(LĐ) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK). Đây được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giá GDLK, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế.
Tuy nhiên, mục tiêu là vậy nhưng việc siết chặt các điều kiện đã đi khá sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tác động trực tiếp vào chi phí kinh doanh khiến cho nhiều DN lo lắng, bởi nếu không được hướng dẫn cẩn thận ở thông tư quy định chi tiết thì sẽ gây ra những khó khăn, bất lợi cho DN trong nước.
Nghị định 20 về quản lý chống chuyển giá hiện đang khiến cho nhiều doanh nghiệp phải lo lắng. Ảnh: P.V
Đòn “điểm huyệt” đối với các doanh nghiệp đang khát vốn
Hiện nay, nhiều DN trong nước bày tỏ lo ngại NĐ 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con. Trong khi thực tế chuyển giá hiện nay chủ yếu tập trung ở khối DN nước ngoài do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn DN trong nước thì có chung một mặt bằng thuế nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp. Bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn cao đều là những DN mới nên thời gian để có lãi từ hoạt động kinh doanh dài (thường là từ 3 đến 5 năm) chưa kể chi phí tài chính nên sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng do vậy trong thời gian đầu tư sẽ phải dùng nhiều vốn vay từ công ty mẹ và các công ty khác trong tập đoàn hiện quy định tại NĐ 20 khống chế tỉ lệ lãi vay/EBITDA không quá 20% sẽ làm giảm khả năng tạo lợi nhuận của DN do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Từ đó, khiến cho DN tốn kém chi phí vốn, làm giảm sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong nước khác.
Chị Hương – đại diện cho công ty TNHH Hirose Hà Nội, một công ty có giao dịch liên kết với Nhật Bản cho biết, doanh nghiệp chị mới thành lập mới được hơn 3 năm, trong báo cáo tài chính vẫn đang báo lỗ thì việc khống chế này khiến cho DN gặp phải khó khăn chẳng hạn như bình thường tất cả các chi phí lãi vay đó mình sẽ được trừ. Nếu trường hợp DN cần mở rộng mô hình kinh doanh DN sẽ phải cân nhắc xem nếu mà vay thì vừa bị gạt ra khỏi chi phí được trừ mà lại phải vừa đóng thuế cái tạo ra lợi nhuận không nhiều để bù đắp cái phần chi phí bên DN phải chịu người ta cũng phải tiết chế hơn việc có nên đầu tư không?, công ty mẹ có nên rót vốn về đây cho công ty con đi vay hay không?”.
“Ngoài ra, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị loại 2 lần tại 2 công ty”, đại diện DN này bày tỏ.
Nỗi lo tự buộc mình
Một điểm bất lợi trong NĐ 20 đó là đã không tính đến yếu tố vô hình chung đã làm mất cơ hội tập trung nguồn lực, đầu tư dài hạn để phát triển quy mô của DN trong nước. Việc siết chặt chi phí vốn trên từng giao dịch cụ thể cũng sẽ làm giảm sức mạnh chung và khả năng gia tăng quy mô, tạo lợi nhuận dài hạn của các DN, gây cản trở quá trình tiếp cận các nguồn vốn vay từ bên ngoài, dẫn đến hoạt động kinh doanh của DN càng trở nên khó khăn hơn và không thể phát triển hoặc mở rộng.
Anh Nguyễn Anh Tuấn – Cán bộ tín dụng Ngân hàng Sacombank (Hà Nội) cho biết, việc giảm vay vốn của DN với ngân hàng vô hình chung đã làm giảm khả năng phát triển của các ngân hàng trong nước. Các DN cần nhiều vốn vay sẽ hạn chế mở rộng sản xuất và lượng cho vay của các ngân hàng sẽ bị giảm đáng kể.
Góp ý cho NĐ 20, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định: “Xét về mục tiêu của NĐ nhằm chống thất thu thuế, song quy định tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% là chưa thực sự rõ ràng điều này có thể khiến cho các DN hiểu chưa đúng về nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Phạm vi ngưỡng 20% đang không hợp lý theo nhiều trường hợp nếu như người ta không phải mối quan hệ công ty mẹ – con không phải lách thuế hay chuyển giá mà hoàn toàn là chi phí hợp pháp hợp lệ phải huy động phải vay vốn một cách bình thường thì cuối cùng lại không được tính vào chi phí hợp pháp hợp lệ thì điều đó là vô lý. Thực ra là phải quy định trường hợp nào hợp pháp thì vẫn được pháp luật cho vay cao hơn thì các tổ chức tính dụng vẫn có thể cho vay cao hơn. Cái này phải được bóc tách rõ ràng không thể áp dụng chung chung”. Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu Thông tư hướng dẫn không giải thích rõ ra các trường hợp sẽ được loại trừ mà cứ quy định thế này thì quả thật điều doanh nghiệp lo ngại là chính đáng và việc khống chế lãi vay ngưỡng 20% đúng là không hợp lý
Thu Trang
—————-
Lao động (Tiền tệ – Đầu tư) 16-5-2017:
(252/1.082)