(TN) – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, bà Thái Hương thừa nhận vượt rào Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 “từ lâu rồi” và “đang từng bước làm đúng quy định”.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã cấm cá nhân sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ ngân hàng và tổng số cổ phần của nhóm cổ đông liên quan không vượt 20%, nhưng trên thực tế, nhiều cổ đông ngân hàng vẫn cứ vượt rào.
Bà Thái Hương thừa nhận vượt rào Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 “từ lâu rồi” và “đang từng bước làm đúng quy định”.
Đơn cử trường hợp bà Thái Hương, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á. Theo báo cáo quản trị ngân hàng 6 tháng đầu năm 2013, một trong những báo cáo hiếm hoi ngân hàng này công bố, bà Thái Hương nắm giữ tới 6,99% vốn điều lệ, vượt giới hạn sở hữu cổ phần theo luật hiện hành.
Không chỉ thế, nhiều người thân trong gia đình bà cũng đang là cổ đông của ngân hàng này. Cụ thể, bà Thái Thị Lương nắm giữ 0,2%; bà Thái Thị Thanh Bình nắm giữ 0,34%; ông Thái Duy Đô, thành viên Hội đồng quản trị, nắm giữ 0,51%; bà Thái Thị Thành nắm giữ 3,05%. Tính chung, 5 cổ đông đã sở hữu tổng cộng 11,09% vốn của ngân hàng.
Trao đổi với PV, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay luật quy định cá nhân sở hữu cổ phần không vượt quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng là để “tránh lạm dụng”.
Trong nhiều cuộc hội thảo, các chuyên gia khác cũng đã cảnh báo việc cá nhân và nhóm người liên quan sở hữu cổ phần lớn vượt quy định sẽ dễ dàng nắm quyền kiểm soát, thâu tóm ngân hàng. Chẳng hạn, dễ có chuyện ngân hàng ưu tiên “bơm” vốn cho các công ty của ông chủ, bà chủ vượt giới hạn cho phép, mà tình trạng nợ xấu của nhóm này sẽ rất khó xử lý. Thiếu minh bạch, kinh doanh vì lợi ích nhóm, che giấu sai phạm… là những rủi ro được cảnh báo trong mô hình ngân hàng “gia đình trị”.
“Từ lâu rồi”
Sáng nay (15/5), trao đổi với PV Báo điện tử Tầm Nhìn, bà Thái Hương cho hay việc đó “có từ lâu rồi và tôi đang từng bước làm đúng quy định”. Nữ doanh nhân này từ chối bình luận về giải pháp giảm bớt tỷ lệ sở hữu ở BacAbank.
Theo một số chuyên gia ở lĩnh vực này, việc các cổ đông lớn giảm bớt tỷ lệ sở hữu chỉ là hình thức, còn thực tế, cổ phần vẫn do họ nắm quyền kiểm soát. Một trong những chiêu phổ biến là chia nhỏ cổ phần, sang tên cho người thân như con ruột, con dâu/rể… đứng tên để “né” quy định giới hạn 5%. Hoặc chuyển nhượng cổ phần sang công ty con do cổ đông hoặc người thân đứng tên.
Số khác tìm cách tăng vốn điều lệ, sao cho tỷ lệ sở hữu của cổ đông “tụt” xuống mức trên dưới 5%. Chẳng hạn, bà Thái Hương nắm giữ tới 6,99% vốn điều lệ của Ngân hàng Bắc Á, nếu kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng đạt được trong năm 2014, thì tỷ lệ sở hữu sẽ giảm còn khoảng 5,67%.
Có vẻ như bà Thái Hương đang áp dụng chiêu tăng vốn điều lệ. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 trình cổ đông vào đại hội thường niên (vào ngày 15/4 vừa qua), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành 50 triệu cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 5.000 lên 5.500 tỷ đồng.
Hình thức tăng vốn bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu (khoảng 40 triệu cổ phần), phân phối lợi nhuận lũy kế (khoảng 6,2 triệu cổ phần) và chào bán riêng lẻ (khoảng 3,8 triệu cổ phần). Số cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2017.
Bơm vốn cho công ty của bà chủ?
Theo yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị BacA Bank không được chào bán cổ phiếu cho cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt quá tỷ lệ quy định như bà Thái Hương.
Tuy nhiên, dư luận xôn xao rằng bà Thái Hương vẫn lợi đơn lợi kép khi “vượt rào” thông qua việc ưu tiên “bơm” vốn cho công ty riêng của mình.
Cuối năm 2014, ngân hàng Bắc Á vẫn còn nắm giữ 7% vốn, tương đương 253 tỷ đồng tại TH True Milk – nơi bà Thái Hương là Chủ tịch HĐQT.
Dù một năm sau đó, vào cuối năm 2015, ngân hàng này đã thoái hết vốn tại CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk), nhưng hậu quả để lại là năm 2016, khoản nợ có khả năng mất vốn của nhà băng lên tới gần 304 tỷ đồng.
Thoái sạch vốn khỏi TH True Milk, kết quả kinh doanh của BacABank khởi sắc hơn hẳn. 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 271 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỷ đồng.
Đến quý I/2017, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 311 tỷ đồng, tăng 15%. Về các hoạt động kinh doanh khác, kết quả có sự khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Ví dụ hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 7,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 16 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 17 tỷ…
Tuy vậy, tính đến hết ngày 31/3 vừa qua, tổng nợ xấu của ngân hàng là 400 tỷ đồng, chiếm 0,81% trên tổng dư nợ.
Điều đó cho thấy những cảnh báo từ các chuyên gia nêu trên không phải là không có cơ sở.
Gia Bảo
—————-
Tầm nhìn (Kinh doanh) 15-5-2017:
http://www.tamnhin.net.vn/ba-thai-huong-toi-dang-tung-buoc-lam-dung-quy-dinh-d1004.html
(41/1.087)