(VOV GT) – Nhiều hành khách không ít lần phải giật mình, thót tim khi chứng kiến cảnh tài công vừa lái tàu bằng chân, vừa “thả hồn theo mây gió”…
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật, bất chấp những quy định về an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện đang ở mức báo động ở cả đường bộ lẫn đường thuỷ, đặc biệt trong vận tải hành khách. Nếu trên đường bộ, hành khách đã nhiều lần hoảng sợ khi chứng kiến cảnh tài xế vừa mải mê nghe điện thoại, vừa điều khiển vô lăng bằng chân thì trong giao thông đường thuỷ, người ta cũng không ít lần phải giật mình khi chứng kiến cảnh tài công vừa lái tàu bằng chân, vừa “thả hồn theo mây gió”.
Trong khi dư luận vẫn chưa hết lo lắng về tình trạng mất an toàn giao thông đường thuỷ sau vụ tai nạn chìm tàu tại biển Gành Hào – Bạc Liêu làm 3 người chết, nhiều người bị thương thì mới đây trên mạng xã hội lại xuất hiện đoạn clip được cho là tại một bến phà ở Cà Mau, tài công đã vô tư thể hiện “tài năng” của mình với cách lái phà bằng hai chân trước sự ngỡ ngàng, hoang mang tột độ của hành khách đi phà.
Một số người dân chia sẻ: “Tôi thấy việc làm này rất nguy hiểm cho hành khách. Tôi nghĩ các tài công nên có ý thức hơn trong việc lái phà, bởi rất nhiều tính mạng con người cần được sự an toàn. Theo tôi các tài công không nên chủ quan, lơ là như thế này được”. Một người khác cho biết: “ Trên phà thường có rất nhiều người và phương tiện nên phà rất dễ chao đảo, nếu chủ quan sẽ rất dễ gây tai nạn. Các tài công nên chấp hành luật giao thông đường thủy không được lơ là chủ quan trong việc điều khiển các phương tiện. Việc lái phà bằng chân của tài công là hành vi thiếu trách nhiệm đối với tính mạng của người tài công cũng như là những hành khách”.
Nghe các ý kiến tại đây:
Đó là ý kiến của một số người dân bày tỏ quan điểm của mình về hành động lái phà bằng chân của tài công – người nắm giữ tính mạng của nhiều hành khách trên chuyến phà trong đoạn clip đang gây bức xúc cộng đồng mạng hiện nay. Đoạn clip được hành khách ghi lại tại bến phà ấp Đường Kéo, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Theo phản ánh, đây là bến phà nằm ở vị trí sông sâu, nước chảy xiết nhưng tài công lại lái vô lăng bằng chân trong nhiều giờ, hành khách cảm thấy bất an và nhiều lần nhắc nhở nhưng tài công vẫn không mấy quan tâm. Lượng hành khách trên mỗi chuyến phà rất đông, kèm theo nhiều loại phương tiện nên phà sẽ dễ chao đảo, chỉ cần mất cảnh giác, lơ là sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Chưa bao giờ hành khách lại hoang mang khi phó mặc tính mạng của mình cho tài công đến vậy.
Đề cập về hành vi này, Chánh văn phòng Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, ông Nguyễn Trọng Thái chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng đây là hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa khi điều khiển phương tiện. Vi phạm này cần phải xử lý nghiêm minh. Rõ ràng cái ý thức, nhận thức của tài công này chưa tốt, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông thuỷ nội địa. Việc này cần chấn chỉnh kịp thời. Các chủ đò, chủ phương tiện cần phải giáo dục, nhắc nhở, nâng cao nhận thức cho người điều khiển phương tiện”.
Ông Nguyễn Trọng Thái nói:
Đây không phải là tài công duy nhất với “tài năng” lái phà bằng chân ở nước ta, bởi trước đó, dư luận cũng đã nhiều lần lên án với những kiểu “tài năng” như vậy. Điển hình như ngày 6/7/2016 tại cảng quốc tế Tuần Châu, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trên chiếc tàu vỏ gỗ có tên Thắng Lợi 68 ra thăm vịnh Hạ Long, du khách đi tàu đã hoảng hồn khi chứng kiến cảnh trong buồng lái, người tài công lái tàu nằm xuống chiếc giường dùng chân để điều khiển phương tiện.
Không chỉ vậy, hành khách còn bức xúc về tình trạng không có ghế ngồi, chủ tàu đã cho thêm nhiều hành khách lên bong tàu bất chấp số lượng người vượt quá sức chứa cho phép. Con tàu gỗ này có 8 hàng ghế, theo quy chuẩn 6 người một hàng ghế, như vậy, chỉ có thể đáp ứng chỗ ngồi tiêu chuẩn là 48 hành khách nhưng số người có mặt trên tàu lúc này là hơn 60 người. Chính sự chủ quan, xem thường an toàn tính mạng hành khách của người lái tàu mà chiếc tàu đã va chạm mạnh với một tàu khác đang cập cảng. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng cũng khiến hàng chục du khách hoảng loạn. Và chắc chắn rằng vẫn còn rất nhiều những trường hợp như vậy trên thực tế ở nhiều chuyến phà ngang, đò dọc khắp nơi. Đó quả là những câu chuyện đáng buồn về ý thức và văn hóa khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường thủy của một số tài công hiện nay.
Nói về tình trạng mất an toàn và sự chủ quan, lơ là, bất chấp pháp luật của người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, ông Đỗ Trung Học – trưởng phòng Phòng tàu sông Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Hoạt động đường thuỷ thì nó diễn ra ở sông, cho nên việc tuần tra kiểm soát thì không đủ lực lượng để kiểm tra toàn bộ được hết các khu vực như vậy. Cho nên, việc tuyên truyền cũng chưa đến nơi, việc kiểm tra, xử lý, nhắc nhở bà con thì cũng chưa thực hiện tốt, người tham gia giao thông bằng đường thuỷ thì cũng chưa ý thức được hết mức độ của phương tiện”.
