(SGDN) – Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (sau đây gọi tắt là Dự thảo). LS. Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài VIAC, nói rằng: “Những quy định trong Dự thảo, nếu được thông qua và thực thi, sẽ trở thành rào cản, làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
* Theo ông, một đạo luật phòng chống tác hại của rượu, bia có thực sự cần thiết?
– Theo tôi, trước hết nên đổi tên Dự thảo là Luật Phòng chống lạm dụng rượu, bia thay vì Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, thì hợp lý hơn.
Cái gì cũng có hai mặt. Rượu bia ít nhiều có tính độc hại, nhưng nó cũng là thực phẩm, một loại thức uống, nhất là rượu vang, rượu hoa quả, uống có chừng mực đều có lợi. Nếu nhìn nhận rượu, bia ở mặt tiêu cực thì những biện pháp được nêu trong Dự thảo chưa đủ sức quản lý và hạn chế độc hại.
* Trong Dự thảo, rượu, bia phải chịu gần chục loại quy định, theo ông điều này sẽ tác động thế nào đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp?
– Hiện có tới 85 văn bản pháp luật và rất nhiều quy định quản lý trực tiếp, gián tiếp liên quan đến việc kinh doanh và sử dụng rượu, bia, như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu và các văn bản khác.
Theo Dự thảo, rượu, bia phải chịu hầu hết các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, như giấy phép kinh doanh, trong đó có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, giấy phép sản xuất rượu thủ công, giấy phép kinh doanh, phân phối rượu, quy hoạch sản xuất đối với rượu, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến thủ tục hành chính, dán tem sản phẩm đối với rượu, cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên,…
Về điều kiện bán rượu, ngoài việc không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi, các nhà làm luật còn đề xuất cấm bán rượu, bia trong quán karaoke. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng lên, với rượu từ 30 – 65%, với bia từ 55 – 65%, thuộc nhóm có thuế suất cao thứ hai, chỉ sau ô tô. Chưa hết, xử phạt vi phạm được xếp vào loại cao nhất, ví dụ uống rượu mà lái xe có thể bị phạt đến 18 triệu đồng.
Theo tôi, những quy định được nêu trong Dự thảo, nếu được thông qua và thực thi, sẽ trở thành rào cản, làm hạn chế hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, trong trường hợp thực sự cần, nên xây dựng luật kiểm soát hay luật quản lý về kinh doanh và sử dụng rượu, bia, không thể là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
* Ông nhận xét thế nào về quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất và nhập khẩu rượu, bia phải đóng góp vào Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng?
– Không có cơ sở pháp lý để bắt buộc phải đóng góp vào Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nước ta chưa có luật về quỹ. Hiện, về thuế đã có 8 luật, về phí có Luật Phí và Lệ phí. Theo pháp luật hiện nay, Nhà nước chỉ cho phép thành lập các quỹ liên quan đến pháp luật hiện hành về bình ổn giá, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và xã hội – từ thiện.
Nâng cao sức khỏe cộng đồng là cần thiết, nhưng nguồn thu cho quỹ phải được lấy từ nguồn thu thuế, thu ngân sách, thu từ tài trợ, đóng góp tự nguyện. Đơn cử, Dự thảo nêu thuế tiêu thụ đặc biệt 30 – 65% đánh vào rượu, bia chính là để phục vụ cho việc hạn chế tác hại của rượu bia, nâng cao sức khỏe cộng đồng, nhưng nếu không vì sức khỏe cộng đồng, cần phải bỏ ngay loại thuế này.
* Cám ơn ông!
HẢI VÂN thực hiện
—————-
Sài Gòn Doanh nhân (Vấn đề) 18-5-2017:
http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/quan-ly-han-che-tac-hai-ruou-bia-sao-cho-hieu-qua/1104368/
(771/771)