(ANTĐ) – Theo quy định, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, nhưng hiện nay hầu như 100% các cơ sở cầm đồ đều vi phạm mức lãi suất này.
Cần có quy định hợp lý hơn về lãi suất cho vay cầm đồ để ngăn chặn nguy cơ vi phạm pháp luật
Theo thống kê, chỉ tính riêng Hà Nội hiện đã có khoảng 1.700-2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Theo các chuyên gia, hoạt động cầm đồ chiếm một tỷ lệ lớn trong thị phần vay tiêu dùng tại Việt Nam với thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhất trong các hình thức cho vay tiêu dùng.
Nhận thấy “mảnh đất màu mỡ” này, đã có doanh nghiệp lớn đầu tư vào hoạt động cầm đồ với chuỗi hệ thống rộng khắp, thậm chí đã thu hút được những quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn. Tuy nhiên, cùng với việc quản lý lỏng lẻo, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, phù hợp khiến hoạt động này luôn có nguy cơ… phạm luật.
Lãi suất “cắt cổ”
Liên hệ với nhân viên F88 – một mô hình cầm đồ được cho là chuyên nghiệp và lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với chuỗi 15 cửa hàng trên toàn quốc để được tư vấn về việc cầm đồ, chúng tôi được cho biết tổng mức lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ dao động ở mức 4,5-7,5%/tháng. Cụ thể, với nhu cầu cầm cố 1 chiếc ô tô, nhân viên ở đây cho biết khách hàng có thể vay được số tiền bằng 80% tổng giá trị chiếc xe, đồng thời chịu mức tổng mức lãi suất, bao gồm lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ là 4,5%/tháng (tương đương 54%/năm – PV).
Còn nếu cầm cố giấy tờ xe, khách sẽ được vay tối đa 50% giá trị xe và chịu mức lãi suất 7,5%/tháng (tương đương 90%/năm). Mức lãi suất cao chót vót này được giải thích là do việc cầm cố giấy tờ xe tiềm ẩn nhiều rủi ro và “anh chỉ cầm cố giấy tờ mà xe vẫn được đi nên lãi suất phải cao hơn”, nhân viên F88 nói.
Bộ luật Dân sự 2015 không giới hạn lãi suất của tổ chức tín dụng, chỉ có điều khách hàng chấp nhận hay không. Trong khi lãi suất cho vay ngoài tổ chức tín dụng, cho vay cầm đồ kể cả những công ty hợp pháp trước 1-1-2017 chỉ áp dụng mức không quá 13,5%/ năm; sau 1-1-2017 thì tối đa là 20%.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế ngân hàng[1]
Đó là tại hệ thống cầm đồ chuyên nghiệp bậc nhất tại Việt Nam. Còn hiện nay, các hiệu cầm đồ khác đều công khai quảng cáo mức lãi suất 1.000-2.500 đồng/1 triệu /ngày (7,5%/tháng), nhưng trên thực tế mức lãi suất cho vay có thể lên đến 5.000 đồng/1 triệu/ngày.
Trong khi đó, theo Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tại Nghị định 02/CP năm 1995 và Thông tư liên bộ 02TT/LB hướng dẫn Nghị định 02/CP quy định lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2% tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày[2].
Như vậy, có thể thấy hầu hết các hiệu cầm đồ hiện nay đều vi phạm các quy định của pháp luật. Và, thực tế thì ngay cả các đơn vị cầm đồ được cho là chuyên nghiệp nhất hiện nay, có vẻ như cũng chỉ khác các hiệu cầm đồ thông thường ở cơ sở vật chất hoành tráng, hệ thống tổ chức bài bản hơn, nguồn vốn dồi dào chứ về cơ chế cho vay, tính lãi không hề “nhẹ nhàng” hơn là bao, nếu không muốn nói còn có phần “nặng” hơn.
Để “lách” các quy định pháp luật về lãi suất cầm đồ, các doanh nghiệp đều niêm yết mức lãi suất ở mức không vượt quá mức quy định của pháp luật. Tuy nhiên để hợp thức hóa các cơ sở này sẽ tính vào các khoản phí như phí thẩm định, phí lưu giữ tài sản cầm cố… khiến mức lãi suất thực tế bị đẩy lên gấp 4-5 lần lãi suất cho vay.
Đánh giá về mức lãi suất tại các đơn vị cầm đồ, chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín cho rằng đây là mức quá cao – “Lãi suất 7,5%/tháng, tương đương 90%/ năm là quá cao. Tất nhiên, việc cho vay cầm cố giấy tờ thì mức độ rủi ro cao hơn cho vay thế chấp, vì vậy không thể áp dụng mức lãi suất như lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên lên đến 90%/năm là mức khó chấp nhận”.
