(TTVN) – Về vấn đề quyền lợi người gửi tiền khi tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, bất cứ trường hợp nào phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo hệ thống ngân hàng, quyền hợp pháp người gửi tiền.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh chụp màn hình
Bắt đầu từ 15h00 ngày 16/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là quyền lợi người gửi tiền khi tái cơ cấu ngân hàng. Đặc biệt là vấn đề quyền lợi người gửi tiền trước viễn cảnh có thể cho ngân hàng quá yếu kém không thể tái cơ cấu phá sản.
Cụ thể, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, vấn đề bảo hiểm tiền gửi trong bất cứ trường hợp nào phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo hệ thống ngân hàng, quyền hợp pháp người gửi tiền. Mục tiêu xuyên xuốt đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Trước đó dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó đề cập vấn đề phá sản ngân hàng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức tín dụng (TCTD) là 1 doanh nghiệp đặc thù, huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng. Việc phá sản TCTD có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
“Tuy nhiên, việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt”, UBTVQH nhấn mạnh.
Theo dự thảo Luật, việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công và tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản (không thanh toán được các nghĩa vụ nợ đến hạn), thuộc 3 trường hợp.
Thứ nhất, TCTD được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thực hiện không thành công phương án phục hồi.
Thứ hai, TCTD không hoàn thành việc xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, TCTD không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề phá sản ngân hàng và quyền lợi người gửi tiên Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, chúng ta là nền kinh tế thị trường, đã kinh tế thị trường cho thị trường quyết định, theo đó TCTD yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Vì vậy việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết.
Đặt vấn đề, nếu phá sản ngân hàng yếu kém vậy quyền lợi khách hàng gửi tín dụng sẽ sao? Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Người gửi tiền cũng phải tự chịu hậu quả, đó là phần trong rủi ro mà người gửi tín dụng phải chấp nhận trong nền kinh tế.
Theo Luật sư Đức, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia khuyến cáo rất nhiều về việc khách hàng gửi tín dụng cần thận trọng không nên ham lãi suất cao, cần tìm hiểu thông tin về ngân hàng. Tuy nhiên, do việc ham lãi suất, bỏ qua cảnh báo dẫn đến gửi nhầm niềm tin vào ngân hàng yếu kém thì người gửi phải chịu trách nhiệm. Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro.
Chung quan điểm TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho biết, theo nguyên tắc tự nhiên của nền kinh tế thị trường thì ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải.
Theo TS Hiếu, để thực hiện phá sản ngân hàng, chúng ta phải xây dựng Luật Phá sản ngân hàng, dựa vào đó thực hiện các bước thẩm định, đánh giá tiến tới quyết định phá sản một ngân hàng yếu kém nào đó.
Hoàng Linh/Tạp chí SHTT
————–
Tin tức Việt Nam (Kinh tế) 16-11-2-017:
https://tintucvietnam.vn/thong-doc-le-minh-hung-len-tieng-ve-quyem-loi-nguoi-gui-tien-20686
(213/936)