(KTĐT) – Thời gian gần đây, một số ngân hàng lại tăng phí ATM, gây ra nhiều tranh cãi mà một phần do phía người tiêu dùng vẫn còn mù mờ về phí dịch vụ.
Khách hàng mù mờ về phí
Hàng tháng dùng thẻ ATM, chị Đoàn Kim Thanh (Đống Đa, Hà Nội) mặc định bị trừ 2 khoản phí: Phí thường niên và phí duy trì dịch vụ SMS banking vào đầu tháng và cuối tháng. Thế nhưng giữa tháng 4 vừa qua, chị bỗng nhiên bị trừ thêm 5.500 đồng. Thắc mắc hỏi tổng đài, nhận được giải thích đó là phí dịch vụ Internet Banking – một dịch vụ mà chị Thanh chưa hề đăng ký.
Khi nghe câu chuyện này, không ít người giật mình vì mấy ai để ý ngân hàng trừ tiền như thế nào khi hàng tháng có rất nhiều khoản phí được ngân hàng tự động trừ vào tài khoản…
Rất nhiều người nhận lương qua thẻ ATM cho biết họ không có sự lựa chọn khác bởi thẻ do cơ quan mở, trường hợp của chị Hằng là một ví dụ. Chị cho hay, cứ có tiền trong tài khoản là rút hết để tiêu dần. “Thực ra chi tiêu cho đời sống hàng ngày, hiếu hỉ, rồi tiền học cho con… dùng thẻ đâu có tiêu được? Tự nhiên hàng tháng lại gánh thêm tiền nuôi thẻ…”, chị Hằng tâm sự.
Theo thống kê, một chiếc thẻ ATM đang phải chịu hàng chục loại phí, từ phí phát hành, phí thường niên, phí phát hành lại, phí chuyển khoản, phí rút tiền, SMS banking… Mỗi ngân hàng có nhiều sản phẩm thẻ khác nhau, chính sách thu phí cũng đa dạng. Trong khi có những ngân hàng như Vietcombank, DongA Bank, ACB miễn phí phát hành nhưng phí duy trì số dư tài khoản là 50.000 đồng, BIDV thu phí duy trì thẻ là 50.000 đồng, chưa kể phí thường niên là 33.000 đồng. VCB và BIDV, MB hiện áp mức phí rút tiền nội mạng là 1.100 đồng/giao dịch, ngoại mạng 3.300 đồng/giao dịch. Maritimebank phí thường niên là 50.000 đồng, Techcombank phí chuyển khoản tối thiểu 11.000 đồng…
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân hay ngân hàng nước ngoài lại thu phí cao hơn… Thẻ tín dụng của HSBC phí thường niên cũng tùy loại, từ 350.000 đồng đối với thẻ chuẩn và 1,2 triệu đồng cho thẻ Bạch kim. ANZ thu phí từ 350.000 đồng trở lên cho một năm.
Khách hàng giao dịch tại cây ATM |
Chất lượng có cải thiện?
Một chuyên gia về thẻ ngân hàng cho rằng, cần phải thu phí ATM vì ngân hàng phải bỏ tiền ra để đầu tư máy móc khoảng 400 – 600 triệu đồng/máy. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải có chi phí lắp đặt, bảo trì, an ninh… Tất cả chi phí đó nếu không được bù đắp thì rất khó.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét, nhiều loại phí được các NH triển khai khác nhau. Một số ngân hàng miễn phí dịch vụ này nhưng lại thu phí dịch vụ khác, cũng có ngân hàng thu phí cao hơn bình quân với lý do tự cho là… có chất lượng phục vụ tốt. Đại diện các NH thừa nhận một số ngân hàng miễn phí dịch vụ này nhưng lại thu dịch vụ khác cao hơn. Trong đó, mỗi ngân hàng lại có chính sách thu khác nhau. Có ngân hàng thu phí tối đa theo khung quy đinh của NHNN, có ngân hàng lại thu thấp hơn nhằm thu hút khách hàng. Ông Lực nhấn mạnh, các ngân hàng muốn tính toán thế nào thì tùy nhưng vẫn phải trong khung quy định của NHNN, được phép thu loại phí nào và không được phép thu loại phí nào.
Nhưng thu phí sao cho người dân cảm thấy không bị phiền toái, dù các khoản phí này không đáng bao nhiêu. Các NH có thể tính toán lại chi phí hoạt động để không phải đi thu phí tủn mủn như hiện nay. “Với quy định số dư tối thiểu trong tài khoản mà không tính lãi suất, các ngân hàng cũng đã thu phí một cách tinh vi từ khách hàng rồi, đâu cần phải tận thu các khoản phí nhỏ nhặt khác”, luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ATM thì việc phải trả phí là bình thường. Song cần xem xét yếu tố tiện ích cho người sử dụng thẻ ATM. “Tăng phí thì chất lượng dịch vụ của ATM có tốt không? Trong khi đó, chất lượng dịch vụ ATM lại có vấn đề. Ví dụ như hết tiền, ngưng cung cấp do nghẽn mạng, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Thế nhưng phí ATM lại liên tục tăng”.
Theo Thông tư 35/2012/TT-NHNN về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, từ 1/3, các NHTM được phép áp dụng biểu phí dịch vụ thẻ với mức rút tiền nội mạng tối đa 1.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT); đến năm 2014, mức phí này tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng phải chi trả tối đa 3.000 đồng/giao dịch. Còn phí vấn tin tài khoản, in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản tối đa 500 đồng/lần (nội mạng) đến 800 đồng/lần (ngoại mạng).
Có thể thông cảm là các NH phải đầu tư hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin để phục vụ người sử dụng thẻ, thế nhưng các loại phí hiện nay quá nhiều, gây ngán ngại cho người sử dụng thẻ, tác động không tốt đến chủ trương khuyến khích người dân giao dịch qua NH, hạn chế sử dụng tiền mặt.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Trung Minh
Kinh tế & Đô thị 27-4-2017:
(92/1.024)