(GT) – Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng…
Nhiều dự án sẽ được rà soát để tránh thất thu ngân sách Nhà nước, vì giá thuê đất chưa sát giá thị trường – Ảnh minh họa: Tạ Tôn |
Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng, quản lý của các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) năm 2018 và những năm tiếp theo, để bịt lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước.
Thất thoát lớn nhất là giá trị đất
Một ví dụ tiêu biểu về thất thoát tài sản Nhà nước là việc CPH tại Công ty Kem Tràng Tiền trước đây. Kem Tràng Tiền được giao sử dụng 1.500m2 đất ngay phố Tràng Tiền, trung tâm Hà Nội. Vì chỉ có hệ thống trang thiết bị cũ nát, hầu như không còn giá trị nên khi CPH vào năm 2000, giá trị doanh nghiệp (không tính giá trị đất thuê) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng. Hơn 10 năm sau, khi Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) có ý định mua lại, OCH đã định giá gấp hơn 150 lần giá trị trước CPH và bỏ ra 500 tỷ đồng để sở hữu 78,4% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền. Dù OCH đã định giá Kem Tràng Tiền tăng lên nhiều lần nhưng nay khi lật lại hồ sơ thương vụ, các chuyên gia cho rằng con số trên vẫn thấp so với giá trị thực hàng nghìn tỷ đồng. Sở dĩ giá trị các doanh nghiệp sở hữu đất vàng bị định giá thấp vì không tính giá trị quyền sử dụng đất (khi doanh nghiệp đi thuê và trả tiền thuê đất hàng năm) vào giá trị doanh nghiệp, trong khi giá đất thuê lại không sát giá thị trường. Tuy nhiên, điều này lại đúng quy định khi chiếu theo Luật Đất đai năm 2013.
Đề xuất tổng rà soát quỹ đất
Theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, kẽ hở lớn nhất trong công tác CPH hiện nay là việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước. Điều đáng nói là chính các quy định về CPH chưa tính đến yếu tố giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm vào giá trị tài sản doanh nghiệp CPH mà đáng ra đây thường là khoản có giá trị lớn, thậm chí là lớn nhất của doanh nghiệp.
Trong tháng 10/2017, Bộ Tài chính cho biết, đã nhận được báo cáo của 4 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa gồm: Công ty TNHH MTV 319.3 (thuộc Tổng công ty 319), Đoạn quản lý đường bộ Hưng Yên, Đoạn quản lý đường sông Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Chè Phong Hải (Lào Cai). Lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, có 38 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế 81.050 tỷ đồng. |
Vì vậy, TS. Lê Đăng Doanh đề nghị đẩy mạnh các giải pháp cứng rắn để bịt lỗ hổng thất thoát tài sản Nhà nước từ chuyển đổi “đất vàng” thời gian tới theo hướng định giá doanh nghiệp phải chính xác và theo giá thị trường. “Bởi lẽ, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục diễn ra”, TS. Doanh nói. Trong giai đoạn 2016-2020, sẽ có 240 doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện sắp xếp, CPH, đa số là những doanh nghiệp quy mô lớn.
Nói về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong quá trình CPH được quan tâm nhất thời gian qua. Ông Tiến cũng cho biết, khắc phục những bất cập nêu trên để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định mới về CPH thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59. Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định: “Với những điểm đổi mới cơ bản trong Dự thảo Nghị định về CPH DNNN, sau khi được sửa đổi, bổ sung và ban hành sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp”.
Hồi giữa năm nay, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước (trong danh sách 60 dự án được ngành Thuế rà soát). Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng đề nghị tổng rà soát quỹ đất. Cụ thể, sẽ khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng, quản lý của các doanh nghiệp CPH năm 2018 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở rà soát, cơ quan chức năng sẽ lập phương án sử dụng đất đai, trình phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo CPH, chủ động xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH theo quy định, xác định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án CPH và bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
————–
Giao thông (Kinh tế) 09-11-2017:
http://www.baogiaothong.vn/cap-thiet-bit-lo-hong-that-thoat-cph-doanh-nghiep-nha-nuoc-d232263.html
(101/1.048)