(VOV.VN) – Sau 2 tuần cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, không ít các cửa hàng, và số đông dân chúng vẫn chưa biết về quy định này.
Dù Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, trong đó có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, đã có hiệu lực thi hành hơn nửa tháng nhưng không ít các cửa hàng, nhất là các cửa hàng nhỏ lẻ và số đông dân chúng vẫn chưa biết về quy định này.
Chủ 1 nhà hàng đang dán tem cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: Đình Thiệu |
Cửa hàng nhỏ không biết, siêu thị nhìn mặt đoán tuổi
Ngày 7/11, chị Thảo (Long Biên, Hà Nội) sai con (14 tuổi) đi mua rượu tại siêu thị mini Nhà Bè (chợ Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) vẫn thấy siêu thị này bán rượu cho trẻ mà không hỏi han gì.
Hỏi chuyện chị Thanh, nhân viên siêu thị về Nghị định 105, chị Thanh chia sẻ: “Chẳng thấy báo, đài tuyên truyền nhiều về nghị định này nên chúng tôi không nắm được. Thời gian tới, nếu cơ quan chức năng làm nghiêm, siêu thị chúng tôi sẽ tuân thủ quy định. Còn hiện nay chưa thấy nói gì, nếu siêu thị này tôi không bán thì phụ huynh lại sai con đi mua chỗ khác. Kinh doanh bây giờ khó khăn, cửa hàng mở ra như nấm, mình làm khó khách hàng, họ không mua hàng nữa có mà sập tiệm. Các cơ quan truyền thông nên tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nắm được tinh thần của nghị định, không sai con đi mua rượu hộ bố mẹ, như thế siêu thị không bị khó xử với khách hàng”.
Khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng tạp hóa có bán mặt hàng rượu, người bán hàng hầu như không biết về nghị định và họ cũng không quan tâm xem nghị định này xử phạt hành vi vi phạm ra sao. Họ cho biết, khi nào cơ quan chức năng chính thức thông báo và yêu cầu phải thực hiện thì họ mới thực hiện.
Khác với các cửa hàng nhỏ lẻ, một số siêu thị lớn đã có những động thái thực hiện. Chị Lan, nhân viên bán hàng tại Saigon Co.op (Cầu Giấy, Hà Nội) và chị Thủy, nhân viên thu ngân tại siêu thị Big C (Hà Nội) cho biết, hệ thống đã thông tin đến bộ phận kinh doanh, thu ngân không thanh toán hóa đơn cho trẻ tự đi mua rượu. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì thu ngân ở những siêu thị này cũng nhìn mặt mà đoán tuổi chứ chưa yêu cầu khách xuất trình thẻ căn cước công dân để kiểm tra khi khách mua rượu.
Với những trẻ còn nhỏ tuổi, thu ngân có thể nhìn mặt để đoán tuổi mà không thanh toán hóa đơn cho trẻ. Còn với những trẻ tầm 16 – 18 tuổi rất khó biết chúng đã trưởng thành hay chưa? Muốn biết tuổi chính xác chỉ có cách yêu cầu khách cho xem căn cước công dân, tuy nhiên, điều này chưa có trong quy định pháp luật nên gây khó khăn khi thực hiện.
Bà Kim Cúc, Công ty Cồn rượu Hà Nội (Halico) cho rằng, việc kiểm tra căn cước công dân cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng để thuận lợi cho người bán và người mua.
Cần quản lý tốt từ gốc
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TT&XH, Nghị định 105 là cần thiết để bảo vệ trẻ trước những tác động xấu và lâu dài tới thể chất, tinh thần và nhân cách sau này của trẻ.
Nghị định này cần phải được thực hiện gấp rút và nghiêm túc. Theo ông Nam, để nghị định này nhanh chóng đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội.
Các cơ quan chức năng cung cấp số điện thoại nóng và cắt cử người trực thường xuyên, đồng thời tích cực xử lý những thông tin tố giác của người dân thì mới có thể tạo niềm tin trong xã hội và răn đe các đối tượng khác.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, pháp luật hiện hành quy định khá chặt chẽ về sản xuất và kinh doanh rượu nhưng trên thực tế việc mua bán rượu bị buông lỏng. Phải đưa rượu vào danh sách mặt hàng cần phải kiểm soát đặc biệt, từ khâu sản xuất, phân phối đến sử dụng. Phải thắt chặt ngay từ khâu sản xuất, mỗi chai rượu có một mã số riêng để lập lộ trình từ nhà sản xuất đến nhà bán buôn, bán lẻ rồi đến người tiêu thụ. Đại lý bán lẻ kiểm tra căn cước công dân của người mua rượu. Điều này sẽ hạn chế người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia một cách tùy tiện. Ban đầu công việc này sẽ khó khăn nhưng nếu quản lý tốt từ gốc thì Nghị định sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, đã là quy định của pháp luật cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, nếu không mọi người sẽ nhờn luật./.
Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu: Khoản 5. Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động. (Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP).
Hành vi bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 – 1 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm (Nghị định 185/2013/NĐ-CP).
VOV.VN -Rượu bia có thể bị cấm bán tại quán karaoke, cấm bán và cấm uống đối với người dưới 18 tuổi, trong thời gian làm việc…
VOV.VN – Phải có một cơ chế tạo sức ép khiến người ta không thể uống được, bởi sẽ bị thải loại ra khỏi cuộc cạnh tranh ở cơ quan, doanh nghiệp.
Minh Thư/Báo TN
————–
VOV.vn (Xã hội) 18-11-2017:
(37/1.142)