(PL) – Việc tỉnh Phú Yên cho phá hàng trăm hecta rừng phòng hộ làm sân golf không chỉ trái quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 mà còn chưa hợp lý theo Luật Đầu tư .
Như chúng tôi đã thông tin trên Pháp Luật TP.HCM (số ra ngày 24-4), Quyết định 1946 ngày 26-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 quy định một trong những điều kiện quan trọng nhất để xây dựng sân golf là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.
Trả lời câu hỏi “Khi điều chỉnh dự án, tỉnh có đối chiếu với quyết định của Thủ tướng hay không mà vẫn cho sử dụng rừng phòng hộ làm sân golf?”, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên Nguyễn Lê Vũ cho rằng: “Dự án New City được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008, trong đó đã có sân golf. Còn quyết định của Thủ tướng ban hành năm 2009. Năm 2014, khi điều chỉnh dự án, tỉnh có đối chiếu với quyết định trên của Thủ tướng. Tuy nhiên, theo Điều 11 Luật Đầu tư (năm 2005, vì Luật Đầu tư 2014 phải đến tháng 7-2015 mới có hiệu lực – PV), với nguyên tắc bảo đảm đầu tư (trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách), nhà đầu tư không yêu cầu thì mình không được bỏ ra vì nó có trước. Đó là nguyên tắc bất hồi tố để bảo đảm đầu tư”.
Việc Phú Yên cho phá rừng phòng hộ xây sân golf đã phạm vào rất nhiều quy định. Ảnh: TẤN LỘC
Dự án sân golf ở Phú Yên buộc phải đáp ứng tiêu chí quy hoạch
Chúng tôi đã mang lập luận “bất hồi tố” này của ông Vũ trao đổi với một nguồn tin có thẩm quyền của Bộ KH&ĐT. Vị này cho hay ngay chính trong Quyết định 1946 trên của Thủ tướng đã nêu rõ: Đối với các dự án sân golf đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã triển khai xây dựng; dự án đã hoàn thành, đang hoạt động trước ngày quy định này có hiệu lực thì tiếp tục được hoạt động, đồng thời phải bổ sung các điều kiện theo đúng quy định này.
Còn đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nằm trong quy hoạch này nhưng chưa triển khai xây dựng thì phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện và tiêu chí của quy định này (điểm I khoản 4 Điều 1).
“Sân golf tại Phú Yên nếu đúng với những dữ kiện báo chí nêu mấy ngày qua sẽ nằm trong diện này” – nguồn tin nhận định.
Theo đó, nguồn tin này khẳng định việc sân golf mãi đến tháng 9-2014 mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và tháng 4-2015 mới khởi động, triển khai thì phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện và tiêu chí mà Quyết định 1946 đã nói. Trong đó việc phá rừng phòng hộ để xây dựng sân golf là không phù hợp với tiêu chí được quy định tại quyết định nói trên.
“Đó là chưa kể đến những yêu cầu khác như đánh giá tác động môi trường (ĐTM), vốn là một trong những tiêu chí rất quan trọng đối với phát triển xanh và bền vững” – vị này nhận định.
Nhiều bất hợp lý khác
Về việc ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, lấy Điều 11 Luật Đầu tư 2005 làm căn cứ để cho chủ đầu tư tiếp tục xây dựng sân golf, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng có nhiều điểm chưa hợp lý ở đây:
Thứ nhất, quyết định của Thủ tướng đã nêu rõ “đối với các dự án sân golf đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã triển khai xây dựng” thì mới được tiếp tục triển khai. Còn “đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nằm trong quy hoạch này nhưng chưa triển khai xây dựng thì phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện và tiêu chí của quy định này”. Như vậy dự án này không những không thuộc diện được giữ nguyên theo Luật Đầu tư mà còn thuộc diện bị thu hồi giấy phép vì chậm triển khai trong mấy năm.
Thứ hai, đây là trường hợp cần phải đáp ứng được các điều kiện tối thiếu để được hoạt động kinh doanh sân golf chứ không phải thuộc diện được hay không được hưởng ưu đãi đầu tư, vì các điều kiện đó không hẳn là việc ưu đãi.
Thứ ba, khoản 6 Điều 20 Luật Đầu tư 2005 quy định nghĩa vụ của nhà đầu tư là “Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”. Dự án sân golf Phú Yên đang cho triển khai nếu phải phá hàng trăm hecta rừng thì đã có yếu tố bảo vệ môi trường ở đây. Vì vậy trong mọi trường hợp, dự án này đều không thuộc diện được hưởng ưu đãi đảm bảo đầu tư kinh doanh.
Một hệ quả khác từ khoản 6 Điều 20 Luật Đầu tư 2005 là: Nhà đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005. Bởi Quyết định 1946 (năm 2009) của Thủ tướng cũng nêu rõ rằng: Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để quản lý hoạt động sân golf về môi trường của từng sân golf và phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Bộ TN&MT: Cho làm trước khi có đánh giá tác động môi trường là sai phạm! Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc Phú Yên phá rừng phòng hộ làm sân golf trong khi chưa làm các thủ tục cần thiết, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng: “Bộ TN&MT chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc đề nghị xem xét đánh giá tác động môi trường đối với dự án phá hơn 110 ha rừng phòng hộ để xây dựng sân golf ở Phú Yên”. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, về quy trình đánh giá tác động môi trường thì tất cả dự án, kể cả dự án làm sân golf ở Phú Yên đều phải có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai thực hiện dự án. “Bất cứ dự án nào chưa đánh giá tác động môi trường nhưng cho thực hiện dự án là sai quy định pháp luật về môi trường. Nếu chiếu theo thông tin báo chí phản ánh, việc làm như vậy khi thực hiện dự án này đã sai phạm. Việc này Bộ TN&MT sẽ đề nghị UBND tỉnh Phú Yên xử lý theo các quy định của pháp luật”. Ông Nhân nói thế và cho hay: “Bộ TN&MT sẽ nhóm họp về vấn đề này và sẽ tiến hành kiểm tra thực tế dự án. Ngoài ra Bộ TN&MT sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án khi chưa có ĐTM”. |
CHÂN LUẬN – ĐẶNG TRUNG
————-
Pháp luật TP HCM (Thời sự) 26-4-2017:
http://plo.vn/thoi-su/pha-rung-phong-ho-lam-san-golf-qua-nhieu-bat-on-698009.html
(266/1.298)