(TT) – Một số DN cho rằng thay vì tốn công xây dựng dự thảo luật mới, các cơ quan chức năng cần tập trung bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc mà các DN đã phản ảnh hàng chục năm nay.
* Ông Trương Thanh Đức (thành viên tư vấn xây dựng Luật DN) (*):
Vẫn nặng tính… khẩu hiệu
Sau năm lần tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật này, tôi thấy nội dung trong dự thảo luật vẫn mang tính khẩu hiệu, có tính chất đường hướng, chủ trương trong khi DN cần được hỗ trợ cụ thể.
Trong thực tế, để thực hiện hiệu quả luật này còn phụ thuộc nhiều quy định khác của luật như thuế, đất đai, tín dụng. Do đó, cần phải quy định chi tiết, rõ ràng hơn, thuế bao nhiêu, tín dụng thế nào, chính sách đất đai ra sao…
Cần xem xét cái gì hỗ trợ được phải quy định rõ, chứ chỉ nêu chung chung, như giảm thuế chung cho 97% DN nhỏ và vừa, sẽ khó khả thi.
Theo tôi, không nên hỗ trợ trực tiếp như giảm thuế, chính sách tín dụng, đất đai… bởi phải đảm bảo nguyên tắc công bằng tối thiểu. Thay vào đó, cần tập trung vào hỗ trợ gián tiếp như nâng cao năng lực, cơ chế, luật pháp công bằng, bình đẳng, không để mất cơ hội của DN.
Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ.
* Ông Đào Huy Giám (tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân):
Chính sách hỗ trợ phải thật cụ thể
Theo tôi, cần làm rõ đối tượng nào được hỗ trợ và chính sách hỗ trợ phải cụ thể, chứ không nói chung chung.
Ngoài một số hỗ trợ về tài chính, Nhà nước cần tạo thuận lợi như đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin, rút ngắn số thủ tục, giảm lệ phí hoặc không thu phí trong một số ngành. Chẳng hạn, cần có chính sách giảm phí thuê đất, giảm thuế trong những năm đầu thành lập…
Đặc biệt, cần thành lập trung tâm thông tin, trung tâm đào tạo nguồn lao động, nhân sự, các chương trình thúc đẩy, xúc tiến quảng bá sản phẩm, thu thập thị trường.
* Ông Đỗ Phước Tống (chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh):
Nên hỗ trợ về mặt bằng
Thay vì ngồi soạn ra luật mới, tôi cho rằng cần tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc, khó khăn mà các DN đã kiến nghị từ nhiều năm nay. Trước hết, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ được cho các DN nhỏ và vừa chuyển đổi mặt bằng xa khu dân cư hoặc vào thuê tại các khu công nghiệp.
Ngoài ra, các ngân hàng nên tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa được thế chấp tài sản là máy móc, thiết bị để vay vốn mở rộng quy mô. Trong thực tế, các ngân hàng thường từ chối tài sản thế chấp là máy móc thiết bị, do lo ngại không thu hồi được nợ bởi rất khó xử lý tài sản thế chấp này, chưa kể máy móc để lâu lại mất giá.
Theo tôi, nếu có thiện chí, vấn đề này hoàn toàn có thể tháo gỡ được.
* Ông Đặng Quốc Hùng (giám đốc Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Kim Bôi):
Khổ lắm, nói mãi
Những vấn đề được đề cập trong dự luật cũng chính là những vướng mắc, khó khăn mà hàng chục năm qua cơ quan quản lý cứ nói mãi nhưng có giải quyết được gì đâu, trong khi DN vừa và nhỏ vẫn cứ gặp khó khăn.
Chẳng hạn trong ngành thủ công mỹ nghệ, khi xuống kiểm tra, có cơ quan quản lý đòi hỏi DN phải xử lý ô nhiễm môi trường với mức đầu tư… ngang bằng với DN có vốn quy mô rất lớn. Liệu việc sàng lọc, phân loại DN đã được cơ quan thẩm quyền làm đúng chưa? Chứ đâu thể cào bằng DN nào cũng giống DN nào được.
Riêng việc tiếp cận vốn vay, cho đến nay tôi khẳng định vấn đề này vẫn là bế tắc đối với DN nhỏ và vừa, do không có tài sản thế chấp.
Do đó, thay vì nghĩ đến việc hỗ trợ… 10 triệu đồng/DN, tôi cho rằng các nhà soạn thảo luật cần tìm ra giải pháp để tháo gỡ các nút thắt mà các DN nhỏ và vừa đã phản ảnh hàng chục năm qua.
Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa quá chung chung và khó khả thi, cơ quan chức năng khẳng định không thể hỗ trợ theo kiểu… bao cấp cho tất cả các DN này mà chỉ tập trung vào một số đối tượng.
Sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN nhỏ và vừa Tại buổi trao đổi với báo chí chiều 14-4, ông Lê Văn Khương, trưởng phòng phát triển DN nhỏ và vừa (Bộ KH-ĐT), khẳng định dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ không hỗ trợ bằng tiền, không bao cấp cho tất cả các DN này. Theo ông Khương, trong điều kiện ngân sách khó khăn, nguồn lực hỗ trợ sẽ căn cứ vào khả năng ngân sách của các địa phương, đồng thời giới hạn các đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo thúc đẩy phát triển DN và không vi phạm các cam kết WTO. Những đối tượng được hỗ trợ sẽ gồm các DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, DN có khả năng tham gia sâu chuỗi liên kết ngành và chuỗi giá trị… Trong khi đó, theo bà Bùi Thanh Thủy – phó cục trưởng Cục Phát triển DN, ngoài việc tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cung cấp thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh, tư vấn cho DN…, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho các đối tượng trên. Trong đó, sẽ có quy định mức thuế hỗ trợ thấp hơn cho DN nhỏ và vừa so với các đối tượng khác, khuyến khích ngân hàng dành tỉ lệ vốn nhất định cho DN nhỏ và vừa trên nguyên tắc thị trường chứ không can thiệp hành chính… |
(*) Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI
NGỌC AN – TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ (Kinh tế) 17-4-2017:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170417/khong-ho-tro-theo-kieu-bao-cap/1299249.html
(213/1.115)