1.580. Luật nào quản lý BOT?

(DĐDN) – Khi những bất cập của các dự án BOT (đặc biệt là dự án BOT giao thông) dần được bóc tách, nhiều ý kiến đã cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện một dự luật dành riêng cho loại hình đầu tư này. 

Trạm thu phí BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai đặt trên quốc lộ 14 đầu vào cửa phía Nam TP Pleiku (Gia Lai) được đề nghị giảm hơn 7 năm thu phí (Ảnh: Internet)

Thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Ban Kinh tế Trung ương tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011–2015 cũng đề nghị sớm xây dựng luật về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, quy định các nội dung để minh bạch hóa dự án BOT.

“Tất yếu” sai phạm

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay, từ năm 2016 đến 2020 nhu cầu vốn của các dự án hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý lên tới 1.039 nghìn tỷ đồng; trong khi vốn ngân sách chỉ đáp ứng được 11% nên việc thực hiện các dự án BOT là “tất yếu”. Thế nhưng, nhìn lại các dự án BOT của giai đoạn 2011 – 2015, tại sao lại áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư là chính? Theo thống kê của Bộ GTVT, 69 dự án BOT với tổng mức đầu tư 186.481 tỷ đồng do Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn 2011 – 2015 (tính đến hết tháng 7/2015) đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Các dự án BOT triển khai trước năm 2010 cũng áp dụng hình thức này. Điều này khiến dư luận và người dân có quyền nghi ngờ tính minh bạch trong các dự án BOT, đặc biệt là các dự án BOT hạ tầng giao thông đường bộ.

Chính vì vậy, cũng tại hội nghị đó, PGS TS Trần Đình Thiên đề nghị khắc phục ngay tình trạng quá tập trung vào đường bộ. “Trong khi đường sắt, hàng hải, đường thủy, nước ta có lợi thế lại không tập trung đầu tư, mà lại tập trung cho đường bộ. Phải chăng đó là lợi thế hay có lợi ích gì ở đây?”. Tuy nhiên, “tội đồ” mà ông Thiên và các chuyên gia đặt ra lúc đó chính là: việc thiếu minh bạch trong quá trình lập, phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư dự án BOT chính là vấn đề làm dư luận bức xúc nhất trong thời gian qua.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần chấm dứt việc để các doanh nghiệp tự lên ý tưởng, lập dự án rồi cơ quan Nhà nước phê duyệt như hiện nay. Ngay thời điểm đó, ông Bảo đã đề nghị sớm xây dựng luật về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, quy định các nội dung để minh bạch hóa dự án BOT. Và thậm chí, thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có ý kiến để Quốc hội cho phép xây dựng “Luật Đối tác công tư”.

Xây luật theo hướng nào?

Cũng phải khẳng định rằng, hiện nay, chúng ta đã có Luật đầu tư công nhưng vấn đề hợp tác công tư (PPP, BOT) lại không được đưa vào luật. Các văn bản hướng dẫn cũng không rõ ràng, chính vì thế, theo các chuyên gia pháp lý cần có các nghị định, văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn cụ thể để các dự án BOT được minh bạch, công khai và không thất thoát tiền thuế của nhà nước và ảnh hưởng tới người dân.

Theo TS Trần Du Lịch, có 4 lý do cần thiết để ban hành Luật Đối tác công tư nhằm tạo ra một hành lang pháp lý vững vàng làm cơ sở cho tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Bởi hợp tác công – tư là mô hình huy động nguồn vốn khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và hàng hóa công cộng, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật xã hội, xử lý môi trường, đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong vài thập niên qua. Đây là hình thức xã hội hóa đầu tư nhằm mục đích vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.

Ở góc độ khác, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cũng đề nghị các nhà hoạch định chính sách cần xem xét triển khai xây dựng 1 đạo luật riêng về BOT. Bởi, vấn đề BOT ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, xã hội và cả an ninh chính trị của đất nước. Hiện nay, công tác quản lý các dự án BOT thực sự yếu kém và bị buông lỏng, thậm chí có cả nhóm lợi ích khi thực hiện những dự án này.

TS Trần Văn, thành viên của Đoàn giám sát nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong quá trình triển khai dự án giao thông BOT khẳng định: Ở nước ta, PPP, trong đó có các hình thức BOT, BT, BOO, BLO… là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 đã xác định: “đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án”. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư hiện là văn bản pháp lý cao nhất cho loại hình đầu tư này.

Tuy nhiên do hình thức đầu tư BOT phức tạp hơn rất nhiều so với đầu tư công truyền thống, nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn có phần chưa kịp thời hoặc chưa thật bao quát, rõ ràng, chi tiết dẫn đến trong quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu, gây khó cho cả cơ quan nhà nước, cả nhà đầu tư lẫn người thụ hưởng dự án. Do đó, theo ông Văn, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội ban hành luật đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư, bảo đảm tính ổn định của chính sách, làm cho chủ trương PPP trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mà cả trong các lĩnh vực khác như thủy lợi, y tế, giáo dục, dịch vụ công…

Khi Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giai đoạn 2011 – 2016 với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gây bức xúc đối với xã hội. Theo đó, có 11/27 dự án tính sai giá dự phòng, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng… làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý 465,5 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước phải kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng. Đặc biệt, 22/27 dự án phải giảm thời gian thu phí từ 10 tháng đến 13 năm, tính tổng lên tới cả 100 năm.

Giai đoạn 2011 – 2015, ngành giao thông đã huy động được khoảng 189 nghìn tỷ đồng để đầu tư 64 dự án PPP, trong đó có 59 dự án BOT và 4 dự án BT kể cả đường bộ, thủy nội địa, hàng hải, công nghệ, đào tạo. Đây là một cố gắng rất lớn nhất là khi ngân sách nhà nước chỉ có thể cân đối khoảng 16% bằng 91 nghìn tỷ trên tổng nhu cầu đầu tư về giao thông là 575 nghìn tỷ giai đoạn 2011 – 2015.

Ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), thay thế cho các quy định pháp lý khác để tạo 1 khuôn khổ pháp lý thống nhất và rõ ràng nhằm dọn đường thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân và các dự án hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam. Các hình thức hợp đồng đầu tư dự án như BOT, BTO và BT, được chính thức coi là các dạng thức của hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP và chịu sự điều chỉnh thống nhất của nghị định 15.

Song Nhi

—————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 28-3-2017:

http://enternews.vn/luat-nao-quan-ly-bot.html

(90/1.539)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,953