Sau Bộ Công thương, đã có hai bộ, ngành bắt tay rà soát cắt giảm điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh – Ảnh: Tạ Tôn |
Sau Bộ Công thương, đã có 2 bộ, ngành bắt tay rà soát cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, tại nhiều nơi vẫn còn tình trạng lãnh đạo muốn thực hiện, song cấp dưới níu giữ vì lợi ích nhóm.
Có thể bỏ ngay nếu thực sự theo tinh thần cải cách
Ngay sau khi công bố phương án cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương, Bộ này tiếp tục lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đứng đầu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công thương. Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ rà soát nội dung 675 điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ liên quan đến quy định của các luật, nghị định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
“Cộng đồng doanh nghiệp rất vui và mong có sức lan tỏa sang các Bộ, ngành khác. Tôi cũng mong sức nóng, quyết tâm cải cách của Bộ trưởng Bộ Công thương tới được từng cán bộ, công chức của chính ngành này. Và các ngành, lĩnh vực khác cũng thế. Đừng để các thủ tục cắt chỗ này nhưng lại cài cắm chỗ khác, hay tồn tại dưới hình thức khác. Điều quyết định là làm sao để doanh nghiệp thực sự cảm nhận được cải cách, được hưởng thụ lợi ích của cải cách, rằng cải cách này có tác dụng thực sự, công việc của họ “trôi” hơn, thuận lợi hơn, ít chi phí hơn, ít xin – cho, nhũng nhiễu hơn và doanh nghiệp sống được một cách lành mạnh mới là kết quả cuối cùng”. Ông Lê Xuân Hiền |
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho biết, các điều kiện đầu tư kinh doanh như Bộ Công thương liệt kê ra nằm ở một trong ba cấp là thông tư, thông tin liên tịch và nghị định, cấp luật. Nếu quy định ở cấp thông tư thì Bộ sẽ rà soát rồi “tự xử”. Còn ở cấp thông tư liên tịch và nghị định, Bộ rà soát, soạn văn bản và gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương hoặc trình Chính phủ (với nghị định). Còn nếu điều kiện nằm ở cấp luật sẽ khó khăn hơn vì muốn sửa phải trình và được Quốc hội thông qua. Với tinh thần cải cách hiện nay, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Bộ Công thương nên kiến nghị Chính phủ cho phép bỏ luôn những điều kiện bất hợp lý để gỡ khó cho doanh nghiệp. Sau đó chỉnh vào văn bản sau.
“Để thực sự cải cách thì Bộ Công thương có thể gửi văn bản các bộ, ngành đề nghị đối với một điều kiện đồng ý bãi bỏ, thay đổi không cần yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nữa. Điều này cũng không trái luật. Theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, chắc chắc Bộ Tư pháp không tuýt còi”, Luật sư Trương Thanh Đức nói. Còn liên quan tới thẩm quyền Chính phủ, Bộ Công thương có thể đề nghị đầu mối hay đề xuất thẳng lên Thủ tướng ra chỉ thị dừng các điều kiện bất hợp lý từ ngày nào đó.
“Quan trọng nhất là sửa các văn bản. Điều kiện thuộc lĩnh vực của Bộ Công thương thì Bộ phải giao các cục, vụ (là các đầu mối soạn thảo trước đó) đi kèm với giao tiến độ sửa đổi để trình ký; thậm chí là cầm tay chỉ việc”, ông Đức kiến nghị. Bởi ông Đức cho biết, trước đây có nhiều trường hợp như một văn bản trong lĩnh vực ngân hàng soạn thảo năm 2010, mà 6 năm sau mới ban hành được.
Đối với những văn bản kể cả ở tầm Nghị định, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, hoàn toàn thể thực hiện bằng hình thức rút gọn, chỉ cần 3 tháng từ lúc có dự thảo nghị định đến lúc được thông qua. “Do đó, nếu thực sự làm được thì đến cuối năm là có hiệu lực”, ông Cung nói.
Trên muốn làm, dưới níu giữ
Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, các điều kiện đầu tư kinh doanh nằm rải rác ở các văn bản do Bộ, ngành, địa phương ban hành chính là những chỗ cài cắm lợi ích. Có những điều kiện tưởng như chung chung, đương nhiên, vặt vãnh nhưng lại là những cái cớ để cán bộ “hành” doanh nghiệp. Do đó, cắt bỏ những điều kiện này ông Tuấn đã ví như hành động “lấy đá ghè chân mình”.
Trước khi có quyết định của Bộ Công thương, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, VCCI đã lựa chọn 3 lĩnh vực để rà soát các điều kiện kinh doanh, trong đó đứng đầu là các điều kiện trong ngành Công thương. Trên cơ sở đó, VCCI kiến nghị tới từng bộ chủ quản và đã được các bộ tiếp thu hết sức tích cực. Sau Bộ Công thương, đã có thêm hai bộ khác làm việc với VCCI cũng với tinh thần tích cực.
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện nay nhiều bộ, ngành cũng rất muốn cắt giảm các thủ tục, các điều kiện kinh doanh. Song có tình trạng, lãnh đạo ngành rất muốn làm nhưng bên dưới cục, vụ còn níu giữ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Do đó, bản thân những vị lãnh đạo này khi thấy Bộ Công thương thực hiện thì hồ hởi và mong muốn các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ để tạo thành phong trào. Lúc đó, dưới sức ép dư luận, Bộ trưởng đó sẽ làm được. Theo nhẩm tính của ông Cung, số lượng các bộ mà bộ trưởng muốn làm nhưng chưa được cũng là “khá khá”. “Còn với những Bộ, ngành hay địa phương chưa muốn cắt giảm thì với sức ép này cũng sẽ phải thực hiện”, Viện trưởng CIEM nói.
——————
Giao thông (Kinh tế) 02-10-2017:
http://www.baogiaothong.vn/tren-lam-duoi-can-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-d227149.html
(361/1.193)