(GD) – Theo PGS.TS Ngô Trí Long, phí “bôi trơn” đang là quốc nạn của nền kinh tế, làm mất niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách điều hành của Nhà nước.
Doanh nghiệp buộc phải có phí “bôi trơn”
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI)và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố đã nói lên nhiều tiêu cực tồn tại trong cơ quan công quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn xảy ra.
Theo đó chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Theo báo cáo của VCCI và USAID có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị (tỉnh có chỉ số cạnh tranh mức trung bình) phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn so với giai đoạn 2008-2013.
9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014 đến 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm 2008 – 2013.
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) – ảnh nguồn Tạp chí Điện tử Đảng Cộng Sản. |
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: “Việc doanh nghiệp phải mất nhiều phí “bôi trơn” làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh và làm xấu môi trường kinh doanh đầu tư”.
Các khoản chi “bôi trơn” càng lớn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước giảm sức hút của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung trong vấn đề thu hút đầu tư.
“Vấn đề phí “bôi trơn” doanh nghiệp đã nói đến rất nhiều nhưng vẫn không giải quyết được.
Người ta từng nói “không sợ chính sách của Nhà nước mà chỉ sợ người thực hiện” điều đó toát lên toàn bộ vấn đề tồn tại hiện nay: Không phải do chính sách Nhà nước mà là do người thực hiện”, PGS. Long cho biết.
Theo PGS. Long chính những cán bộ công chức nhà nước khi thực hiện không đúng hoặc nhũng nhiễu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bức xúc. Từ đó dẫn đến hiểu sai chính sách điều hành của Nhà nước.
PGS. Long khẳng định nếu cán bộ công chức thực thi công vụ làm đúng quy định của pháp luật, không nhũng nhiễu doanh nghiệp sẽ không phải mất khoản chi phí “bôi trơn”.
“Chắc chắn phải một lý do nào đó từ người thực thi công vụ, cơ quan quản lý nhà nước thì doanh nghiệp mới phải bỏ chi phí.
Vấn đề phí “bôi trơn” không phải là cung – cầu, không phải có người đưa mới có người đưa nhận. Mà nguyên nhân từ môi trường đầu tư, nếu môi trường đầu tư tốt, cán bộ thực hiện đúng chính sách không có rào cản doanh nghiệp không ai dại gì mất tiền”, PGS. Long phân tích.
Quyền lực nhiều càng nhũng nhiễu
Trong quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, theo PGS. Ngô Trí Long đơn vị quản lý nhà nước nào càng nắm quyền lực nhiều càng dễ nhũng nhiễu doanh nghiệp.
“Những cơ quan quản lý nhà nước nào có càng nhiều đặc quyền thì doanh nghiệp phải “bôi trơn” nhiều, có quyền là có tiền”, PGS. Long thẳng thắn chỉ ra.
Theo PGS. Long ở tất cả các khâu, các lĩnh vực quản lý nhà nước về doanh nghiệp đều có thể nảy sinh tiêu cực, đều có thể nhũng nhiễu doanh nghiệp.
“Có thể nói vấn đề phí “bôi trơn” đã trở thành quốc nạn được Chính phủ nêu ra chỉ rõ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”, PGS. Long nói.
Đồng quan điểm theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ cho biết, vấn đề phí “bôi trơn” tăng trong khi môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện, hệ thống văn bản cấp phép được rút ngắn, hệ thống chính sách được điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cho thấy một nghịch lý và bất cập trong thực thi chính sách pháp luật.
LS. Trương Thanh Đức cho biết, dù Chính phủ ban nhiều Nghị quyết văn bản cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhưng hiện tượng phí “bôi trơn” vẫn tăng là một nghịch lý – ảnh: nguồn ANTV |
“Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết và văn bản dưới luật để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có các Nghị quyết 19 (các năm 2014, 2015, 2016) hay Nghị quyết 35 năm 2016…
Chính phủ cũng quyết tâm và đi vào thực hiện xây dựng một Chính phủ liêm chính vì người dân và doanh nghiệp. Nhưng hiện tượng phí “bôi trơn” lại tăng, vậy căn nguyên là ở người thực thi”, LS. Đức nhận định.
Theo LS. Đức, dường như vấn đề nhũng nhiễu để vòi vĩnh doanh nghiệp ngày càng trầm trọng và có nguy cơ tăng lên theo sự phát triển của nền kinh tế, của quy mô doanh nghiệp.
- Đức chỉ rõ, phí “bôi trơn” là vấn đề lớn, nhức nhối, làm cho doanh nghiệp dễ vi phạm pháp luật bởi doanh nghiệp làm đúng hay làm sai vẫn phải có phí “bôi trơn”.
Khi đó dễ dẫn đến doanh nghiệp không chấp hành quy định của pháp luật, lấy phí “bôi trơn” thay cho việc thực hiện quy định của luật.
“Đáng ngại hơn sẽ suy giảm lòng tin của doanh nghiệp vào hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước”, LS. Đức nói.
Theo LS. Đức, phí “bôi trơn” bản chất là một giao dịch bị ép buộc giữa bên phải chi phí là doanh nghiệp và cá nhân, đại diện cơ quan quản lý nhà nước thực thi pháp luật.
“Chi phí “bôi trơn” bao nhiêu không rõ ràng nhưng qua truyền tai nhau giữa doanh nghiệp đi trước và doanh nghiệp đi sau nên nhiều khi không đòi doanh nghiệp cũng phải chủ động để tránh tình trạng hỏng việc. Từ đó doanh nghiệp hình thành suy nghĩ: “Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” không khôn khéo đưa trước sau này có đưa sợ cũng không được việc”, LS. Đức cho biết.
Theo LS. Đức, để giải quyết tình trạng doanh nghiệp mất chi phí “bôi trơn” không dễ bởi vấn nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp xảy ra có hệ thống nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý khác nhau.
- Đức cho rằng, chỉ có tăng cường giám sát quản lý việc thực thi quy định pháp luật của các cơ quan; Nâng cao trình độ và phẩm chất cán bộ công chức viên chức các cơ quan công quyền mới có thể làm thuyên giảm nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Mai Anh
—————
Giáo dục (Kinh tế) 17-3-2017:
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Phi-boi-tron-dang-lam-suy-giam-niem-tin-cua-doanh-nghiep-post175143.gd
(460/1.260)