(VNB) – Một con số đáng giật mình được đưa ra mới đây tại cuộc hội thảo về tín dụng cho vay tiêu dùng là lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên tới 50%, thậm chí còn cao hơn cả mức cho vay “tín dụng đen”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nếu thị trường cho vay tiêu dùng thực sự phát triển và có tính cạnh tranh cao, không nhất thiết phải đặt ra trần lãi suất. Nhưng với những gì đang diễn ra trong thời gian vừa qua, cần phải tính đến việc áp trần lãi suất tối đa.
Lãi suất cho vay tối đa chỉ 30%
Sự gia tăng ồ ạt của các công ty tài chính tiêu dùng cùng việc chú trọng phát triển mảng thị trường bản lẻ, mà chủ yếu là tín dụng tiêu dùng mua nhà, ô tô, máy tính… của các ngân hàng trong thời gia qua đang cho thấy đây là mảnh đất màu mỡ, ngày càng bùng nổ với tốc độ tăng trưởng nhanh.
Năm 2016, nếu như tổng dư nợ cho vay tiêu dùng chạm ngưỡng 26,55 tỷ USD, thì chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, tính riêng dư nợ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chiếm 15,17% tổng dư nợ toàn hệ thống, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đạt được con số 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019 như dự báo của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), theo các chuyên gia, cần phải tháo gỡ những rào cản về lãi suất cho vay hiện nay.
Trên thực tế, lãi suất hiện nay của các công ty tài chính tiêu dùng rất cao,có nhiều trường hợp gấp tới 3 – 4 lần lãi suất vay ngân hàng, thậm chí bằng lãi suất “tín dụng đen”.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cho biết nếu như lãi suất quá cao và điều kiện trả nợ không khả thi, sẽ dẫn đến những khó khăn, thiệt thòi cho người đi vay và dễ bị rơi vào tình thế vỡ nợ.
Điều này cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho chính các TCTD tiêu dùng. “Mức lãi suất đối với cho vay tiêu dùng tối đa chỉ nên là 30%, cùng lắm là 40%/năm, thay vì 50%, thậm chí cao hơn như lâu nay”, ông Đức đề xuất.
Theo ông Đức, lãi suất là kết quả tương đối mặc định của thị trường tín dụng, trong đó có vấn đề cung cầu. Vì vậy, muốn giảm lãi suất phải dựa vào thị trường phát triển lành mạnh, ít rủi ro. Song điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và có tính chất lâu dài.
Hiện tại, Bộ Luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm trong khi lĩnh vực tín dụng tiêu dùng lại được thả nổi, nhưng cũng không có lý do gì để vượt quá nhiều. “Với những gì đang diễn ra trong thời gian vừa qua, cần phải tính đến việc áp trần lãi suất tối đa”, ông Đức nói.
Có nên áp trần cho vay tiêu dùng?
Nới lỏng thêm quy chế huy động
Đề xuất này của ông Đức nhận nhiều phản ứng không đồng thuận. Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng: “Không nên áp dụng trần lãi suất”.
Ông Lực giải thích: “Các nước đã chứng minh rằng khi áp dụng trần lãi suất sẽ có tác dụng ngược với nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực. Áp dụng trần lãi suất sẽ chặn dòng vốn đối với người có nhu cầu và là phi thị trường.
Chúng ta đang giảm bớt các thủ tục hành chính, không có lý do gì để chúng ta đặt trần lãi suất”.
Đồng quan điểm, ông Đức cho rằng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là một hoạt động kinh doanh mang đậm tính thị trường, nên cần phải điều chỉnh bằng cơ chế thị trường. Nhưng do hiện nay, số lượng công ty tài chính tham gia thị trường chưa nhiều, việc huy động vốn còn hạn chế khiến tính cạnh tranh chưa cao, còn người vay ít có lựa chọn.
Một con số đáng giật mình được đưa ra mới đây tại cuộc hội thảo về tín dụng cho vay tiêu dùng là lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên tới 50%, thậm chí còn cao hơn cả mức cho vay “tín dụng đen”.
Thực tế, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng ít ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, tiền tệ.
Vì vậy, theo ông Đức, nếu không áp trần lãi suất, hoạt động này cần được nới lỏng hơn, nhất là việc huy động vốn của các tổ chức kinh tế, mà không phải của công chúng.
Đồng thời tạo điều kiện cho các công ty này đẩy mạnh việc huy động vốn và tăng trưởng cho vay. Việc nhiều đối tượng cùng tham gia vào thị trường này sẽ nâng cao tính cạnh tranh, từ đó lãi suất cho vay sẽ tự điều chỉnh giảm xuống mức hợp lý nhất.
Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng đang và sẽ là một kênh bán hàng nhanh chóng, tiện lợi, có hiệu quả, rất phù hợp với xu thế phát triển hiện đại trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật các TCTD và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng.
Thậm chí, cần xem xét cả khả năng đưa công ty tài chính tiêu dùng ra khỏi loại hình TCTD để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này.
“Đã đến lúc không chỉ coi tín dụng tiêu dùng là tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh”, ông Đức nói.
Huyền Anh
——————
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 04-10-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Co-nen-ap-tran-cho-vay-tieu-dung-41741.html
(470/1.054)