1.572. Đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm: thời điểm chưa phù hợp!

(KTSG) – Đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm dù dựa trên lý luận đúng đắn về đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng nộp thuế nhưng xét trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, cần cân nhắc rất kỹ đề xuất này, tránh rơi vào tình thế “lợi bất cập hại”.

Đề xuất đánh thuế tiền lãi với khoản gửi ngân hàng trên 3 tỉ đồng

Đầu tháng 9 này, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăngLuật Thuế tiêu thụ đặc biệtLuật Thuế thu nhập cá nhânLuật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên. Mới đây, tại một hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức về dự án luật này, có ý kiến đề xuất nên bổ sung thêm việc đánh thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm.

Đây không phải là lần đầu tiên đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đưa ra. Cách đây bốn năm (năm 2013), Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỉ đồng trở lên với lập luận rằng những người đổ tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội chịu đủ các loại thuế, lợi nhuận không được bao nhiêu nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, những người có sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng gửi ngân hàng ung dung hưởng lợi lãi suất bình quân 6-7%/năm trở lên mà không phải đóng một đồng tiền thuế nào. Tại thời điểm đó, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận và nhanh chóng chìm xuống.

Lần này, diễn biến tương tự lặp lại. Về cơ bản, đề xuất mới đây của luật sư Trương Thanh Đức cũng dựa trên nguyên tắc hướng đến sự công bằng trong thu thuế đối với mọi đối tượng. Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác, hay được chia cổ tức, mới bị đánh thuế 5%, còn các khoản lãi do gửi tiết kiệm vẫn không phải chịu thuế. Khác với Hiệp hội Bất động sản TPHCM, ông Đức đề xuất áp dụng mức thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân có số tiền gửi lớn hơn 3 tỉ đồng trở lên (thay vì mức 1 tỉ đồng).

Con số 3 tỉ đồng này được lập luận là sẽ cho mức lãi khoảng 216 triệu đồng/năm với mức lãi suất hiện nay và khoảng 240 triệu đồng/năm với mức lãi suất 8%/năm (dự kiến từ năm 2019). Khoản thu nhập lãi tiền gửi như trên ước tính bằng hai lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân.

Người có được số tiền gửi này phải là người có thu nhập cao. Như vậy, đề xuất của ông Đức không phải không có cơ sở và không có ý “làm khó” những người có tiền tiết kiệm hiện nay (đa phần có khoản tiền không quá lớn, quy mô chỉ từ vài trăm triệu đồng). Việt Nam mới chỉ xây dựng các biểu thuế đối với thu nhập từ bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu… còn tài sản tiền gửi tiết kiệm thì chưa thu thuế. Vì vậy, xét ở tiêu chí công bằng, kiến nghị việc đánh thuế từ tài sản tiền gửi tiết kiệm là điều đáng để cân nhắc.

Nhưng thời điểm chưa phù hợp

Dù đồng tình với lập luận về sự bình đẳng trong thu thuế nhưng người viết cho rằng hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để đề xuất này được áp dụng ngay vào thực tiễn. Bởi đây không phải là nguồn thu lớn cho ngân sách, cái lợi thu được là rất nhỏ so với phản ứng của dư luận nói chung cũng như tác động tiêu cực nói riêng có thể gây ra đối với tâm lý của người gửi tiền.

Bên cạnh đó, mức thuế 5% liệu đã đủ lớn khiến những người có khoản tiền lớn từ bỏ kênh tiết kiệm để chuyển sang đầu tư góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu, cho vay…? Đa phần những người chọn lựa kênh tiết kiệm ưu tiên tính an toàn hơn là sinh lãi. Họ chấp nhận một mức lãi suất “vừa đủ” với kỳ vọng của họ thay vì rủi ro nên dù bị chịu thuế chưa chắc họ đã dịch chuyển sang các kênh kém an toàn hơn như chứng khoán, bất động sản… Kể cả trong trường hợp muốn dịch chuyển, họ có thể cũng sẽ ưa thích kênh vàng và ngoại tệ hơn như một địa chỉ thay thế vẫn đảm bảo được sự an toàn cho đồng vốn. Khi đó, rủi ro sẽ lại đến với thị trường vàng và ngoại hối – hai thị trường mà Ngân hàng Nhà nước đã phải tốn rất nhiều công sức để bình ổn trong những năm qua. Hơn nữa, tư duy áp thuế để mong dòng tiền chuyển từ kênh tiết kiệm vào sản xuất kinh doanh là không hợp lý vì không phải ai có tiền cũng có mong muốn và khả năng kinh doanh tốt. Vì thực tế này mới cần đến sự tồn tại của các định chế trung gian là ngân hàng.

Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, sức khỏe hệ thống ngân hàng mới chỉ ở mức ổn định chứ chưa đủ bền vững. Nếu không được giải thích thấu đáo, đề xuất áp thuế đối với lãi tiền gửi ngân hàng có thể sẽ kích hoạt tâm lý rút tiền hàng loạt của người dân. Khi đó thanh khoản hệ thống có thể sẽ bị tác động mạnh. Chưa kể là Chính phủ vẫn đang có chủ trương hạ lãi suất, đẩy mạnh tín dụng để hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Nếu người gửi tiền không mặn mà với kênh tiết kiệm nữa thì sẽ lấy đâu ra vốn để cho vay?

Linh Trang

—————

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online (Ý Kién) 04-10-2017

(305/1.083)

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,950