Ông Đỗ Trung Học cho biết:
Đứng ở góc độ pháp lý, LS Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng chính sự chưa nghiêm minh, lỏng lẻo trong quản lý là nguyên nhân dẫn đến “nhờn luật” của người điều khiển phương tiện hiện nay.
LS Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi nghĩ rằng, bây giờ, cái quan trọng nhất là trách nhiệm, vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Chế tài đã có rồi, quy định đã có rồi nhưng để áp dụng trên thực tế thì phải ráo riết, quyết liệt, mạnh mẽ thì mới có thể bắt người ta thực hiện. Khi xảy ra một vấn đề gì đó thì mình phải xử lý những người, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm. Có thể những việc khác bị mà không xử lý, việc này xử lý thì nó sẽ không công bằng nhưng nếu không bắt đầu từ đâu cả, không xử lý thì sẽ luôn luôn, mãi mãi nó tồn tại như vậy. Cái việc xử lý phải thật nghiêm khắc, không phải chỉ phải xử lý nhưng người trực tiếp mà cả những bộ phận, những cơ quan giám sát trực tiếp. Chỉ cần vài vụ như thế thôi, lần sau sẽ tuân theo răm rắp”.
LS Trương Thanh Đức bày tỏ:
Những chuyến phà ngang, đò dọc đã trở nên quen thuộc và được xem là phương tiện hữu ích để vận chuyển người và hàng hóa, xe cộ sang sông. Vậy nhưng, hiểm nguy vẫn ngày ngày rình rập trên những chuyến hành trình dọc xuôi sông nước và tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa ở một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Câu chuyện tài công dùng chân lái phà đưa khách sang sông ở Cà Mau hay vừa nằm vừa điều khiển phương tiện ở Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh là những hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan, lơ là, xem thường tính mạng và pháp luật của người điều khiển phương tiện. Nắm trong tay sự an toàn của hành khách, đòi hỏi người tài công phải có nhiều kinh nghiệm, cũng như luôn có trách nhiệm, nâng cao ý thức hơn nữa trong việc cầm lái của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ở nước ta mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch phân bố dày đặc, nên hệ thống giao thông đường thủy nội địa thực sự là thế mạnh. Là phương tiện di chuyển hằng ngày, nhưng lại ít được sự quan tâm đúng mức, thế nên tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa vẫn ở mức cao và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân tai nạn đa số xuất phát từ chính ý thức của người lái tàu, lái ghe trong việc không chấp hành các quy định nghiêm ngặt về an toàn giao thông. Hiện nay, những người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy của Nhà nước, hay các doanh nghiệp lớn vận tải đường dài, về cơ bản đều được đào tạo bài bản, có trình độ văn hóa, chính trị cũng như pháp luật khá tốt nên ít xảy ra tai nạn. Nhưng ngược lại, đối với những phương tiện nhỏ của tư nhân, vận chuyển đường ngắn, những chuyến phà, chuyến đò ngang thì trình độ văn hoá cũng như nhận thức còn thấp, vì vậy nguy cơ tiềm ẩn tai nạn xảy ra rất cao.
Trước tình hình trên đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng liên ngành trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh thường xuyên, liên tục. Muốn đảm bảo an toàn giao thông, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nâng cao ý thức thuyền viên khi điều khiển phương tiện. Và để làm được điều đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư, cho chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Dịp nghỉ lễ nhân kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Ngày quốc tế lao động (1/5) tới đây, người dân sẽ được nghỉ dài ngày, các chuyến phà, chuyến đò sẽ hoạt động với công suất dày đặc hơn để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Và cũng không ít người sẽ chọn những điểm du lịch sông nước để tham quan, nghỉ ngơi trong những ngày hè nắng nóng. Như vậy, lượng hành khách đi lại bằng giao thông đường thủy sẽ tăng lên so với những ngày thường. Chính vì thế, công tác đảm bảo an toàn giao thông cho người dân cần được quan tâm hơn. Các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý các phương tiện giao thông đường thủy cần tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp lái tàu vi phạm những quy định về điều khiển phương tiện, buộc chủ phương tiện phải ngừng hoạt động nếu cố tình vi phạm.
Chánh văn phòng Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia – ông Nguyễn Trọng Thái lưu ý khi tham gia giao thông bằng đường thuỷ nội địa: “Trước hết đối với chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện cần phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về đảm bảo an toàn đường giao thông đường thuỷ nội địa, kể cả các quy tắc giao thông, phương tiện, trang thiết bị, điều kiện của người điều khiển phương tiện. Đối với người dân, khi lựa chọn phương tiện, phải lựa chọn phương tiện đủ điều kiện, được cấp phép để vận tải, chuyên chở hành khách, tránh các phương tiện gia dụng, không được phép chở người, chở khách du lịch.
Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, trong phạm vi quản lý thì cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ các phương tiện đường thuỷ, phương tiện chở khách. Phát hiện kịp thời và xử lý các phương tiện vi phạm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa như chở quá số lượng quy định, không có giấy phép. Vận động chủ đò, chủ bến, chủ phương tiện, người tham gia giao thông chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ, có các biện pháp tránh xảy ra tai nạn, đặc biệt trong các thời điểm mưa bão, lễ hội”.
Những lưu ý của ông Nguyễn Trọng Thái:
————
VOV Giao thông 27-4-2017:
(238/2.231)