(ANTĐ) – Không chỉ ở các thành phố lớn, hiện khái niệm tiền “ảo” đang làm mưa làm gió tại không ít vùng quê. Hàng trăm người đã mang hết tiền của, thậm chí vay mượn với lãi suất cao để đầu tư vào tiền “ảo”, dù không biết đồng tiền này nguồn gốc ra sao, được giao dịch ở đâu.
Ông Nguyễn Tuấn Giảng tự nhận mình là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội và cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Bỏ việc, vay lãi cao để đầu tư tiền “ảo”
Thời gian gần đây, tại nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang, người dân bàn tán xôn xao về một đồng tiền ảo có tên “A-lốc-coi” (Aloscoin), gọi tắt là AOC. Người ta bảo, đầu tư vào AOC thì lãi mẹ đẻ lãi con, thoát nghèo chỉ sau vài tháng. Một số người thậm chí còn bỏ kinh doanh, buôn bán, “cắm” nhà, vay nóng để đầu tư vào tiền “ảo” AOC.
Trong vai những người đang muốn tìm hiểu về tiền “ảo” AOC, chúng tôi gặp chị Nhường, một phụ nữ hiện đang sống ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chị Nhường vừa lôi cuốn sổ đầu tư tiền “ảo” của mình ra chỉ cho phóng viên, vừa hoan hỉ: “Đầu tư vào đây, qua 1 năm có mà mang gánh đi gánh tiền”.
Người phụ nữ này cho biết, 3 tháng trước, được giới thiệu kênh đầu tư tiền “ảo” AOC siêu lợi nhuận, chị đã vét hết toàn bộ hơn 400 triệu đồng tiền tiết kiệm để đầu tư loại tiền này. Hiện nay, mỗi tháng chị đang nhận vài chục triệu đồng tiền lãi, chị đang tính sẽ bỏ nghề bán quần áo, vay nóng tiền để đầu tư thêm. “Tiền kia toàn tiền chị. Nhưng vừa rồi chị phải vay lãi 2 triệu đồng một ngày để đầu tư gói to này. Thấy nó tốt quá, chị làm gói to để hưởng khuyến mãi” – người phụ nữ có máu kinh doanh hồ hởi khoe.
Một người phụ nữ khác hiện sinh sống tại thành phố Bắc Giang cũng vừa “cắm” sổ đỏ của gia đình để vay 200 triệu đồng đầu tư tiền ảo AOC. Người phụ nữ 58 tuổi này cho biết, bà từng tham gia nhiều mạng bán hàng đa cấp, song đều thất bại, mất hết tiền. Vừa rồi, có người quen rủ rê đầu tư tiền ảo sẽ lãi rất cao, bà quyết định “cắm” sổ đỏ để vay hơn 200 triệu đồng đầu tư.
Thông tin cứ lan truyền khắp nơi, ai cũng sợ vào chậm phải mua giá cao, không được hưởng lãi lớn nên thậm chí phải vay mượn để đầu tư gói lớn. Có những người già, chẳng hiểu biết gì về công nghệ, thậm chí chẳng biết đi xe máy, nhưng nghe những lời mời chào đầu tư lãi khủng, càng mời gọi nhiều người, tiền lãi càng cao. Thế là họ vét những đồng lương hưu tích cóp bấy lâu, đạp xe máy hàng chục km đến văn phòng tiền ảo AOC để nộp.
Ma lực của tiền “ảo” AOC
Kinh ngạc trước sự mê muội của nhiều người với việc đầu tư tiền ảo AOC, phóng viên đã quyết định thâm nhập một buổi hội thảo của câu lạc bộ AOC Bắc Giang. Hội trường hơn 300 người chật kín, đa số là người già và lớn tuổi, cả đời lam lũ kiếm sống. Và đây là lần đầu tiên họ được nghe về nào là “công nghệ 4.0”, nào là “tiền kỹ thuật số” là lợi nhuận trên trời mà tiền ảo AOC mang lại.
Một người người đàn ông tự giới thiệu là Nguyễn Tuấn Giảng, Chủ tịch câu lạc bộ AOC Việt Nam, thuyết trình về đồng AOC. Ông Giảng say sưa thuyết trình giữa những tràng pháo tay của hàng trăm con người: “Theo nhận định của các nhà khoa học thì tháng 5-2018, AOC sẽ lên 2 USD 90. Năm 2020, AOC sẽ lên 300 USD. 2067 lên 10.000 USD…” – người này vẽ ra tương lai xán lạn của tiền ảo AOC – “Chúng ta được hưởng 0,5%/ngày và được hưởng 180 ngày. Sau 180 ngày chúng ta rút gốc về theo sự tăng trưởng của đồng AOC. Một gấp 4 lần. Một vốn bốn lời”.
