Năm 2015, Ngân hàng (NH) Nhà nước quyết định mua bắt buộc NH TMCP Xây dựng (VNCB), NH TMCP Đại Dương (OceanBank), NH TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) với giá 0 đồng, chuyển đổi thành 3 NH thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do NH Nhà nước làm chủ sở hữu; đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích của các cổ đông, bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.

Pháp luật chưa quy định giá mua

Điều đáng nói là khi NH Nhà nước quyết định mua toàn bộ cổ phần thì 3 NH này vẫn còn tài sản. Từ đó, nhiều ý kiến thắc mắc vì sao NH nhà nước không định giá tài sản VNCB, OceanBank, GP Bank để mua với mức giá cao hơn 0 đồng?

Theo Luật NH nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), NH Nhà nước có quyền trực tiếp mua lại NH yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt (đã âm vốn điều lệ), nếu NH đó không có phương án bổ sung vốn.

Mặt khác, Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 cũng cho phép NH Nhà nước sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc mua lại NH.

Trong khi đó, Quyết định 48/2013 của Chính phủ quy định NH Nhà nước mua cổ phần của NH thương mại bị kiểm soát đặc biệt phải thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị NH, trên cơ sở đó xác định giá trị cổ phần một cách độc lập, khách quan.

Mua ngân hàng 0 đồng: Phải xem xét lại! - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) đã bị mua lại với giá 0 đồng Ảnh: TẤN THẠNH

Như vậy, Luật NH nhà nước, Luật Các TCTD, các quyết định của Chính phủ không có quy định nào về cách thức, giá cả mua bắt buộc cổ phần NH. Còn tại bản án sơ thẩm đại án OceanBank, TAND TP Hà Nội đánh giá việc mua NH 0 đồng không bảo đảm quyền lợi của các cổ đông và những người có liên quan tại OceanBank. Với các phân tích này, TAND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại việc mua lại một số NH, trong đó có OceanBank, cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Thế nhưng, giới NH cho rằng có thể trước khi mua NH 0 đồng, NH Nhà nước đã được Chính phủ chấp thuận mới thực hiện.

NH Nhà nước cho biết từ năm 2012, thanh tra NH Nhà nước đã phát hiện nhiều yếu kém, rủi ro trong hoạt động của VNCB, OceanBank, GPBank. Cả 3 NH đều thuộc diện kiểm soát đặc biệt vì kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, tình hình quản trị, điều hành kém hiệu quả và không có phương án bổ sung vốn để khắc phục hoạt động. Việc NH Nhà nước trở thành chủ sở hữu sẽ giúp cho 3 NH 0 đồng có điều kiện thuận lợi triển khai thành công phương án tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả.

Theo quy định, vốn điều lệ của một NH tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Như thế, sau khi bị mua 0 đồng, VNCB, OceanBank, GPBank có số vốn điều lệ là bao nhiêu và tiền đâu để các NH này hoạt động trong gần 3 năm qua?

Lãnh đạo nhiều NH thương mại cho rằng vốn điều lệ của 3 NH 0 đồng chỉ mang danh nghĩa nhưng không có nghĩa là không có vốn để kinh doanh. Bởi các NH này vẫn huy động được tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đồng thời vay được tiền trên thị trường liên NH hoặc được NH Nhà nước tái cấp vốn trong thời gian ngắn, sau đó phải hoàn trả cho NH Nhà nước. Cứ thế, nguồn vốn đến từ kênh tiết kiệm, thị trường liên NH hoặc từ NH Nhà nước được các NH 0 đồng quay vòng để kinh doanh.

Cổ đông… ấm ức