1.565. Kinh doanh gas: Chưa hết vướng mắc

(NLĐ) – Việc gỡ bỏ điều kiện kinh doanh gas có dẫn đến tình trạng giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng tăng do quá nhiều thương nhân phân phối tham gia thị trường trong địa bàn nhỏ hẹp, cạnh tranh không lành mạnh?

Khi xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp (DN), không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, câu chuyện quản lý ra sao sau khi môi trường được rộng cửa thông thoáng lại cần bàn thêm.

Bộ Công Thương e ngại

Báo cáo đánh giá tác động chính sách dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 của Bộ Công Thương chỉ ra việc bãi bỏ quy định về các điều kiện thương nhân phân phối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai LPG sẽ có tác động tiêu cực không nhỏ.

Cụ thể, khi có một lượng lớn DN nhỏ tham gia hệ thống thương nhân phân phối sẽ dẫn đến hiện tượng giá cả trên thị trường bị nhiễu loạn, sốt ảo. Đặc biệt, khi giá LPG trên thị trường thế giới có chiều hướng giảm liên tục hoặc tình huống không đủ lượng dự trữ thì các DN này sẽ ngừng kinh doanh để cắt lỗ, gây nên hiện tượng LPG cung cấp cho vùng miền không được ổn định, thiếu nguồn cung.

“Như vậy, bỏ điều kiện quy định đối với các DN kinh doanh LPG thì yếu tố gây mất an toàn trong sản xuất càng cao, giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng tăng do tình trạng quá nhiều DN tham gia thị trường kinh doanh trong địa bàn nhỏ hẹp, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng” – báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp lớn không muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh gas Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Bộ Công Thương, quy mô DN quá nhỏ sẽ đẩy chi phí hoạt động kinh doanh của DN tăng, bởi đặc trưng số lượng chai càng ít thì giá thành sản phẩm trên mỗi đơn vị càng cao và đây là hoạt động kinh doanh khí có chi phí cố định cao, khấu hao tài sản lớn.

Một nội dung khác còn khiến Bộ Công Thương e ngại là việc bãi bỏ quy định DN kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, trạm nạp, trạm cấp khí có thể dẫn đến tình trạng chủ trạm nạp LPG vào chai chuyên chiết nạp thuê, không quan tâm chai LPG có nguồn gốc và đủ điều kiện an toàn hay không. Ngoài ra, việc này còn có thể dẫn đến tình trạng chiếm dụng, cưa tai, mài vỏ chai LPG làm mất an toàn, ảnh hưởng tới chất lượng, thương hiệu, an toàn tính mạng người tiêu dùng.

Đối với chính sách bãi bỏ quy định DN phải thiết lập hệ thống phân phối, Bộ Công Thương nhìn nhận có thể làm tăng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các thương nhân kinh doanh LPG, đặc biệt là hành vi lôi kéo hệ thống đại lý LPG, chiếm giữ chai LPG của các thương nhân khác trên thị trường. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, việc kiểm tra, kiểm soát, gắn trách nhiệm của các thương nhân kinh doanh LPG theo hệ thống không được bảo đảm, nhất là trách nhiệm về mức độ an toàn của chai LPG đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đừng vì lợi ích “ông lớn”

Ông Hà Phước Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sopet Gas One, cho rằng Nghị định 19 đưa ra những điều kiện vừa đủ để các DN chân chính có thể cố gắng đáp ứng được. Nếu gỡ bỏ hết điều kiện thì cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ rất khó quản lý, nhất là vấn đề an toàn trong sang chiết, chiếm dụng vỏ chai…

Lãnh đạo một DN kinh doanh gas khác cũng nhấn mạnh kinh doanh khí nói chung và gas nói riêng là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư 2014. Đây cũng là hoạt động kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, phòng cháy và chữa cháy, đến tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân. Trong khi đó, DN không có bồn chứa LPG, không có chai LPG thì chỉ có lấy chai LPG của các thương nhân khác để chiết nạp và kinh doanh.

“Khi xảy ra cháy nổ, người tiêu dùng gánh chịu thiệt thòi vì họ không biết nguồn gốc, xuất xứ chai LPG đó ở đâu, quy trách nhiệm cho ai” – vị lãnh đạo DN này dẫn chứng.

Dù vậy, trái với băn khoăn của cơ quan soạn thảo nghị định cùng một số “ông lớn” trong ngành, nhiều chuyên gia khẳng định không thiếu cơ chế giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh gas. Theo luật sư Trương Thanh Đức – trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cơ quan quản lý, hiệp hội, người tiêu dùng và thậm chí DN giám sát lẫn nhau để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó, không nên đặt vấn đề tác động tiêu cực của việc tháo gỡ các điều kiện kinh doanh làm bó hẹp hoạt động kinh doanh gas trong phạm vi các DN lớn.

“Tham vọng kiểm soát của cơ quan quản lý cuối cùng làm méo mó cơ chế thị trường. Nên tạo điều kiện giảm được bao nhiêu thì giảm tối đa, tránh tác động làm méo mó thị trường thêm nữa. Tất nhiên, tôi hiểu cắt giảm điều kiện thì việc quản lý sẽ vất vả, khó khăn hơn, nhất là từ trước đến nay, hoạt động quản lý vốn đã chưa phát huy hết hiệu quả” – luật sư Đức nêu quan điểm.

Thiếu căn cứ để quản lý giá?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, cho rằng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 cần bổ sung cơ sở pháp lý ban hành, trong đó bao gồm Luật Giá, bởi theo luật này thì LPG thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Phía Bộ Tài chính cũng đề nghị phân tích rõ những quy định tại Nghị định 19/2016 tồn tại vướng mắc như thế nào; tại sao lại bỏ hoàn toàn các điều, khoản mà hiện nay vẫn đang thực hiện nhưng không có vướng mắc gì khi triển khai. Trong đó, có quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thanh tra, kiểm tra, giám sát thương nhân kinh doanh khí đầu mối tuân thủ các quy định pháp luật về giá; quy định thống nhất mức tiền ký cược, thời hạn khấu hao phù hợp với từng loại chai LPG; quy định và hướng dẫn phương pháp định giá khí theo quy định của pháp luật về giá. Đây là những nội dung có thể được thay thế hoặc bỏ so với Nghị định 19 trước đây.

Phương Nhung

—————

Người lao động (Thời sự trong nước) 13-3-2017:

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/kinh-doanh-gas-chua-het-vuong-mac-2017031222512628.htm

(205/1.269)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951