“Hành vi lôi kéo người dân đầu tư tiền “ảo” AOC đang có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng tiền chưa được công nhận, không có định danh, không biết ai là người thu tiền, ai là người quản lý phần tiền của mình. Có thể nhìn thấy nó đang phát triển theo mô hình tháp giống như đa cấp biến tướng. Phương thức này không có sản phẩm để bán ra nhưng nó lại tạo ra lợi ích cho người tham gia, khi lôi kéo người khác vào hệ thống”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh)
Kèm theo mức lãi suất “trong mơ” của tiền “ảo” AOC, người đàn ông này không quên kèm theo những lời đầy kích thích: “Đồng tiền AOC sẽ đem đến tất cả. Những người đam mê, những người nhiệt tình, những người làm việc hết mình, cầu mong thay đổi cuộc sống của mình thì sẽ hạnh phúc, sẽ giàu sang”.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ thuyết trình về những cái nhất của đồng tiền “ảo” AOC trước sự say sưa lắng nghe và vỗ tay rần rần của hơn 300 người, người đàn ông tự xưng Chủ tịch Câu lạc bộ AOC Việt Nam tung ra “đòn” quyết định.
Ông Nguyễn Tuấn Giảng bất ngờ tuyên bố sẽ bỏ tiền túi ra để tặng những món quà đắt giá cho người nào đầu tư ngay vào tiền “ảo”. “Chiều hôm nay và ngày mai, nếu ai vào tôi tặng một chiếc điện thoại Samsung A5”. Chưa dừng lại, một lát sau, ông nâng mức quà tặng lên 1 cây vàng.
Ngay sau buổi hội thảo, nhiều người dân đã tìm đến một quán ăn trên địa bàn, nơi câu lạc bộ AOC Bắc Giang gặp mặt các nhà đầu tư. Hàng chục nhà đầu tư vây quanh vị Chủ tịch câu lạc bộ AOC Việt Nam để nghe tư vấn. Theo tư vấn, việc đầu tư vào tiền “ảo” rất dễ. Chỉ cần bỏ tiền mua các gói tiền “ảo”, gói nhỏ chỉ khoảng chục triệu đồng, gói lớn là 4 tỷ đồng. 24 giờ sau sẽ có một tài khoản tiền “ảo”… và sau đó chỉ việc ngồi nhà để nhận lãi, cao gấp 20 lần gửi ngân hàng.
Không chỉ thế, ông Giảng còn cho rằng đồng tiền “ảo” AOC hấp dẫn hơn tất cả các đồng tiền “ảo” khác ở cơ chế nhân đôi tài khoản, không đồng tiền nào có được. Chẳng hạn, nhà đầu tư bỏ 1 tỷ đồng. Sau 180 ngày, nếu không rút gốc, sẽ được nhân đôi tài khoản. Nghĩa là lúc này tài khoản là 2 tỷ đồng. Đã thế còn hưởng lãi suất 0,3%/ngày trong 180 ngày tiếp theo.
Dù khẳng định đầu tư tiền “ảo” không phải là kinh doanh đa cấp, vì không phải mua hàng hóa, không phải “lấy của ông này trả cho ông kia” nhưng những người đứng đầu Câu lạc bộ AOC liên tục kêu gọi các nhà đầu tư lôi kéo càng nhiều người tham gia càng tốt, càng nhiều, hoa hồng càng lớn.
Ông Nguyễn Tuấn Giảng cho biết, càng lên cao, phần trăm càng nhiều. Chẳng hạn, cấp quản lý nhánh hàng tháng được hưởng 6% doanh số của F3, 7% của F2 và 8% của F1. Tính sơ mỗi tháng, ngồi không vẫn hưởng gần 30% doanh số của hệ thống. Số tiền này được giải thích là lấy từ “quỹ phát triển” chứ không phải lấy từ số tiền của người sau trả cho người trước.
