1.596. Nâng cao nhận thức của người dân về tài chính tiêu dùng

(ĐBND) – Cần phải tìm hiểu rõ các thông tin trong hồ sơ trước khi ký vay vốn tại các công ty tài chính là lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế dành cho khách hàng.

Khi thông tin còn “lập lờ”

Những thông tin liên tục về các vụ việc kiện tụng, phàn nàn về lãi suất cao, thủ tục cho vay chưa đúng… của các công ty tài chính (CTTC) rộ lên trong thời gian gần đây khiến nhiều người vốn chưa hiểu lại càng hoài nghi về dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Không những thế, theo chia sẻ của một chuyên gia tài chính – ngân hàng, đây còn là minh chứng cho thấy kiến thức tài chính của nhiều người dân còn “lập lờ” và mang nặng cảm tính.

Thực vậy, chính vì chưa hiểu rõ bản chất của tài chính tiêu dùng nên khi tiếp cận với dịch vụ cho vay này, nhiều người đã cảm thấy “hoang mang”, thậm chí còn cho rằng mình bị các tổ chức cho vay “lừa” mà nguyên nhân chủ yếu là lãi suất còn ở mức cao.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là do khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị “lừa” khi phải trả số nợ quá cao.

“Mặc dù lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,… đều được thể hiện cụ thể trong hợp đồng, nhưng người vay ít quan tâm và không đọc kỹ thì sẽ không hiểu. Đến lúc phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm thì khách hàng mới giật mình tưởng rằng bị lừa.”

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính còn khá mới tại Việt Nam, mới được triển khai 5 năm trở lại đây, trong khi phân khúc khách hàng của CTTC còn hạn chế về hiểu biết tài chính, dễ bị tổn thương trong xã hội. Do vậy việc tăng trưởng cho vay tiêu dùng của CTTC cần đảm bảo sự cân bằng và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở khách hàng mà còn nằm ở cả phía cho vay (các CTTC).

Theo ông Tú, cho vay tiêu dùng thường là cho vay không bảo đảm do đó đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay và trả nợ, các yếu tố khác là rất quan trọng. Tuy nhiên các CTTC thường lại không xem xét đầy đủ các yếu tố này mà thiên về mở rộng số lượng cho vay dưới sức ép cạnh tranh giành thị phần. Điều này sẽ đặt gánh nặng nợ nần lên người đi vay khi họ không đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và khi họ không có khả năng trả nợ thì họ bị sa vào bẫy nợ nần không thoát được.

Tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng vay vốn

Để giải quyết trước mắt vấn đề này thì đòi hỏi sự nỗ lực của cả phía các CTTC và khách hàng vay vốn. Theo TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế, trên thực tế, các CTTC đều phải tuân thủ quy định công bố đầy đủ thông tin về lãi suất và quy định trả nợ trước khi ký hợp đồng với khách hàng.

Hiện nay theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC, thì các CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, CTTC phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty.

Còn về phía khách hàng, đại diện FE CREDIT, CTTC đang nắm hơn 50% thị phần tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng cần cân nhắc xem có cần thiết phải mua mặt hàng này hay chưa, và phải tính toán nếu quyết định vay thì khả năng trả nợ sẽ như thế nào.

Trước khi ký hợp đồng vay, người tiêu dùng nên đọc và hiểu các điều kiện và điều khoản vay, lãi suất và các khoản phí phải trả nếu thanh toán chậm hay trước hạn… để không bị phát sinh những tranh chấp sau này.

“Các CTTC đều mong đợi khách hàng là những người đi vay có trách nhiệm, bằng cách cân đối các khoản thu nhập và chắc chắn rằng khoản vay phù hợp với tình hình tài chính của mình.” – Đại diện FE CREDIT chia sẻ.

Còn về giải pháp lâu dài và căn cơ nhất, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức của người dân về tài chính tiêu dùng.

“Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tài chính tiêu dùng, hay nói đơn giản hơn là việc chi tiêu cá nhân là một trong những bài học cơ bản của các em học sinh, giúp các bạn trẻ có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình học đường như một môn học chính thức”.

C.Nghiêm

——————

Đại biểu Nhân dân (Thông tin kinh tế) 26-10-2017:

http://m.daibieunhandan.vn/Chi-tiet?Id=397380&page=1&Trang=2

(108/1.028)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951