(VOV) – Luật không cấm việc doanh nghiệp thành lập mới và đây chính là kẽ hở nên khả năng Thiên Ngọc Minh Uy tiếp tục “hồi sinh” là rất cao.
Sau khi Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) đột ngột nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, hiện tại, nhiều thông tin cho thấy, hành động này chỉ là nước cờ để TNMU chuyển hoạt động đa cấp cho công ty con mang tên Nhã Khắc Lâm.
Có phải “ve sầu lột xác”?
Bộ Công Thương mới đây đã công bố quyết định rút giấy phép hoạt động của Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) vì những sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Thông tin này nhận được sự đồng tình từ dư luận.
Ngày 25/4, trên fanpage TNMU đã đưa ra phát ngôn: Thiên Ngọc vẫn tồn tại. (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, TNMU đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để TNMU giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp. Như vậy, thực chất là TNMU chủ động chấm dứt hoạt động của mình chứ không phải công ty này bị cơ quan quản lý “xóa sổ”.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có phải TNMU tự xin chấm dứt để chuyển hoạt động sang công ty khác như “bài” TNMU đã “diễn” trong hơn 10 năm trước dưới tên Sinh Lợi trước đây?
Năm 2006, Sinh Lợi bị rút giấy phép, nhưng không “chết” một ngày nào. Rất nhanh chóng, ban lãnh đạo đã “thay vỏ” Sinh Lợi bằng tên TNMU. Và lo lắng này không phải là không có cơ sở vì ngay ngày 25/4, trên fanpage TNMU đã đưa thông tin: “Nếu chúng ta không mạnh dạn thay đổi thì không thể làm tốt hơn được… Giờ gom các công ty về một mối thì sẽ có lý do và hợp thức hóa được việc đưa một phần lợi nhuận của các công ty kia vào các chương trình tiền thưởng của Thiên Ngọc. Thế nên, Tập đoàn Thiên Ngọc chuyển đa cấp cho Nhã Khắc Lâm là sự lựa chọn mang tính lịch sử. Sẽ có người đón nhận nó, sẽ có người không chấp nhận, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Thiên Ngọc vẫn tồn tại và sự nghiệp của chúng ta tiếp tục”.
Thông báo này cũng nêu rõ: “Ai có mạng lưới thì vẫn làm bình thường” đồng thời kêu gọi các thành viên tham gia thêm các hoạt động đầu tư.
Đánh giá về việc TNMU có khả năng “hồi sinh”giống như Sinh Lợi trước đây hay không, các chuyên gia đều cho rằng, luật không cấm việc doanh nghiệp thành lập mới và đây chính là kẽ hở. Cho nên khả năng TNMU tiếp tục “hồi sinh” là rất cao.
Coi chừng mất trắng
Theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp, công ty kinh doanh đa cấp khi tuyên bố tạm dừng kinh doanh hoặc bị rút giấy phép kinh doanh phải có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền nhận trong quá trình tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp và các quyền lợi theo hợp đồng cũng như quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp.
Cùng với quyền lợi đó, người tham gia bán hàng đa cấp có thể yêu cầu công ty mua lại hàng hoá mà họ đã mua theo hợp đồng phân phối đã ký với công ty. Tuy nhiên, trên thực tế để doanh nghiệp mua lại hàng hóa và trả tiền hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia là rất khó đảm bảo.
Trao đổi với PV về nghi vấn TNMU có thể “hồi sinh” bằng cái tên Nhã Khắc Lâm, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là việc pháp luật không cấm và chính là lỗ hổng của luật. Vì thế, vị chuyên gia này đề nghị cần sớm bổ sung quy định nếu một doanh nghiệp tái phạm lỗi đã bị xử phạt thì phải rút giấy phép vĩnh viễn hoặc rút giấy phép trong thời gian dài…
VOV.VN – Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để Công ty Thiên Ngọc Minh Uy giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, rất dễ có sự “biến tướng” vì lợi nhuận từ kinh doanh đa cấp rất lớn. Song, ông Đức cũng cho rằng, nếu cơ quan chức năng quản lý chặt, sâu sát thì sẽ không xảy ra tình trạng “biến tướng” này. Bởi theo luật, khi bị rút giấy phép, nếu thành lập doanh nghiệp mới sẽ không được phép kế thừa cái cũ và người cũ cũng không được tham gia vào bộ máy của doanh nghiệp mới.
Đối với quyền lợi của người tham gia, theo ông Đức, nếu TNMU bị xử lý hình sự thì phải bồi thường cho người tham gia và nộp lại tiền cho Nhà nước. Nếu không bị xử lý hình sự thì chỉ là giải thể bình thường và quyền lợi của người tham gia sẽ bị mất trắng. Trong trường hợp này, người tham gia có thể khởi kiện ra toà án để yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ./.
Ánh Phương/Báo TNVN
VOV.VN (Kinh tế) 28-4-2017:
http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nghi-van-da-cap-thien-ngoc-minh-uy-dang-bien-tuong-618649.vov
(174/978)