(ĐBND) – Theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 5.12 tới, sổ đỏ sẽ đề tên các thành viên trong gia đình, thay vì chỉ ghi tên vợ chồng chủ hộ như trước. Theo các luật gia và chuyên gia lĩnh vực đất đai, quy định này sẽ không phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho dân, mà ngược lại góp phần làm minh bạch hơn quyền của các thành viên trong gia đình.
Người dân lo lắng
Theo quy định mới của Thông tư 33/2017, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất, thay vì chỉ ghi tên 1 – 2 người, thường là cá nhân hoặc vợ và chồng như hiện nay. Cụ thể, ghi hộ gia đình gồm ông (hoặc bà), ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ, tiếp theo là lần lượt thông tin về những thành viên còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Không ít người dân tỏ ra lo lắng, cho rằng quy định này sẽ gây ra nhiều bất cập trong việc xác định, điều chỉnh thông tin của các thành viên hộ gia đình. Chị Trần Thị Diệu Thúy, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Theo từ ngữ tại Thông tư 33 về việc thêm tên các thành viên khác trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi hiểu khi chuyển nhượng hay thực hiện các quyền, từ quyền sử dụng đất, phải có sự đồng ý của tất cả thành viên trong giấy chứng nhận đó. Điều này sẽ gây khó khăn cho các bên trong quan hệ pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất, đặc biệt là quan hệ mua – bán. Ngoài ra, có thể phát sinh những rắc rối trong việc xác định công sức đóng góp của từng người con trong tài sản chung đó do cha mẹ để lại.
Không gây phiền hà cho dân
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: Quy định ghi tên các thành viên trong gia đình chỉ áp dụng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà trong đó con là thành viên. Hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai là một chủ thể trong các chủ thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, những trường hợp cấp giấy chứng nhận mang tên hộ gia đình phải bảo đảm các yếu tố có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng và cùng sống chung, có tài sản, công sức đóng góp chung vào hình thành nên tài sản đó. |
Trao đổi về vấn đề này tại tọa đàm “Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận: Ngôn từ, cách ghi của Thông tư 33/2017 đúng là sẽ dẫn đến một hệ quả pháp lý, vì ai là người sẽ thừa nhận những người này trong hộ gia đình là có quyền sử dụng đất chung. Song, thực chất Thông tư 33 không có gì thay đổi, mà chỉ là hướng dẫn cụ thể hơn tinh thần của Luật Đất đai 2013 để người trong ngành thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch. Việc làm này sẽ giúp cơ quan nhà nước quản lý về đất đai cũng như tài sản gắn liền với đất dễ dàng hơn, chứ không hề làm phát sinh thủ tục cũng như gây phiền hà cho người dân.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Mục đích của việc ghi thêm các thành viên trong gia đình có quyền sử dụng đất trong sổ đỏ là biện pháp để giảm thiểu tranh chấp. Điều này sẽ thể hiện minh bạch hơn quyền của các thành viên trong gia đình đối với tài sản là đất, nhà. Bởi thực tế đã có không ít tranh chấp giữa vợ và chồng khi không phải chủ thể chung của một tài sản là đất đai. Thông tư này rất cần thiết, vì nó cụ thể hóa Luật Đất đai để người dân dễ thực hiện, để cụ thể hóa và để bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong hộ gia đình đối với tài sản là đất đai. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn một số bất cập: Hộ gia đình trong trường hợp này là một chủ thể theo quy định của Luật Đất đai, còn các trường hợp như cá nhân hoặc vợ chồng đứng tên trong sổ đỏ lâu nay thì không điều chỉnh bởi Thông tư 33. Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể nhất, nhưng ở góc độ nào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có hướng dẫn, xác định các thành viên, tiêu chí xác định các thành viên… Mặc dù Luật Dân sự, Luật Đất đai đã quy định cụ thể vấn đề này, nhưng để triển khai trên thực tế sẽ vẫn còn những vướng mắc nhất định.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng: Để khắc phục những hiểu lầm không đáng có từ Thông tư 33, giải pháp là khoanh lại trường hợp cấp giấy cho hộ gia đình. Ví dụ trước đây đã giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64, thì những ai có tên trên quyết định giao đất sẽ có tên trong giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình. Đối với các trường hợp khác, không nên dùng khái niệm là hộ gia đình đứng ra nhận chuyển quyền sử dụng đất. Nếu là tài sản chung của hai vợ chồng thì cấp giấy cho hai vợ chồng, thủ tục đơn giản và không dẫn đến hệ quả pháp lý có liên quan đến khiếu nại về lợi ích.
Bảo Hân
—————–
Đại biểu nhân dân (Pháp luật) 27-11-2017:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=398763
(378/1.068)