(TBKD) – Cấm “sếp lớn” ngân hàng làm chủ doanh nghiệp chưa hẳn đã giải quyết được tình trạng sở hữu chéo mà có thể dẫn đến rủi ro sở hữu chéo phức tạp hơn nếu sếp ngân hàng từ chức ở doanh nghiệp nhưng thuê người vào vị trí này và vẫn điều hành phía sau.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung liên quan đến việc “siết” sở hữu chéo dù có nhiều sửa đổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, vẫn còn những kẽ hở đòi hỏi cơ quan quản lý phải tăng cường thanh tra giám sát, nếu không, tình trạng sở hữu chéo sẽ biến tướng tinh vi và khó kiểm soát hơn.
Bao nhiêu đại gia ngồi “ghế nóng”
Điều 34 quy định về chức danh của lãnh đạo ở ngân hàng trong các điểm sửa đổi và bổ sung Luật TCTD nêu rõ cấm Chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc ngân hàng làm lãnh đạo công ty khác kể từ ngày 15/1/2018.
Tính sơ bộ trên thị trường hiện nay có đến 10 “sếp lớn” ngân hàng đang làm lãnh đạo tại doanh nghiệp của mình.
Cụ thế, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn T&T; ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank, kiêm Chủ tịch Him Lam; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) kiêm Chủ tịch Tập đoàn BRG; bà Thái Hương – Ngân hàng Bắc Á…
Thương hiệu Doji và Diana gắn liền với Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank Đỗ Minh Phú. Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB và Thành viên HĐQT công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Thành viên HĐQT công ty Cổ phần Thực phẩm xanh…
Ngoài ra, nhiều người biết đến ông Vũ Văn Tiền trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, CMC Group hơn là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình. Hay, ông bầu Võ Quốc Thắng nổi tiếng trong lĩnh vực bóng đá với chức vụ Chủ tịch của Đồng Tâm và Ngân hàng Kiên Long…
Thời hạn để thực hiện quy định này không còn lâu. Hiện đã có một số “sếp lớn” lên tiếng sẽ chọn ngân hàng. Chẳng hạn, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank đồng thời Chủ tịch HĐQT công ty Him Lam, trả lời dứt khoát: “Tôi sẽ thôi chức chủ tịch bên công ty Him Lam để tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, ông Minh nói.
Trong khi đó, một số lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa đưa ra được quyết định chính thức trong việc lựa chọn chiếc “ghế nóng” cho mình. Trả lời báo chí, ông Võ Quốc Thắng, đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng KienglongBank cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đồng Tâm, cho biết việc ông chọn “ghế” nào sẽ được trao đổi và quyết định trong cuộc họp với các cổ đông lần tới.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, quy định này nhằm thắt chặt hơn tình trạng sân sau của các cổ đông. Tuy nhiên, sở hữu chéo có thật sự minh bạch hơn vẫn là câu hỏi khó cho ngành ngân hàng.
Những kẽ hở này NHNN vẫn có thể khắc phục được bằng cách kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát việc sở hữu của các cổ đông.
Lo “đứng tên hộ”
Theo quy định mới, ngoài chức danh Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Luật cũng cấm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung lại không cấm chức danh phó chủ tịch HĐQT ngân hàng và thành viên HĐQT đảm nhận chức danh chủ chốt ở các công ty sân sau.
Theo các chuyên gia, đây chính là kẽ hở để những “sếp lớn” dễ dàng lách luật. Theo đó, chỉ cần “giảm chức” từ chủ tịch xuống phó chủ tịch là lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn có thể làm ông chủ các công ty sân sau mà không sợ phạm luật.
Ngoài ra, chuyên gia tài chính ngân hàng và luật, Ts.Ls Bùi Quang Tín cho rằng hầu hết những “ông chủ” doanh nghiệp đều bỏ nhiều tâm huyết, công sức để gây dựng thương hiệu của riêng mình, vì thế, để họ từ bỏ là điều không dễ dàng.
“Những ông chủ thực sự sẽ không cần phải đứng tên, mà thuê người đứng tên hộ nhưng thực chất họ vẫn điều hành đằng sau”, ông Tín nói.
Theo Ls Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI những kẽ hở này NHNN vẫn có thể khắc phục được. Đó là cần phải kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát việc sở hữu của các cổ đông. Qua quá trình theo dõi, khi phát hiện được thì nên áp dụng các biện pháp mạnh tay xử lý ngay.
Thời gian qua, NHNN cũng đã ban hành những tiêu chuẩn, tiêu chí bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc hoặc danh sách ứng cử vào HĐQT rất chặt. Tuy nhiên, việc thẩm tra phải được thực hiện một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Có như vậy, tình trạng sở hữu chéo mới sớm được chấm dứt.
Huyền Anh
—————–
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 28-11-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Nguy-co-so-huu-cheo-bien-tuong-46080.html
(62/1.046)