(GĐN) – Nhận thấy khó có cơ hội nhận lại số tiền đã đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy, nhiều hội viên tìm cách “bán tống, bán tháo” các mã sản phẩm với giá rẻ để “cắt lỗ”.
Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, có hơn 250.000 người đã được cấp các mã thành viên của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá, tổng số lượng thành viên từng tham gia theo hình thức “chân rết” của hệ thống đa cấp với mô hình hoạt động tinh vi này phải lên tới hơn 1 triệu người.
Có mặt tại trụ sở chính của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy nằm trên đường Đồng Bông, Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy – Hà Nội) trong 2 ngày (25 và 26/4), chúng tôi chứng kiến cảnh tượng người ra, vào khá tấp nập nhưng dưới sự giám sát, kiểm tra khá chặt chẽ của 4 nhân viên bảo vệ luôn túc trực tại cửa.
Theo đó, chỉ những người là thành viên của mạng lưới sau khi được kiểm tra thẻ mới được phép vào bên trong. Tiếp xúc với chúng tôi, một số người cho biết, họ đến trụ sở chính của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy để giao dịch, thanh lý hợp đồng theo lịch hẹn hoặc muốn lấy lại tiền sau khi nghe tin công ty xin chấm dứt hoạt động, song hầu hết những người này phải ra về tay không kèm theo tờ giấy cam kết…
Chiều 26/4, vẫn tấp nập người ra, vào trụ sở chính của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: T.G
Theo những người đã tham gia mạng lưới của công ty Thiên Ngọc Minh Uy, số tiền họ đã đóng vào công ty khá cao, thấp thì cũng vài chục triệu, cao lên tới vài tỷ đồng.
Ông N.V. P. ở quận Đống Đa, Hà Nội tâm sự, ông tham gia mạng lưới
1.1.1.1 bán hàng đa cấp
của Công ty từ năm 2015 theo gói dưỡng sinh. Tổng số tiền ông đã nộp vào Công ty này là trên 350 triệu đồng, song từ đó đến nay, ông P. vẫn chưa được “thoát thưởng” đồng nào. Đổi lại, những gì ông có chỉ là tấm thẻ hội viên, tờ giấy biên nhận tiền và chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.
“Khi tôi tham gia mạng lưới này, tôi được tư vấn 1 tháng Công ty sẽ “thoát thưởng” một lần nhưng người tham gia phải xếp hàng, đến lượt ai mới được lấy. Do có số tiền tiết kiệm dưỡng già, nghe nói gửi vào đây không phải làm gì mà lãi suất rất cao nên tôi đã giấu con mang đến công ty mua 300 mã.
Khi nghe tin công ty xin dừng hoạt động bán hàng đa cấp tôi vội vã lên hỏi thì được nhân viên ở đây giải thích Công ty chỉ tạm dừng hoạt động để chuyển sang hướng mới với quy mô hoành tráng hơn, còn chương trình mà tôi đang tham gia sẽ không được phép lấy lại tiền khi đang chạy dở dang. Tôi vô cùng lo lắng trước nguy cơ bị mất trắng nhưng cũng chỉ biết tự trách mình. Tất cả là tại lòng tham làm mờ mắt” – ông P. buồn rầu.
Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội thường xuyên phải có mặt tại khu vực trụ sở công ty Thiên Ngọc Minh Uy để xử lý tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định.
Bà N.T.T. đến từ Thọ Xuân – Thanh Hóa cũng cho biết, bà đã giấu gia đình đầu tư hơn 100 triệu đồng vào hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy để mua các gói chăm sóc sức khỏe.
“Họ nói sau hai năm, một mã 10 triệu có thể thu về 16 triệu mà không cần làm gì. Họ nói nhiều lần bùi tai và khiến tôi đầu tư vào nhiều lần, tổng số lên tới hơn 100 triệu đồng. Nghe tin công ty bị rút giấy phép, tôi rất hoang mang và không biết có lấy lại được tiền của mình hay không”, bà T. lo lắng.
Đây cũng là băn khoăn chung của không ít người đã trót đầu tư vào công ty đa cấp này. Theo nhiều nguồn tin, để lấy được tiền đã đầu tư vào doanh nghiệp này là cực khó, nếu may mắn lấy được cũng không còn đầy đủ, chỉ còn khoảng 30-40% số tiền.
