(TBKD) – Sự chây ỳ của nhiều doanh nghiệp trong việc nộp thuế khiến ngành thuế buộc phải sử dụng “chiêu” nêu tên để thu thuế nợ đọng. Nhưng, “độ lỳ” của nhiều doanh nghiệp vẫn đang thách thức cả cộng đồng.
Thời gian qua, ngành thuế đang áp dụng tích cực biện pháp công khai danh tính các doanh nghiệp “chây ỳ” nợ thuế, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp nộp thuế sau khi bị “phanh phui” vẫn còn rất thấp so với số được công bố. Đáng nói là có những doanh nghiệp liên tục bị “bêu” tên nhưng vẫn không trả nợ.
Nợ thuế hơn 2.203 tỷ đồng
Cục thuế Tp.Hà Nội vừa công bố danh sách 262 đơn vị nợ thuế đến hơn 2.203 tỷ đồng với sự góp mặt khá đông đảo trong danh sách này là các “ông lớn” của ngành xây dựng như Viglacera, Contrexim, Licogi, Lilama, Vinaconex hay Sông Đà.
Đứng đầu danh sách về số tiền thuế nợ đọng là công ty Cổ phần Tập Đoàn Điện Tử Công Nghiệp Việt Nam với 75,524 tỷ đồng. Đây là công ty hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm, linh kiện điện tử, điện dân dụng, các loại máy móc và thiết bị văn phòng; xây dựng các công trình giao thông, công trình kỹ thuật dân dụng; kinh doanh máy vi tính, các thiết bị điện tử viễn thông, đồ dùng gia đình…
Đứng thứ hai trong danh sách nợ thuế là công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Tạp Phẩm với 75,099 tỷ đồng. Tiếp theo là ba công ty con của “ông lớn” trong ngành xây dựng gồm: Viglacera với tổng số nợ thuế gần 86 tỷ, lần lượt là công ty Cổ phần Cơ Khí và Xây Dựng Viglacera nợ 57,932 tỷ đồng, công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm hơn 17 tỷ đồng và Chi nhánh Xí nghiệp Cơ khí cũng nợ thuế với mức hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh sách nợ thuế cũng “điểm tên” một số “đại gia” khác như: công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Sông Đà nợ hơn 36,7 tỷ đồng; công ty Cổ phần LICOGI 13 nợ hơn 30 tỷ đồng; công ty Cổ phần Lilama Hà Nội nợ hơn 28 tỷ đồng.
Đây là lần thứ tư kể từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Thuế Hà Nội công bố công khai danh sách các đơn vị nợ thuế với tổng số 643 đơn vị cùng tổng số tiền lên tới hơn 2.610 tỷ đồng. Cùng với đó là hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế từ 20 đến 40 tỷ đồng. Theo quy định, những đơn vị bị nêu tên là do nợ thuế quá hạn phải trả 90 ngày.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp đã có tên trong ba lần công bố trước như công ty Cổ phần LICOGI 13, dù cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp để yêu song vẫn không thu về được kết quả.
Cũng có một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ do chế tài hiện nay chưa đủ mạnh bởi số tiền nộp phạt nhỏ hơn nhiều so với số tiền lãi từ khoản nợ thuế đang được doanh nghiệp cất giữ trong ngân hàng.
Vẫn còn dung túng cho doanh nghiệp
Bình luận về nguyên nhân có khá nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản nợ thuế, các chuyên gia bất động sản cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thực hiện được phương án bán hàng và không có dòng tiền để tiếp tục hoạt động triển khai những dự án đã đầu tư. Do đó, trước sức ép nợ lớn, áp lực phải hoàn thành dự án nên các doanh nghiệp không có được nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ ngân sách.
Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ do chế tài hiện nay chưa đủ mạnh bởi số tiền nộp phạt nhỏ hơn nhiều so với số tiền lãi từ khoản nợ thuế đang được doanh nghiệp cất giữ trong ngân hàng.
Trước việc các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn cố tình chây ỳ trong thời gian dài, các chuyên gia đề xuất rằng cơ quan thuế cần áp dụng biện pháp công bố công khai những dự án đang nợ thuế để buộc các doanh nghiệp phải nộp thuế nếu không muốn dự án bị ế ẩm hoặc chậm thanh khoản.
Hiện nay, người tiêu dùng rất “ngại” mua phải những dự án chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, trong đó có việc nộp thuế vì lo ngại rủi ro. Do đó, với những dự án đang nợ thuế, chắc chắn khách hàng sẽ không mua, thanh khoản sẽ chậm.
“Việc đánh vào doanh thu của doanh nghiệp sẽ gây áp lực mạnh, buộc doanh nghiệp phải nộp thuế nếu không muốn sản phẩm ế ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh”, một chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hàng tháng, cơ quan thuế đều công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế nhưng lại không nêu rõ dự án nào đang nợ thuế, nhất là các dự án bất động sản, tạo rủi ro cho người dân trong việc mua sản phẩm của những dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
“Cơ quan quản lý chưa công bố các dự án nợ thuế nghĩa là còn dung túng cho doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế”, một chuyên gia bất động sản khẳng định. Hiện nay, với các dự án bất động sản đang nợ thuế đất, nếu khách hàng mua sẽ không được cấp sổ đỏ.
Vì vậy, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, khuyến cáo, để tránh gặp phải những rắc rối, rủi ro có thể phát sinh cho người mua nhà, khi ký hợp đồng góp vốn hoặc mua căn hộ, đất nền tại các dự án, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các chứng từ, giấy tờ chứng minh việc đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
Ngoài ra, khách hàng cũng nên tham khảo thông tin về các doanh nghiệp còn nợ thuế đã được cơ quan thuế công bố công khai để cân nhắc, xem xét có nên mua nhà tại dự án đó hay không.
Thanh Hoa
—————
Thời báo Kinh doanh (Thị trường) 29-3-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Thi-truong-17/Can-%E2%80%9Cbeu-ten%E2%80%9D-cac-du-an-no-thue-30809.html
(115/1.116)