Nhiều người dân vay mượn hàng trăm triệu đồng để đầu tư tiền “ảo” AOC
Không có đồng tiền “ảo” AOC
Tại văn phòng tiền “ảo” AOC Bắc Giang thời điểm chúng tôi có mặt, rất nhiều người dân đến đóng tiền để đầu tư tiền “ảo” từ vài chục đến hàng nhiều trăm triệu đồng. Số tiền bỏ ra lớn, nhưng đáng nói người nộp tiền chỉ nhận lại một tờ giấy có ghi số tiền đã nộp, không chữ ký, không con dấu, không ngày tháng… Không có bất kỳ phiếu thu hay chứng từ nào.
Khi phóng viên thắc mắc điều này thì nhận được câu trả lời “thế mới là đầu tư tiền ảo”. “Ký kết giấy tờ thì đâu có phải là điện tử. Toàn bộ họ đưa vào trang web hết. Trang web này được bảo mật, không hacker nào có thể thâm nhập được” – bà Thân Thị Toan, người tự xưng Tổng tuyến Câu lạc bộ AOC Bắc Giang khẳng định.
Không những thế, những người dân ở Bắc Giang nộp tiền, nhưng cũng không biết tiền của mình đang ở đâu. Có mặt tại văn phòng AOC Bắc Giang, một nhà đầu tư tỏ ra lo lắng. Chả là anh này đã đầu tư gần 400 triệu đồng vào tiền “ảo” AOC, nhưng hơn 1 tháng nay, anh không thể nào rút được tiền. Anh hỏi khắp nơi, nhưng người thì bảo đang nâng cấp mạng, người lại nói đang thêm cổng thanh toán.
Cuối cùng, anh phải trực tiếp đến gặp Chủ tịch Câu lạc bộ AOC Việt Nam Nguyễn Tuấn Giảng nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời vô trách nhiệm: “Anh cũng giống như em mà thôi. Tất cả làm việc qua email hết”. Đáng nói, khi tham khảo các nhà đầu tư tiền “ảo” chuyên nghiệp, chúng tôi nhận được câu trả lời, không hề có đồng tiền “ảo” nào là AOC hay Aloscoin trong số hơn 1.100 đồng tiền “ảo” của 5.500 sàn đang giao dịch trực tuyến.
Đến lúc thắc mắc hay kiện cáo thì…
Như vậy, có thể khẳng định tất cả người tham gia đầu tư tiền “ảo” AOC không hề biết tiền ảo này hiện đang ở đâu, được giao dịch như thế nào, có đơn vị nào quản lý hay không… Tất cả đều qua lời chào mời, quảng cáo của người đàn ông tên Nguyễn Tuấn Giảng.
Đáng nói, theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ tại Bắc Giang mà mạng lưới tiền “ảo” AOC đã lan tới nhiều tỉnh khác từ miền Bắc đến miền Trung, chủ yếu lôi kéo những người dân ở các vùng quê tham gia. Những người này không cần biết tiền “ảo” AOC là gì, họ chỉ quan tâm đến món lợi trước mắt được vẽ ra từ những người đứng đầu câu lạc bộ AOC.
Theo các luật sư, dù chưa thể khẳng định hoạt động đầu tư tiền “ảo” AOC có phải đa cấp biến tướng hay không, nhưng những rủi ro với nhà đầu tư là có thể hình dung được. Thứ nhất, AOC là hàng hóa ảo, mù mờ không rõ nguồn gốc.
Thứ hai, đơn vị đứng ra huy động đầu tư là một câu lạc bộ, không phải doanh nghiệp, công ty, đồng nghĩa họ không chịu trách nhiệm pháp lý khi có rắc rối xảy ra nên chắc chắn nhà đầu tư sẽ bị thiệt, khó kiện tụng. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì việc các thành viên tự kết nối với nhau mà không biết ông nào cầm trịch, đến lúc muốn thắc mắc hay kiện cáo thì sẽ không biết tìm ai.
Đáng nói, Chủ tịch Câu lạc bộ – ông Nguyễn Tuấn Giảng trong quá trình lôi kéo người tham gia luôn tự nhận là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội và cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, hai cơ quan này đã có văn bản khẳng định họ không có cán bộ nào tên như vậy.
Trâm Anh
——————
An ninh Thủ đô (Đời sống) 22-10-2017;
http://anninhthudo.vn/doi-song/bay-da-cap-tien-ao-bua-vay-vung-que/745503.antd
(44/2.050)