(ĐV) – Theo chuyên gia, chắc chắn có dùng ngân sách xử lý nợ xấu, vấn đề là dùng nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp…
Dùng ngân sách gián tiếp
Liên quan đến ý kiến cho rằng dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu (đang được NHNN lấy ý kiến – PV) đã hợp pháp hóa việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia cho rằng, việc sử dụng ngân sách này đã diễn ra từ trước đến nay.
LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, để xử lý bất kể việc gì, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội đều cần tiền, chỉ là mức độ nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, nguồn như thế nào… mà thôi.
Dùng ngân sách hỗ trợ ngân hàng yếu kém |
“Không thể không dùng tiền, nếu không dùng làm sao có thể nói là hỗ trợ, cứu hay xử lý.
Trong trường hợp này; từ xưa đến nay đều dùng tiền, từ xử lý nợ xấu đến ngân hàng 0 đồng, kể cả việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay hỗ trợ, kể cả cử người sang ăn lương bên nào. Chẳng qua đây là kiểu dùng gián tiếp để đạt được mục tiêu lớn.
Lý do phải dùng ngân sách là vì theo luật định cũng như trên thực tế, ngân hàng không thể không có vốn, ngân hàng vốn 0 đồng là trái với nguyên lý cho nên không thể tồn tại 1 ngày. Khi ngân hàng đã 0 đồng, chuyển sang ngân sách tức là trực tiếp hay gián tiếp phải bù cho nó bằng tối thiểu vốn điều lệ thì mới đảm bảo cân bằng. Đúng ra phải nhiều hơn nữa thì mới củng cố và chấn chỉnh được.
Trong trường hợp này, lúc NHNN tiếp quản ngân hàng 0 đồng, sau đó ngân hàng trở lại bình thường thì tiền họ lấy ở đâu ra? Không thể nói là thu lãi bởi làm sao lãi nhanh thế được?”, LS Trương Thanh Đức phân tích.
Vay rồi sẽ trả?
Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cho rằng, xưa nay NHNN, Chính phủ vẫn hỗ trợ cho ngân hàng yếu kém bằng nhiều cách. Tuy nhiên, hỗ trợ không phải cho không, nó giống như cách tạm thời cho người bệnh uống thuốc kháng sinh để khi khỏe sẽ trả lại.
“Trong dự thảo có rất nhiều điều khoản, trong đó NHNN, Chính phủ sẽ hỗ trợ cho ngân hàng yếu kém, ví dụ tài trợ vốn, cho vay với lãi suất 0 đồng. Điều đó hoàn toàn đúng vì ngân hàng đang yếu kém. Điều kiện của Việt Nam không giống như nước khác, tâm lý của người gửi tiền, người vay tiền và sử dụng dịch vụ của ngân hàng hiện nay rất yếu. Chỉ cần Nhà nước thông báo cho ngân hàng phá sản lập tức một loạt chuyện xảy ra: người gửi tiền thì rút tiền, người vay tiền cầm tiền không trả nữa…
Hệ thống ngân hàng Việt Nam là một trung gian tài chính, bảo vệ người gửi tiền, người vay tiền và cả hệ thống tài chính Việt Nam.
Vì thế, giúp ngân hàng yếu kém là chuyện bình thường và lãi suất 0% trong dự thảo luật chỉ là cái tạm thời để hỗ trợ 1 người đang bệnh. Ban đầu Chính phủ tái cấp vốn cho ngân hàng với lãi suất 0%, nhưng sau này họ sẽ trả lại, không phải là cho luôn”, TS Bùi Quang Tín cho biết.
Về nguồn tiền để hỗ trợ ngân hàng yếu kém, theo TS Tín có rất nhiều nguồn, trong đó có nguồn quan trọng là từ tài trợ của các quỹ nước ngoài, ví dụ IMF, WB cho NHNN vay với lãi suất ưu đãi, thời hạn dài.
Về nguyên tắc người nào vay người đó trả nhưng trên cơ sở Chính phủ sẽ dùng đúng mục đích là hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng yếu kém.
LS Trương Thanh Đức nói thêm, việc đi vay cũng là dùng ngân sách. “Đáng lẽ không phải vay hoặc số tiền vay về sẽ dùng vào việc khác hiệu quả hơn, cho doanh nghiệp khác vay lãi suất cao hơn, đằng này phải chấp nhận không có lãi, lãi suất thấp… Đó là cách sử dụng ngân sách gián tiếp”, ông nhấn mạnh.
Có nên phá sản ngân hàng yếu kém?
LS Trương Thanh Đức đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng, việc tạo cơ chế hỗ trợ ngân hàng yếu kém bằng 1 luật riêng có đi ngược lại với chuẩn mực Basel 2 mà ngân hàng Việt Nam đang hướng tới?
“Có nhiều ý kiến trái nhiều về việc này. Nó có thể không trái gì cả vì Basel 2 là để an toàn hệ thống, nâng cao năng lực tài chính, không để mất tiền của dân…
Nhưng ở chiều ngược lại cũng có ý kiến cho rằng, về lý, ngân hàng phải đảm bảo luôn duy trì hệ số an toàn tối thiểu, thiếu một chút là là không thể tồn tại được. Đằng này ngân hàng yếu kém tồn tại hết năm này qua năm khác, đáng lẽ đến lúc không thể tồn tại được, phải cho phá sản thì NHNN lại cứu” – ông Đức phân tích.
Bởi thế, vị chuyên gia đề xuất, xét về nguyên lý kinh tế và thực tế, nên cho phá sản ngân hàng yếu kém một cách có kiểm soát, an toàn, từ từ.
“Ở Mỹ, khi chuyển đổi chỗ này chỗ kia là phá sản. ông chủ mất hoàn toàn. Chẳng qua khác một chút đó là người gửi tiền có thể còn, có thể mất. Nhưng ở Việt Nam, , vì an toàn hệ thống nên mới áp dụng cơ chế không mất tiền của người gửi tiền”” – ông Đức nói.
Thành Luân
—————–
Đất Việt (Tài chính) 17-4-2017
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dung-ngan-sach-giup-ngan-hang-kem-lua-chon-duy-nhat-3333389/
(601/1.068)