(DĐDN) – Phá sản ngân hàng là tất yếu, nhưng chỉ nên coi đây là biện pháp cuối cùng sau khi áp dụng các biện pháp khắc phục không thành công đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) bị kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, tránh đổ vỡ hệ thống và mất ổn định xã hội.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này vào ngày 21/11/2017, trong đó có phương án phá sản các TCTD.
DongA Bank là tổ chức tín dụng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.
Đủ khung pháp lý để phá sản ngân hàng
Trên thực tế, phá sản ngân hàng không phải lần đầu tiên được đưa vào các quy định, văn bản pháp luật. LS.Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, phân tích: Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do vậy cũng nên cho phép phá sản, tức là có “sống” thì phải có “chết”. Theo ông Đức, điều này cũng đã được quy định trong Luật Phá sản 2004, Luật Phá sản 2014 và Nghị định về phá sản ngân hàng. “Có nghĩa là Luật nên quy định rõ phá sản ngân hàng với tổ chức yếu kém không còn khả năng hoạt động là tất yếu, chứ không phải là điều còn cần bàn cãi được hay không được, nên hay không nên” – ông Đức nói.
Quan điểm của lãnh đạo Chính phủ về phá sản ngân hàng cũng đã có những thông điệp rõ ràng. Tháng 10/2016, trong phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, TCTD yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino”.
Với hành lang pháp lý sẵn sàng, việc Quốc hội trao thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản ngân hàng thuộc Chính phủ là biện pháp cuối cùng khi TCTD bị kiểm soát đặc biệt, thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc).
“Không có cái chết bất ngờ”
Một yếu tố khác khiến việc đưa ra quyết định phá sản TCTD không thể bất ngờ, ngoài việc đánh giá tác động đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Theo Dự thảo Luật, sẽ có quy trình để thực thi nếu quy định trong Dự thảo chính thức được thông qua.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, nếu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được thông qua, các văn bản dưới Luật cần bổ sung thêm những hướng dẫn để minh bạch hóa quy trình, điều kiện, tiêu chí mà một ngân hàng có thể bị áp dụng phá sản. Theo đó, việc phá sản một ngân hàng không chỉ giải quyết “hậu quả” mà phải tính đến khả năng cho các chủ nợ, người gửi tiền, đối tác tại ngân hàng được rộng đường lựa chọn khi giao dịch, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm tài chính tại một TCTD.
Theo Dự thảo Luật, để tránh mất an toàn hệ thống các TCTD, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, Chính phủ có thể quyết định chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi khi phá sản TCTD.
“Nói như vậy không có nghĩa đẩy trách nhiệm về phía những người giao dịch với một TCTD có tiềm ẩn nguy cơ phá sản, và đổ lỗi cho những ai ra quyết định “đầu tư” vào ngân hàng phải chấp nhận rủi ro, khi tạm xem ngân hàng như một “kênh đầu tư” bảo đảm sinh lợi (chưa bao gồm các yếu tố khác như lạm phát, trượt tỷ giá…). Thực chất, việc gửi tiền ở ngân hàng có rủi ro thấp, chứ không phải hoàn toàn không rủi ro khi ngân hàng không còn trong vòng bảo hộ” – vị Tổng giám đốc nói.
Thị trường hiện đang có một số TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt, như DongA Bank và các ngân hàng được NHNN mua lại giá 0 đồng gồm: CBBank, GPBank, OceanBank. Ngoài ra còn có Sacombank là 1 trong 5 TCTD được Thống đốc NHNN liệt kê thuộc diện yếu kém cần xử lý trong năm 2017 và đến nay đã có đợt thay máu, trên lộ trình kiện toàn bộ máy với các đại diện chủ sở hữu mới để tái cấu trúc. Bên cạnh đó, Eximbank vẫn đang tái cấu trúc tích cực, nhưng ở trên phương diện niêm yết tại thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB vừa đang tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo do lỗ lũy kế tại 30/06/2017 là – 166,57 tỷ đồng.
Một chuyên gia cho rằng, thông tin cập nhật, chi tiết, đánh giá thường xuyên “sức khỏe” của các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng đã bị NHNN mua lại 0 đồng là cần thiết để “tạo thói quen” cho người dân chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình.
“Hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng công khai thông tin thời gian qua. Mức độ công khai tới đâu là một vấn đề cần đánh giá. Đừng để người dân thờ ơ trước “quả phạt đền” hay “cái chết ở phút 89, đặc biệt khi liên quan đến tài sản của người dân và sự ổn định nền kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Lê Mỹ
————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính – Ngân hàng) 08-11-2017:
http://enternews.vn/tranh-soc-pha-san-ngan-hang-119710.html
(135/991)