(KTSG) – Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn không gian rất lớn để bùng nổ trong thời gian tới, theo một nghiên cứu của Viện Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế.
Cho vay tiêu dùng mới chỉ tương đương dưới 10% tổng dư nợ ngân hàng. Ảnh: TG |
Tại buổi tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu tổng quan” tại Hà Nội ngày 25-4, PGS.TS Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh cho biết, tỷ lệ cho vay tiêu dùng chỉ tương đương khoảng 5-10%/tổng dư nợ tín dụng hiện nay, còn nhỏ so với tỷ lệ lên tới 40-50% ở các nước phát triển.
“Thị trường cho vay tiêu dùng đến nay chưa đạt mức độ phát triển tương xứng với tiềm năng. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng khiêm tốn các tổ chức và sản phẩm tín dụng và tỷ lệ cho vay tiêu dùng”, ông nói. “Trong khi đó, thị trường tín dụng ngầm như hụi, họ… vẫn tồn tại và thu hút một số lượng không nhỏ người dân tham gia”, ông bổ sung.
Theo Báo cáo “Tổng quan về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Những thuận lợi và thách thức”, có tới 87% thị phần cho vay tiêu dùng thuộc về các ngân hàng thương mại, 12% thuộc về các công ty tài chính, và chỉ 1% thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Thùy Dung, Viện Quản trị Kinh doanh, tác giả báo cáo cho biết, ước tính trên là tương đối và đã loại trừ các kênh cho vay phi chính thức như hụi, họ, cầm đồ… và các cơ quan, tổ chức xã hội.
Bình luận tại cuộc tọa đàm, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quy mô cho vay của tín dụng cầm đồ có thể gấp hai lần so với thị trường chính thức.
Ông nói: “Tôi cho rằng, (trong thị trường tín dụng tiêu dùng) quy mô cho vay tín dụng cầm đồ phải là 70%, 30% còn lại là của các khoản kia (thị trường tín dụng chính thức)”.
Ông Đức giải thích, trước đây cho vay tiêu dùng rất hạn chế. Ngay cả Ngân hàng Chính sách gần đây mới cho vay tiêu dùng cho sinh viên và phụ nữ nghèo, nhưng không đáng kể.
Được hỏi sau đó về tỷ lệ này, Luật sư Đức cho biết đó là tỷ lệ ông ước tính. Ông giải thích, chỉ riêng trong một vụ án ngân hàng, tòa kết luận nhóm cho vay nặng lãi và phải nộp lại 9.000 tỉ đồng.
“Chỉ riêng một vụ án mà có con số cao như thế trong khi đó có bao nhiêu vạn hiệu cầm đồ trên cả nước. Chỉ một con phố ở Hà Nội đã có 30 tiệm cầm đồ, thì cả Hà Nội có bao nhiêu tiệm cầm đồ? Tôi tin là dư nợ của cầm đồ chắc chắn lớn hơn của tài chính”, ông Đức nói.
Ông nói: “Quy mô ấy chúng ta không kiểm soát được, nền kinh tế chung của chúng ta còn đang còn đang dự đoán là 30% là kinh tế ngầm. Tôi nói tỷ lệ 70% tín dụng đen là còn ít, chứ có thể còn cao hơn nữa”.
Cho vay tiêu dùng ngày càng dễ tiếp cận
Tiến sĩ Nguyễn Thùy Dung cho biết, các khoản vay tiêu dùng tại Việt Nam thường rất linh hoạt (từ 60 triệu đồng); thủ tục hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vòng 15 phút; lãi suất 1,49-1,6%/tháng, thậm chí là 0%; mô hình cho vay của các Công ty MobiVi, F88 đang rất phát triển. Tuy nhiên, cho vay lĩnh vực giáo dục, y tế chưa được khai thác.
“Đã có những thay đổi lớn trong thói quen người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng của tầng lớp thu nhập trung bình”, bà Dung nhận xét.
Tiến sĩ Hồ Chí Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị kinh doanh nhận xét thêm: “Tâm lý của bộ phận dân số trẻ ngày nay đã tân tiến và tự tin hơn nên họ có thể quyết định việc chi tiêu cởi mở hơn, sẵn sàng đi vay để phục vụ cho chi tiêu. Bên cạnh đó, các thế hệ trẻ hiện tự lập sớm hơn nên có nhu cầu mua sắm cho bản thân nhiều hơn”.
Tuy nhiên, theo khảo sát, đa số người được phỏng vấn vẫn giữ thói quen trông cậy vào người thân để vay tiền. Bên cạnh đó, có tới gần 99% người được phỏng vấn cho rằng, ngân hàng vẫn là một nguồn được người dân tin tưởng và sẵn sàng vay nhất và 66% sẵn sàng vay từ các ngân hàng; tới 93% người được phỏng vấn biết về tổ chức tài chính, song chỉ 31% sẵn sàng vay.
Tư Giang
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Tiền tệ) 25-4-2017:
http://www.thesaigontimes.vn/159408/Cho-vay-tieu-dung-con-nhieu-khong-gian-cho-tang-truong.html
(267/872)