Thuế chồng thuế…?
Gần đây, việc Bộ Tài chính tiến hành lấy ý kiến sửa 5 luật thuế đã thu hút sự quan tâm không chỉ của các chuyên gia, các nhà làm luật mà cả dư luận xã hội. Đặc biệt, trong hội nghị mới nhất về chủ đề này, đã có ý kiến đề xuất nên bổ sung thêm việc đánh thuế lãi tiết kiệm. Theo lập luận của tác giả đề xuất ý tưởng này, tiền gửi tiết kiệm cũng là một kênh đầu tư và thu nhập từ lãi tiền gửi của, doanh nghiệp đang bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì sao cá nhân lại không? Tại sao cổ tức phải chịu thuế suất 5% mà lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng lại không phải chịu thuế?
Đề xuất nêu rõ, có thể áp dụng thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền từ 3 tỉ đồng trở lên. Cụ thể: “Nên đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt hai lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân. Tức là khoảng 216 triệu đồng/năm hiện nay và dự kiến là 240 triệu đồng từ năm 2019”.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất này, năm 2013 Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, bởi để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh thì chỉ cần cải thiện môi trường kinh doanh đảm bảo hiệu quả, công bằng thì tất yếu dòng tiền gửi ngân hàng sẽ tham gia đầu tư.
Vì thế, vấn đề này được tái đề xuất đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì đây là một đề xuất bất hợp lý, bởi bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết thu nhập của người dân đã bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này thì cũng là hình thức khác. Ví dụ, nếu làm công ăn lương, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính số dư sau 9 triệu đồng. Cụ thể, nếu thu nhập 10 triệu đồng/tháng, mức thuế cá nhân sẽ phải đóng theo số dư 1 triệu đồng, còn mức lương dưới 9 triệu đồng không bị đánh thuế. Như vậy, số tiền tích cóp được sau khi hưởng lương để gửi tiết kiệm, nếu đánh thuế chẳng khác nào là thuế chồng thuế. Trong trường hợp tiền có được từ bán tài sản, thu nhập đó cũng đã được thuế điều chỉnh, hoàn toàn không được miễn thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, người đề xuất việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm cho rằng, đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí hàng tỉ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên, với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế. |
Không dừng lại ở đó, nhiều người lo ngại đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn. Vốn là nguồn mạch sống của các ngân hàng, qua đó gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến người dân chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… điều này dẫn đến việc nguồn huy động vốn của ngân hàng bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu |
Mặc dù vấp phải sự phản đối của đa số người dân, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lại bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất này. Có ý kiến cho rằng, nên hiểu việc đánh thuế lãi tiết kiệm thực chất giống như lãi suất huy động bị giảm đi một chút. Bởi hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là một trong những kênh giúp “tiền đẻ ra tiền” an toàn và hiệu quả của người dân. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm hiện khoảng 6-7%/ năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng là hợp lý, vì phần lớn các quốc gia trên thế đều đánh thuế trên tiền lãi tiết kiệm này. Tiền lãi là một phần tiền phát sinh mới từ việc người dân đem tiền đến gửi ngân hàng. Ngân hàng đem tiền đó đi kinh doanh và trả lại phần tiền lãi đó cho người gửi, đây là lợi nhuận hoàn toàn mới phát sinh và nó tương đương như tiền lương hay lợi nhuận kinh doanh. Vì thế khi nó là lợi nhuận phát sinh mới thì nó là một phần lợi tức của người dân phải chịu thuế.
“Thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm nên được xem như một thu nhập thông thường và phải chịu thuế thu nhập. Tại Mỹ, đến cuối năm người dân đều phải nộp thuế thu nhập cho cả những khoản lãi như vậy” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, có thể đánh thuế với thuế suất thấp (khoảng 5%). Đồng thời, các ngân hàng có thể đối phó bằng cách tăng lãi suất tiền gửi để bù trừ vào phần tiền lãi bị tính thuế. Mặc dù, khi đẩy lãi suất tiền gửi sẽ đẩy lãi suất cho vay, đồng nghĩa với việc tác động đến tăng trưởng kinh tế lên, nhưng việc đánh thuế như thế cũng có mặt tích cực khi có thêm nguồn ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, để đề xuất này đi vào thực tiễn, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo cơ quan hữu quan nên có đánh giá toàn diện về tác động với các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ lãi tiền gửi tổ chức tín dụng là thu nhập được miễn thuế nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm chi tiêu, gửi tiết kiệm cũng như thúc đẩy hoạt động huy động vốn của ngân hàng. |
Đông Nghi – Thiên Minh
——————
Năng lượng mới (Xã hội – Pháp luật) 08-10-2017:
http://petrotimes.vn/co-nen-danh-thue-tien-lai-tiet-kiem-499352.html
(71/1.262)