng, năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện. Tuy nhiên, đó chỉ là so với chúng ta, còn so với các nước trong khu vực, họ tất nhiên sẽ không chịu “giậm chân tại chỗ” chờ Việt Nam tới mà đang có những bứt phá xa hơn.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018, kết quả cho thấy Việt Nam xếp hạng 55 trên tổng số 137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm.
Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. Bên cạnh đó, ngoại thương là một yếu tố lớn khác giúp Việt Nam tiến lên phía trước khi đứng thứ 7 về tỷ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỷ lệ xuất khẩu.
Tăng bậc, vẫn xếp sau…
Kết quả này rất đáng ghi nhận, nhưng nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Cụ thể, WEF đánh giá các quốc gia Đông Nam Á đều có sự tiến bộ 1 – 2 bậc trong báo cáo năm nay, với thứ hạng rất cao như Singapore (thứ 3), Malaysia (thứ 23), Thái Lan (thứ 32).
Đặc biệt, Indonesia được WEF đánh giá cao, năm nay xếp hạng 36/137 quốc gia (tăng từ vị trí 41 vào năm ngoái) nhờ đạt được sự cải thiện ở 10 trong 12 tiêu chí đánh giá, về sức khỏe, giáo dục và hạ tầng. Tính chung trong 5 năm qua, Indonesia đã tăng 14 bậc.
Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2017 do Bộ KH&ĐT soạn thảo, đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines).
Cụ thể, khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, tiếp cận tín dụng (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) thuộc 40 nước đứng đầu, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc 60 nước đứng đầu đầu.
Bên cạnh đó, năm 2017, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục gồm: thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 77 ngày, tiếp cận điện năng không quá 35 ngày…
Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định nhưng vì các nước trong khu vực cũng chuyển biến cho nên Việt Nam vẫn bị bỏ lại khá xa.
Trước đó, đánh giá ba năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ KH&ĐT thừa nhận, tuy thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện trên hầu hết các chỉ tiêu, đứng trên Philippines, nhưng chưa đạt trung bình ASEAN 4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippnes), thậm chí một số chỉ tiêu chưa đạt trung bình ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Indonesia).
Lo ngại này đã từng được ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề cập tới. Ông Đông đánh giá, các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua đã đạt được hiệu quả nhất định.
Theo chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới, có những chỉ số chúng ta nhảy đến 12 bậc so với năm trước. Hiệu quả đó được đánh giá bằng chỉ số thu hút đầu tư tăng đều, mức độ phát triển doanh nghiệp (DN) đều tăng, có nghĩa là môi trường kinh doanh của chúng ta tốt hơn.
“Thực tế đúng là chúng ta tốt lên nhưng tốt so với chúng ta, trong khi các nước trong khu vực cũng đang thăng tiến, nên mục tiêu chúng ta từ nhóm nước ASEAN 6 trở thành nhóm ASEAN 4, nếu so với thời điểm được tính có thể chúng ta đã đạt được. Có nghĩa là cách đây ba năm, chúng ta bằng với ASEAN 4 cách đây bốn năm”, ông Đông thẳng thắn nhìn nhận.
So với các nước tốp đầu khu vực ASEAN, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn “chậm chân” hơn họ
Kết quả phải tăng cấp số nhân
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá, Nghị quyết 19 đặt ra mục tiêu năm 2020, chúng ta phải xếp vào nhóm ASEAN 4, có lúc còn nêu trong mục tiêu là một trong ba nền kinh tế ASEAN nhưng xem chừng mục tiêu đó khó khăn.
Theo ông Lộc, dù có nhiều thay đổi về môi trường kinh doanh, Việt Nam đang là điểm đầu tư hàng đầu của các DN Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ nhưng theo công bố của DN FDI, sự hấp dẫn của Việt Nam vẫn vì chính trị xã hội ổn định, quy mô thị trường tương đối lớn – kết nối vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chi phí lao động thấp.
“Đó là điều họ chọn Việt Nam, còn họ vẫn đánh giá thể chế và thủ tục hành chính Việt Nam là phức tạp nhất thế giới. Điều đó có nghĩa chúng ta tiến bộ so với chúng ta nhưng so với thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn phức tạp, chi phí chính thức và phi chính thức còn cao”, ông Lộc nói.
Ông Lộc đặt vấn đề: “Tại sao trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, dù tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn thuộc nền kinh tế ở mức trung bình.Do vậy, chúng ta cần tiếp tục cải cách thể chế”.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu thực tế rằng lẽ thường kinh doanh là phải chấp nhận lãi, hòa, hoặc lỗ và rủi ro lớn nhất là mất toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, kể từ năm 1945 đến nay, dường như rủi ro lớn nhất trong kinh doanh lại là rủi do pháp lý, hay rộng hơn là rủi ro chính sách, thay vì rủi ro thị trường hay bất cứ rủi ro nào khác.
Cộng đồng DN phản ánh môi trường kinh doanh vẫn còn những khoản phí phi chính thức với số tiền “phong bao, phong bì” không nhỏ thể hiện qua các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).
“DN muốn được việc buộc phải chung chi theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa chia sẻ.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận xét Việt Nam mới đi được một nửa chặng đường đến ASEAN 4, phải có kết quả theo cấp số nhân mới đạt tới mục tiêu đề ra.
Lê Thúy
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, của một số tỉnh thành nói riêng vẫn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, thậm chí gây ra những rủi ro chính sách, đẩy DN vào tình thế nan giải, mất hoặc giảm cơ hội kinh doanh, thậm chí rơi vào thua lỗ, nợ nần dẫn đến phá sản. Một mặt, cơ sở hạ tầng đã, đang và sẽ được xây mới, nâng cấp nhiều trên phạm vi cả nước song tính kết nối còn hạn chế, nhất là chi phí lưu thông có xu hướng tăng mạnh, tác động tiêu cực tới chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh của nhiều DN. Mặt khác, hai trụ cột cải cách đổi mới là thể chế và nguồn nhân lực chưa theo kịp trụ cột xây dựng cơ sở hạ tầng nên còn tạo ra nhiều rào cản đối với DN. Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI Cải cách sửa đổi thủ tục hành chính của Việt Nam cần phải nhìn ra ASEAN xem họ làm như thế nào để chúng ta học hỏi. Sửa đổi hệ thống pháp luật kinh doanh phải làm mạnh mẽ hơn. Thực tế, tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe một phần là do ý thức, năng lực cán bộ nhưng nguy hiểm hơn, quy định pháp luật giải thích kiểu gì cũng được, mỗi nơi giải thích một kiểu, mỗi công chức giải thích một kiểu, gây khó khăn cho người kinh doanh. Đã đến lúc cần phải nghiêm túc, thận trọng rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật, chính sách về sở hữu tài sản, khuyến khích và bảo đảm đầu tư, kinh doanh. Muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, mọi thứ phải được giải quyết bằng pháp luật hợp lý, công cụ hữu hiệu, giải pháp rõ ràng, cách thức cụ thể, biện pháp khả thi và đặc biệt là phải xử lý, tháo gỡ, giải tỏa nhanh chóng, dứt điểm, thuyết phục, hợp tình hợp lý các vụ việc đầu tư, kinh doanh thực tế nổi cộm, thay vì mong muốn, hô hào, quy định chung chung. |
——————
Thời báo Kinh doanh (Diễn đàn) 29-9-2017:
(189/1.643)