1.650. Cần “để mắt” tới tín dụng tiêu dùng

(TN) – Mặc dù mức lãi suất luôn cao hơn so tín dụng thông thường, nhất là khi khoản vay được cung cấp bởi các công ty tài chính (CTTC), nhưng do thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp nên nhiều khách hàng vẫn lựa chọn tín dụng tiêu dùng (TDTD), khiến dư nợ lĩnh vực này không ngừng gia tăng.

Nhiều người lựa chọn tín dụng tiêu dùng cho nhu cầu mua sắm bởi thủ tục vay đơn giản. Ảnh: N.NAM

Tại TP Hồ Chí Minh, theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, dư nợ TDTD trên địa bàn tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, giai đoạn từ 2012 – 2016, bình quân dư nợ TDTD của TP Hồ Chí Minh tăng từ 20 – 22% mỗi năm. Về con số cụ thể, riêng 10 tháng đầu năm 2017, dư nợ TDTD chiếm 12,2% trong tổng số hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ của cả thành phố, tương đương 250.000 tỷ đồng.

Số liệu từ Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cũng cho thấy, TDTD tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (CVTD) tăng khoảng 58,6% so cuối năm 2016. Cho vay phục vụ mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%, cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.

Hiện có hai phân khúc rõ rệt trong TDTD. Khách hàng của ngân hàng là chuẩn, trong khi khách hàng của CTTC là dưới chuẩn, không quan tâm nhiều tới “tài sản thế chấp”, phương án trả nợ, do vậy cần có những dịch vụ chuyên biệt, đặc thù và lãi suất cho vay cũng cao hơn. Chính mức lãi suất CVTD tín chấp cao gấp nhiều lần khoản vay thế chấp thông thường, nhất là ở các CTTC đã đưa TDTD trở thành một kênh kinh doanh hấp dẫn.

Trên thị trường hiện tại, bốn CTTC gồm: FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance, vốn nắm đến 80% thị phần TDTD, đang tích cực chạy đua trong việc hình thành liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi một số NHTM đã và đang mua lại CTTC để chuyển đổi chức năng hoạt động và đẩy mạnh CVTD. Sở dĩ lãi suất CVTD tín chấp của các CTTC thường cao hơn so các NHTM, thậm chí có thể lên đến 70%/năm, là do chi phí vốn của CTTC cao khi không có chức năng huy động vốn. Bên cạnh đó, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của CTTC được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau tùy vào chất lượng hồ sơ khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, tự nguyện ký vào hợp đồng vay TDTD đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã đồng ý với tất cả điều khoản trong hợp đồng, nhất là về thời hạn trả nợ lãi suất trong hạn cũng như quá hạn. Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả mức nợ mà họ không hề nghĩ đến. Lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán… tương đối cụ thể, rõ ràng nhưng người vay ít quan tâm, không đọc kỹ sẽ không hiểu. Đến khi phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm, tức áp mức lãi quá hạn thì khách hàng mới “giật mình”.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế – tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, người dân cần tính toán kỹ và nếu không có nhu cầu thật sự thì không nên sử dụng vốn CVTD tín chấp, bởi lãi suất ở mức cao. Bên cạnh đó, cần chú ý rủi ro nợ xấu nếu ồ ạt đẩy mạnh TDTD.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, TDTD tăng có điểm tích cực, bởi người dân đã đẩy mạnh chi tiêu và điều này tốt cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, việc TDTD tăng mạnh cũng sẽ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, nhất là khi dòng vốn này chảy vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Việc đẩy mạnh cho vay của các CTTC có thể khiến nợ xấu của khối này cao hơn nợ xấu của khối NH. Trong khi nợ xấu của NH phần nhiều là có tài sản bảo đảm nên có cơ sở để xử lý, còn với các khoản nợ xấu không có tài sản bảo đảm thì rơi nhiều vào CTTC, vì phần lớn khoản CVTD là tín chấp, điều này tạo rủi ro cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, bất cứ một nền kinh tế nào, trong một năm mà tăng trưởng tín dụng của một lĩnh vực đạt hơn 10% đều được coi là tăng nhanh, đồng nghĩa rủi ro lớn. Việc TDTD tại Việt Nam đã tăng tới gần 60% chỉ trong 11 tháng là quá nhanh, cơ quan quản lý cần phải giám sát chặt chẽ hơn để bảo đảm các CTTC kinh doanh trong mức độ rủi ro hợp lý. Ở các nước phát triển, tỷ lệ nợ xấu của các CTTC chỉ là 1%, còn ở các nước đang phát triển, tỷ lệ nợ xấu từ 3-5% là cao song vẫn chấp nhận được, nhưng nếu hơn 5% là trong tình trạng báo động.

Về vấn đề này, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, công tác thanh tra tài chính tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng sẽ được NHNN tăng cường trong thời gian tới để bảo đảm hoạt động CVTD của các CTTC tiêu dùng là minh bạch, đúng pháp luật. Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước về tiêu dùng, NHNN đã có nhóm giải pháp riêng để cơ cấu lại các CTTC, cũng như hoạt động tài chính tiêu dùng.

ĐẶNG HÀ MY

—————–

Thời nay (Kinh tế) 18-12-2107:

http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/35035502-can-%E2%80%9Cde-mat%E2%80%9D-toi-tin-dung-tieu-dung.html

(137/1.111)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,975