Dư luận vẫn dậy sóng bất bình bởi cách ứng xử kiểu “trẻ con” và thoái thác trách nhiệm của ông chủ hãng xe có hành vi cạnh tranh gây tranh cãi vừa qua.
Chuyên gia pháp luật cho rằng, những hành vi cạnh tranh như vậy là “gièm pha doanh nghiệp khác”, có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật cạnh tranh và cần phải xử lý nghiêm.
Kiểu gì cũng bị xử lý…
Tại Diễn đàn Chính sách cạnh tranh Quốc gia diễn ra hồi đầu tháng 10, nhiều chuyên gia nhận định, môi trường cạnh tranh của Việt Nam chưa thực sự minh bạch bởi nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố đó là việc áp dụng pháp luật cạnh tranh vào cuộc sống.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn – Phó cục Trưởng phụ trách Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến năm 2016, chúng ta mới tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, điều tra tiền tố tụng 87 vụ và xử lý 6 vụ trên tổng số 70 doanh nghiệp. Tổng mức tiền phạt chỉ có 5,5 tỉ đồng. Nghĩa là sau 11 năm có Luật cạnh tranh chúng ta mới có từng đó vụ việc được xử lý một cách chính thống.
Gần đây nhất, nhiều xe taxi Vinasun trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và Vina Taxi trên địa bàn Hà Nội dán những biểu ngữ trực tiếp và gián tiếp phản ánh về taxi công nghệ (Uber và Grab), mục đích hướng mọi người hiểu rằng taxi công nghệ đang gây thất thu thuế, phản đối chủ trương thí điểm taxi công nghệ vì cho rằng bất công, gián tiếp khẳng định taxi công nghệ vi phạm pháp luật Việt Nam…
Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) nhận định, việc làm của một số hãng taxi có dấu hiệu rõ ràng vi phạm Luật Cạnh tranh: “Họ (taxi truyền thống – PV) có thể nêu kiến nghị bằng văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật tới các cơ quan chức năng, thậm chí có thể khởi kiện nếu nhận thấy có sự ưu đãi bất bình đẳng”.
Rõ ràng, việc ám chỉ taxi công nghệ là nguyên nhân gây thất thu thuế như kiểu “50.000 xe thí điểm theo QĐ của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15.8 tỉ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”, hoặc trực tiếp kêu gọi “Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” chính là lời khẳng định hai hãng taxi công nghệ này đang vi phạm pháp luật Việt Nam mà không hề đưa ra một bằng chứng nào chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Đặt vấn đề ở khía cạnh khác, trong trường hợp taxi truyền thống tố cáo đúng, chứng minh được taxi công nghệ vi phạm pháp luật Việt Nam và Nhà nước đang bị thất thu thuế từ đây. Vậy cần phải làm rõ đơn vị nào có chức năng kiểm soát lại để xảy ra tình trạng này trong thời gian dài như vậy? Đặc biệt là việc thất thu thuế cần chỉ rõ con số và thời gian cụ thể, quy trách nhiệm cá nhân và khẩn trương khắc phục.
Tuy nhiên, điều này khó xảy ra bởi tới nay, không một cơ quan quản lý nào khẳng định taxi công nghệ vi phạm pháp luật và cũng không có cơ quan thuế vụ nào phàn nàn vì bị thất thu thuế?
Ngày 10.10, trao đổi với Lao Động, ông Trịnh Anh Tuấn xác nhận Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã có văn bản gửi các hãng taxi. Đồng thời đang trong quá trình điều tra, xác minh mức độ, hành vi của các hãng taxi nên chưa có kết quả.
Diễn biến mới nhất là đại diện Vinasun tuyên bố hành vi dán biểu ngữ lên xe là do các tài xế tự phát. Tuy nhiên, qua trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngay cả trong trường hợp “doanh nghiệp để các tài xế làm việc đó (dán biểu ngữ bôi xấu đối thủ – PV) thì các doanh nghiệp cũng phải chịu một phần trách nhiệm”.
… Nhưng xử “nhẹ hều”
Luật sư Nguyễn Đức Quang (Văn phòng Luật Đức Quang) nhận định, hành vi dán biểu ngữ lên xe của Vinasun, Vina taxi hay một số hãng khác có dấu hiệu vi phạm Điểm 4, Điều 39 của Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là “Gièm pha doanh nghiệp khác”.
Đồng thời cũng vi phạm điều 43 của luật này về hành vi “Gièm pha doanh nghiệp khác: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Theo Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30.9.2005 Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, nếu hành vi đã nêu của các hãng taxi được xác định là vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 20 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn có thể bị xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng… Như vậy, nếu trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá mức độ vi phạm về hành vi của các hãng taxi chỉ là hành vi tự phát của tài xế thì không thể quy kết vi phạm pháp luật; còn nếu là hành vi có tổ chức, theo chủ trương của hãng thì chắc chắn sẽ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngay cả khi bị xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng không áp dụng phạt bổ sung, tức là mức phạt cao nhất chỉ 20 triệu đồng – quá nhẹ. Về việc tịch thu toàn bộ phương tiện đã vi phạm cũng không hề đơn giản bởi cần phải chứng minh có bao nhiêu xe đã dán biểu ngữ? Ai chỉ đạo?…
Việc này có vẻ quá sức nếu chỉ có một mình Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng điều tra, xác minh. Cho tới lúc này, về phía cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ có Bộ Công Thương thể hiện vai trò vào cuộc. Còn phía Uber và Grab đều vẫn im lặng không có phản ứng suốt thời gian qua.
ĐỨC THÀNH
——————
Lao động (Kinh tế) 12-10-2017:
https://laodong.vn/kinh-te/cuoc-chien-taxi-co-the-tich-thu-nhung-xe-da-dan-bieu-ngu-569363.ldo
(74/1.245)