(TBNH) – Nên phân khúc khách hàng thành những nhóm khác nhau, sẽ giúp cho công ty tài chính tiêu dùng cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu, khả năng trả nợ khách hàng.
Báo cáo mới đây của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố cho thấy tín dụng hệ thống NH đang được đẩy nhanh. Trong đó, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Cho vay phục vụ mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%, cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.
Giá trị tín dụng tiêu dùng ước đạt tới 10% tổng GDP tính đến năm 2020, tương ứng khoảng 20 tỷ USD |
Con số trên phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng lên. Và cho dù lãi suất vay tiêu dùng luôn cao hơn so với tín dụng thông thường nhưng điều này dường như không phải là mối bận tâm quá lớn với người tiêu dùng. Nhưng với các TCTD thì khác, khi tín dụng tiêu dùng ngày càng được đẩy mạnh, chắc chắn mức độ cạnh tranh ở thị trường này sẽ càng khốc liệt. Đặc biệt các công ty tài chính tiêu dùng đang tập trung nguồn lực ở khu vực thành thị, hoặc các khu công nghiệp với dân số chỉ chiếm khoảng 40% tổng dân số cả nước.
Nhìn nhận về điểm này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam nhận thấy: Việc mở rộng tín dụng tiêu dùng tại khu vực nông thôn có thể là hướng đi mới, giúp các công ty tài chính gỡ được nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài, dù đòi hỏi rất nhiều đột phá và sáng tạo. “Với sự thiếu hụt các dịch vụ tài chính toàn diện cũng như sự hiện diện của hệ thống các NH, các công ty tài chính tại khu vực nông thôn, người dân đa phần tìm đến thị trường tín dụng đen hoặc thông qua các tiệm cầm đồ để tiếp cận được nguồn vốn vay”, Phó Tổng giám đốc EY cho hay.
Chia sẻ trường hợp điển hình ở Ấn Độ, bà Dương cho biết: Từ năm 2000 đến năm 2004, công ty Hindustan Lever (thuộc Tập đoàn Unilever) phối hợp với các nhóm phụ nữ tự trị tại các ngôi làng để thực hiện dự án Shakti nhằm thuyết phục cũng như đào tạo thành viên của các nhóm phụ nữ này thành các cán bộ bán hàng phân phối sản phẩm Unilever.
Theo đó, công ty đã tiếp cận được hơn 70 triệu lượt khách hàng nông thôn. Việt Nam có tới hơn 10.000 hợp tác xã nông nghiệp, nếu hợp tác với hợp tác xã hoặc các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để tiếp cận và mở rộng khách hàng sẽ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tăng mở rộng thị phần, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của dân cư tại khu vực nông thôn.
Trao đổi thêm với các chuyên gia kinh tế, hầu hết đều đồng tình rằng việc mở rộng thị phần, thu hút khách hàng là mục tiêu hàng đầu. Nhưng cùng với đó, quản lý rủi ro tín dụng vẫn phải được “khắc cốt ghi tâm”, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho các công ty.
Một trong những giải pháp được chuyên gia chia sẻ là nên phân khúc khách hàng thành những nhóm khác nhau, sẽ giúp cho công ty tài chính tiêu dùng cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu, khả năng trả nợ khách hàng. Việc triển khai Dữ liệu lớn (Big Data) chứa đựng những thông tin về lịch sử tín dụng của mỗi khách hàng cũng là giải pháp đã và đang được các công ty tài chính tiêu dùng triển khai, giúp đánh giá chính xác hơn về khách hàng trước khi ra quyết định cho vay.
Không chỉ sử dụng các công cụ đánh giá truyền thống về mức độ tin trưởng trong tín dụng khách hàng, nhiều công ty còn sử dụng các mô hình thống kê để xây dựng hồ sơ về thói quen tiềm năng của khách hàng cũng như những nghiên cứu thống kê hành vi khách hàng dựa trên các đặc điểm nhân khẩu học như giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, thu nhập…và quản lý rủi ro, không chỉ từ phía người cho vay, mà bản thân mỗi khách hàng đi vay cũng phải đặc biệt lưu tâm khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ: Tự nguyện ký vào hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã đồng ý với tất cả điều khoản trong hợp đồng, nhất là về thời hạn trả nợ lãi suất trong hạn cũng như quá hạn. Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả mức nợ mà họ không hề nghĩ đến. Lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán… tương đối cụ thể, rõ ràng nhưng người vay ít quan tâm, không đọc kỹ sẽ không hiểu. Đến khi phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm, tức áp mức lãi quá hạn thì khách hàng mới “giật mình”.
Lãnh đạo một công ty tài chính cho rằng, trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc khả năng tài chính cá nhân và khả năng thanh toán khoản vay. Bởi sự chủ động của khách hàng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng. Mặt khác, khách hàng cần yêu cầu đơn vị cho vay cung cấp đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến hợp đồng vay và đảm bảo các giấy tờ trên được gửi đến nơi cư trú của mình sau khi đăng ký và ký hợp đồng vay tiêu dùng nhằm tránh các rủi ro tranh chấp về sau.
Khuê Nguyễn
—————–
Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 11-12-2017:
http://thoibaonganhang.vn/tin-dung-tieu-dung-mo-rong-song-hanh-voi-an-toan-chat-luong-70807.html
(141/1.118)