Quy định pháp luật chưa phù hợp
Theo các chuyên gia, hoạt động cầm đồ là nhu cầu tất yếu của xã hội nhằm đáp ứng cho những khách hàng có nhu cầu tín dụng nhỏ lẻ, thậm chí vài trăm nghìn đồng (mà công ty tài chính không đáp ứng được), đồng thời cho vay cầm đồ cũng góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo nhìn nhận của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế ngân hàng thì hoạt động cầm đồ có thể chiếm đến 70% hoạt động cho vay tiêu dùng trong nước, thậm chí còn hơn – “Cứ nhìn vào một đoạn đường ngắn tại Hà Nội có đến mấy chục hiệu cầm đồ thì có thể dễ dàng hình dung quy mô hoạt động này như thế nào”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức này, hoạt động cầm đồ cũng như các hoạt động cho vay tiêu dùng khác, nếu “dùng đúng liều lượng”, tỉnh táo thì không có hại, ngược lại rất tốt khi cung cấp nhu cầu tài chính kịp thời, nhanh gọn mà các ngân hàng, công ty tài chính không đáp ứng được. Tuy nhiên hiện nay, ngoài việc quản lý các hiệu cầm đồ còn chưa thực sự chặt chẽ thì chúng ta cũng đang thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng, đảm bảo sự cạnh tranh, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như chính đơn vị cho vay.
Đặc biệt, về vấn đề lãi suất, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng hiện nay với hoạt động cho vay tiêu dùng, quy định pháp luật không khống chế mức lãi suất đối với các tổ chức tín dụng. Nhưng với hệ thống cho vay cầm đồ, hiện nay đã có những hệ thống cho vay rất bài bản, không khác gì các công ty tài chính nhưng lại bị áp mức lãi suất không quá 20%.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2005 từng quy định lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản, nhưng không quá 13,5%/năm (vì lãi suất cơ bản là 9%/năm theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Đồng thời, Bộ luật này cũng quy định lãi suất cho vay ngoài tổ chức tín dụng có thể cao hơn 1,5 lần ngân hàng.[3]
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trên thực tế mấy năm gần đây, nhìn chung lãi suất cho vay của các ngân hàng không quá 20%/năm. Tuy nhiên, riêng lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng thì lại phổ biến trong khoảng 20%-35%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở mức 20%-40%, có khi lên đến 50%-70%. Vì vậy, nếu phải áp dụng trần lãi suất cho vay 20% của Bộ luật Dân sự, thì sẽ rất phi thực tế và trái ngược với nguyên tắc tự do hóa lãi suất đã được thừa nhận trong ngành ngân hàng và nền kinh tế thị trường.
Và điều quan trọng, quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 đã gây ra tình trạng bất hợp lý giữa các chủ thể cho vay. “Lãi suất cho vay bên ngoài tổ chức tín dụng, trong đó có lãi suất cho vay cầm đồ, thực tế thường phải cao hơn hoặc ít nhất cũng phải ngang bằng với mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng trong quy định này lại không khống chế tổ chức tín dụng, trong khi đó khống chế lãi suất vay ngoài tổ chức tín dụng ở mức thấp, bất hợp lý, không phù hợp thực tế. Nếu không giải quyết điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ hoạt động cho vay ngoài tổ chức tín dụng, cho vay cầm đồ luôn luôn có nguy cơ bất hợp pháp”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Để giải quyết bài toán này, theo TS. Bùi Quang Tín, cần có một quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động cầm đồ riêng, vì Bộ luật Dân sự bao giờ cũng có đường nhường cho các luật chuyên ngành – “Nếu không có quy định riêng thì hầu hết các cơ sở cho vay cầm đồ hiện nay đều vi phạm quy định tại Bộ luật Dân sự”.
Theo các chuyên gia, để điều chỉnh hoạt động cầm đồ thì ngoài việc có những quy định pháp luật cụ thể, phù hợp, mức lãi suất quy định hợp lý, chặt chẽ thì công tác quản lý cũng cần sát sao, tránh tình trạng quy định thì chặt nhưng quản lý thì lỏng, dẫn đến lãi suất cho vay thì thấp nhưng khách hàng lại bị cộng những khoản chi phí “giời ơi đất hỡi” khiến lãi suất thực tế ở mức “cắt cổ” như hiện nay.
An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 07-5-2017:
http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/100-co-so-cam-do-vi-pham-quy-dinh-lai-suat/727066.antd
(694/1.729)
[1] Sai.
[2] Đã hết hiệu lực.
[3] Sai, BLDS 1995 mới quy định như vậy và tất cả đã hết hiệu lực