Đáng lưu ý, trong khi dòng nhiều từ khắp các tỉnh thành ra trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Nội để xin rút lại tiền đầu tư thì tại khu vực đối diện với trụ sở công ty, một người phụ nữ đeo thẻ ghi dòng chữ “Siêu thủ lĩnh” liên tục nói lớn trước sự chứng kiến của nhiều người: “Các em phải hiểu là từ tổng công ty lớn thì đẻ ra 5 công ty con, sau này 5 công ty con phát triển thì tiền đổ về tổng công ty. Nhà chị lần đầu tham gia với số tiền 180 triệu, nhưng sau thấy lợi nhuận thật nên đầu tư hàng tỷ”.
Chỉ tay vào chiếc điện thoại, người phụ nữ này khoe ảnh đứng cạnh căn nhà với giá trị 4 tỷ đồng và nói: “Đấy, chị thay đổi cuộc sống hoàn toàn đây, chị nói thật với em, không có công ty này thì làm sao chị thay đổi được cuộc sống, chứ ở nhà đi cấy thì bao giờ mới có?”.
Thông tin cho rằng Thiên Ngọc Minh Uy sẽ trở thành tập đoàn và chuyển hoạt động kinh doanh đa cấp cho công ty con mang tên Nhã Khắc Lâm.
Chiều tối 26/4, chúng tôi gặp một cô gái tên Đ.Q. – người tự nhận đang môi giới bán thanh lý mã sản phẩm giá rẻ.
cho biết, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đang chuyển mình và sẽ do công ty con có tên công ty TNHH Nhã Khắc Lâm đảm nhận. Tuy nhiên nhiều hội viên không biết nên kéo nhau đến trụ sở đòi lại tiền đầu tư. Nếu thời điểm này mà mua lại các mã sản phẩm sau này sẽ giàu to (?).
Ngay sau đó, Q. liên hệ cho chúng tôi nói chuyện qua điện thoại với 3 người đang cần thanh lý các mã sản phẩm của Thiên Ngọc Minh Uy.
Người phụ nữ đầu tiên tên Liên cho biết mình còn nguyên 10 mã sản phẩm tại Thiên Ngọc Minh Uy. Người thân và bạn bè của bà cũng có hàng chục mã sản phẩm và sẵn sàng bán rẻ với giá 2,5 triệu đồng/mã.
Đ.Q. đang liên hệ đến các hội viên cần thanh lý sản phẩm với giá rẻ.
Tương tự, 2 người phụ nữ còn lại là Bảo và Hương cũng đồng ý “bán tống, bán tháo” các mã sản phẩm của Thiên Ngọc Minh Uy cho người có nhu cầu với giá bằng ¼ giá mua.
Được biết, sau khi rút giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trên toàn quốc (trụ sở chính tại đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Bộ Công Thương cũng tiến hành các giải pháp bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia vào hệ thống của Thiên Ngọc Minh Uy, đặc biệt là những người nông dân, người ở vùng sâu vùng xa.
Với những sai phạm của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chuyển hồ sơ điều tra sang Cục Cảnh sát
về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46 – Bộ Công an). Theo đó, C46 sẽ đánh giá tính chất của từng vụ việc, từng hành vi. Việc có xem xét xử lý hình sự hay không sẽ do C46 quyết định.
Liên quan đến câu hỏi của người dân về việc “liệu họ có lấy lại được tiền của mình sau khi Công ty Thiên Ngọc Minh Uy xin chấm dứt hoạt động”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Công ty đa cấp cũng giống như các loại hình đầu tư góp vốn kinh doanh khác, nếu doanh nghiệp có khả năng trả nợ được, họ sẽ trả nợ dần dần, còn trong trường hợp ngược lại, Công ty này sẽ phải tiến hành các thủ tục tương tự như phá sản doanh nghiệp, thanh lý thu hồi toàn bộ tài sản. Những chủ nợ có bảo đảm sẽ được ưu tiên trả trước. Tuy vây, thực tế cho thấy, những người tham gia mạng bán hàng đa cấp gần như mất trắng vì tài sản sau khi thanh lý của các công ty này rất ít.
Để lấy lại tiền, người dân tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp cần nhanh chóng làm đơn trình báo tới cơ quan chức năng, việc giải quyết sẽ theo thủ tục giải thể phá sản, doanh nghiệp. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được sẽ tiến hành kiện ra tòa (kiện theo thủ tục đòi nợ thông thường hoặc kiện theo thủ tục phá sản). Do số lượng người tham gia đông, số tiền tranh chấp lớn nên thời gian giải quyết những vụ việc như thế này thông thường kéo dài từ 3-5 năm.
Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Cao Tuân – Trần Tuấn
————-
Gia đình & Xã hội (Xã hội) 26-4-2017:
(252/1.652)