Ngồi nhâm nhi cốc cà phê sữa đá – đặc sản của đất Sài thành, tôi được dịp ngắm khách Tây đang lội bì bõm qua từng con “phố cũng như sông”. Hướng tầm mắt ra góc khác, một anh khách người châu Á cũng đang bị cô bán hàng rong chèo kéo mua hàng lưu niệm, một tay anh bất giác ôm khư khư cái ba lô, tay còn lại nắm chặt điện thoại ra sức đề phòng.
Mấy ngày trước, người dân cả nước được phen trầm trồ nhờ tài nói tiếng Anh “nhanh như gió” của một chiến sĩ CSGT khi hai du khách người Ấn Độ hốt hoảng chạy đến trình báo Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải vì bị giật túi xách.
Cốc cà phê chưa kịp nguội đã vội đắng ngắt, dù trước đó tôi đã dặn nhân viên cho thêm nhiều sữa. Ngẫm về đề xuất của sở Du lịch TP.HCM, có phần có lý, vì “nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, trở thành thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, việc thu phí, thuế hay bất kỳ một khoản phụ thu đều trở thành vấn đề nhạy cảm đối với người dân hiện nay.
Một phần vì nhiều bộ, ban ngành đều “vin” vào cái cớ “thông lệ quốc tế” quen thuộc đó để… thu. Kể như hồi cuối tháng Tám, bộ Tài chính – tay hòm chìa khóa của đất nước đề xuất nâng mức thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, lộ trình tăng lên 14% vào năm 2021 để phù hợp thông lệ quốc tế. Mức thuế suất 10% như hiện nay không phù hợp, phát sinh nhiều vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.
Đề xuất sửa đổi luật thuế trên xuất hiện trong bối cảnh nợ công Việt Nam đang ở mức cao, nguồn thu ngân sách không đạt kế hoạch trong khi các khoản chi thường xuyên ngày càng lớn, dự án thua lỗ nằm bất động từ Bắc chí Nam.
Vài ngày sau đó, vị luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) đưa câu chuyện cũ ra bàn luận: Đề xuất đánh thuế tiền lãi từ gửi tiết kiệm với các khoản từ 3 tỷ đồng trở lên. “Ở những nước phát triển người ta làm rồi, mình làm như thế là phù hợp thông lệ quốc tế”.
Nhưng người dân đã phải chịu gánh nặng nhiều khoản thuế phí để có thể tiết kiệm được một khoản tiền, giữ ở nhà thì lo trộm cắp, đầu tư vào vàng, chứng khoán thì lo biến động, gửi ngân hàng để sinh lời đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế cũng tiếp tục bị đánh thuế. Liệu có công bằng?
Chúng ta chỉ tìm cách tăng thêm nguồn thu – đầu vào của ngân sách với lý do thông lệ quốc tế, nhưng hình như đã quên, quốc tế có sử dụng ngân sách – tức đầu ra, đầu tư vào các dự án kém hiệu quả như Việt Nam hiện nay hay không? Phúc lợi xã hội của người dân có được tốt như “thông lệ quốc tế” hay không? Khách du lịch đến Việt Nam – mà cụ thể là TP.HCM có được tận hưởng dịch vụ tốt như “thông lệ quốc tế” hay không?
Câu trả lời tôi xin dành lại cho mỗi người dân, mỗi du khách đã từng và sắp có ý định muốn đến Việt Nam – dải đất hình chữ S luôn tự hào là có tiềm năng du lịch bậc nhất Đông Nam Á.
Nhìn đất nước “nhà người ta” để nghĩ về mình!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Nguyễn Thị Hà
——————
Người đưa tin (Tiêu dùng & Dư luận) 16-10-2017:
http://www.nguoiduatin.vn/buon-vi-thong-le-quoc-te–a342642.html
(60/762)