(DĐDN) – Vào thời điểm này, có thể nói đã thấy cửa thắng trong cuộc chiến trường kỳ với giấy phép con của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh của Bộ Công Thương khá thoải mái khi thừa nhận có sự không tin tưởng về con số 675 điều kiện kinh doanh sẽ cắt giảm mà Bộ Công Thương đã công bố hồi tháng 9/2017.
“Dư luận khá bất ngờ trước quyết định này, nên họ đọc rất kỹ để xem có thực sự như vậy không”, ông Khánh nói.
Giải tỏa nghi ngờ
Cũng phải nói thêm, những hoài nghi về con số này không phải không có căn cứ. Ngay khi Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018, đã có những phát hiện về sự trùng lắp, thậm chí có những điều kiện đã được thông báo xóa bỏ, nhưng vẫn có trong phụ lục đính kèm Quyết định 3610a/QĐ-BCT.
Đã có chuyên gia như Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI còn kỳ công ngồi đếm và cho rằng, con số thực chất ít hơn khá nhiều khi có tình trạng nhiều đầu mục điều kiện kinh doanh được gộp thành 1 dòng, thay vì 4-5 gạch đầu dòng…
“Chúng tôi khẳng định, đây là lỗi trong quá trình in ấn, lấy bản cũ kèm vào chứ không phải là bản mới. Chúng tôi khẳng định những điều kiện tuyên bố bãi bỏ chắc chắn sẽ bãi bỏ, chính xác là 675 điều kiện kinh doanh”, ông Khánh nhấn mạnh rất rõ ràng.
Không những thế, ông Khánh còn cho biết, Bộ Công Thương đang hoàn tất các thủ tục để có thể trình Chính phủ trước ngày 30/11/2017 Dự thảo Nghị định sửa nhiều nghị định về điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương theo thủ tục rút gọn, thay vì phải sửa ít nhất 16 nghị định nếu theo quy trình thông thường.
“Hiện nay chúng tôi đã gửi Dự thảo sang Bộ Tư pháp thẩm định” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cung cấp thông tin một cách chi tiết.
Vấn đề không chỉ nằm ở con số
Nếu không có gì quá bất thường, ngay trong đầu năm 2018, những cam kết của Bộ Công Thương sẽ được kiểm chứng ngay bằng văn bản cụ thể khi nghị định sửa nhiều nghị định về điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương được Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn chưa hẳn an tâm.
“Chúng tôi sẽ là người đếm và giám sát danh mục các điều kiện kinh doanh đề xuất cắt giảm tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT. Tôi nghĩ cần nhiều người rà soát, giám sát để đảm bảo quyết định bãi bỏ điều kiện kinh doanh này là thực chất”, ông Cung nói.
Đương nhiên, việc giám sát này dựa trên các tiêu chí cũng đã được công khai của Luật Đầu tư và các tiêu chí do chính Bộ Công Thương đưa ra và đã nhận được nhiều đồng thuận. Đó là tiêu chí xây dựng điều kiện kinh doanh thì cố gắng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; lưu ý đến các cam kết quốc tế của Việt Nam; nếu tiếp tục duy trì điều kiện kinh doanh thì các điều kiện đó phải đáp ứng tiêu chí Điều 7 Luật Đầu tư 2014; lưu ý đến tính khả thi cũng như nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tức là không phiêu lưu mà cũng không cắt giảm để lấy tiếng mà chú ý đến tính khả thi của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đó; gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Ông Cung là một trong những chuyên gia đầu tiên mở màn cuộc chiến với giấy phép con cách đây gần 20 năm, vào năm 1999. Nhưng cũng chính ông chứng kiến sự tái sinh của không ít giấy phép con đã từng được liệt kê trong danh sách bãi bỏ trước đó.
“Quyết định 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ giấy phép trái quy định Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ gần hết về giấy phép kinh doanh của ngành giao thông – vận tải, nhưng sau đó khôi phục hết lại và mọc thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác. Tương tự một số lĩnh vực khác cũng như vậy, suốt cả quá trình tôi suy nghĩ làm thế nào để hạn chế được việc mọc tiếp các điều kiện kinh doanh” – ông Cung chia sẻ mối lo.
Lý do, theo ông Cung, đó là cách thức quản lý vẫn theo tư duy đặt ra những điều kiện để tiền kiểm, nên cho dù có cắt giảm được điều kiện này thì cũng sẽ đẻ ra điều kiện khác. “Bởi đó là nhu cầu của quản lý nhà nước theo tư duy tiền kiểm. Cứ xuất hiện hoạt động kinh doanh mới là có nhu cầu quản lý, sẽ có điều kiện mới nếu không thay đổi tư duy và cách thức quản lý Nhà nước” – ông Cung nói.
Vẫn cần áp lực chính trị
Trong đề xuất các giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018, ông Cung cho rằng, năm 2018 vẫn phải là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Phần việc cần tập trung nhất thời điểm này là hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ. Đây là cách nhanh nhất để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu rủi ro và chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và doanh nghiệp….” – ông Cung nói.
Lâu nay, điều kiện kinh doanh không phù hợp vẫn là vấn đề nhức nhối, vì nó làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, triệt tiêu những sáng kiến kinh doanh, làm giảm quy mô và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.
Có thể nhắc tới yêu cầu doanh nghiệp sau 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa.
Nếu không có điều kiện này, doanh nghiệp có thể đi thuê kho bãi hay máy móc thiết bị, như vậy, sẽ lại xuất hiện một hình thức kinh doanh mới là cho thuê. Có nghĩa là, việc cắt giảm điều kiện trên vừa khiến các doanh nghiệp giảm chi phí gia nhập thị trường, đồng thời chia sẻ rủi ro kinh doanh…
Nhưng, sự thay đổi này lại đang đối mặt với không ít phản kháng, khi mà sẽ có nhiều quyền lợi bị mất đi do chuyển từ tiềm kiểm sang hậu kiểm không chỉ nằm ở cơ quan công quyền mà chính ở các doanh nghiệp đang hưởng lợi do giới hạn thị trường. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là rào cản tốc độ và chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện tại ở nhiều bộ, ngành.
Hiện tại, ngoài Bộ Công Thương, mới có thêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh (chiếm 34,2%). Các bộ Giao thông – Vận tải, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa – Thể thao và Du Lịch đã công bố rà soát nhưng chưa có phương án cắt giảm, sửa đổi. Số bộ chưa có thông tin về kế hoạch rà soát, cắt giảm, sửa đổi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh còn khá nhiều.
Phần việc cần tập trung nhất thời điểm này là hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ
“Tôi cho rằng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần gây áp lực hành chính mạnh mẽ trong thực hiện yêu cầu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh với thời hạn là trong quý II/2018. Nếu không hoàn thành thì phải công khai phê bình, để có sự giám sát từ cộng đồng, chứ không thể phê bình nội bộ được”, ông Cung đề xuất.
Rõ ràng, cửa thắng trong cuộc chiến với giấy phép con khá sáng, nhưng vẫn cần thêm sức ép từ trên xuống.
Minh Anh
—————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 09-12-2017:
(55/1.541)