1.659.   Cảnh báo rủi ro khi đổ xô đầu cơ tiền ảo

(CP) – Các chuyên gia  cảnh báo, khi đầu cơ kinh doanh tiền ảo, bên cạnh lợi nhuận tăng nhanh trong thời gian ngắn, nhà đầu tư cần xác định về việc có rủi ro lớn. Các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay không nên kiềm chế thị trường nhưng cũng không thể “đứng ngoài” hoạt động này mà cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý những tiêu cực ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Các chuyên gia thảo luận về tương lai tiền ảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nội dung mà các chuyên gia, lãnh đạo công ty chứng khoán, Công ty tư vấn đầu tư trao đổi tại buổi toạ đàm ‘Bitcoin và làn sóng Blockchain’ vừa được tổ chức.

Hấp dẫn nhưng nhiều rủi ro

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, bitcoin (1 loại tiền ảo) được nhắc đến mọi nơi mọi chỗ, không chỉ ở Việt Nam hay tại Hoa Kỳ. Theo thống kê công ty môi giới số lượng người mở tài khoản tăng nhanh, đồng thời, kèm theo đó là sự tăng giá của tiền điện tử đến 4 lần trong 3 tháng. Có nhiều thời điểm, tốc độ kiếm tiền do tăng giá nhanh hấp dẫn những người đầu cơ, nhưng điều này cũng tiềm ẩn rủi ro.

Thực tế, hiện nay, không phủ nhận là số lượng người quan tâm, sẵn sàng đầu cơ các đồng tiền này ngày càng lớn. Những người đầu tư có thể nhìn nhận những sản phẩm blockchain (chuỗi khối) là tiền, tài sản hay như một công cụ để chuyển tiền ẩn danh, ba khía cạnh trên đều hấp dẫn.

Ông Dominik Weil đến từ Bitcoin.vn, cho biết, Công ty Bitcoin Việt Nam thành lập cách đây 4 năm, mua bán bitcoin ở thị trường trong nước. Đây là hệ thống giao dịch ngang hàng giữa mọi người. Bitcoin là ứng dụng đầu của công nghệ blockchain, chống việc sao chép đồng tiền đó. Dưới góc độ nhà đầu tư, bitcoin cũng như công cụ đầu tư khác – một hình thức tài sản mới, mua khi xuống bán khi lên.

“Đa số mọi người đổ xô vào thị trường chỉ để sinh lời, nói trắng ra là đầu cơ. Họ chỉ muốn mua, để lên giá thì bán”, ông Dominik Weil nói.

Còn luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhớ lại quá khứ vào thời điểm hơn 10 năm trước khi thấy mọi người lao vào môi giới chứng khoán “Hầu hết nhân viên của tôi đều tham gia làm môi giới chứng khóan và kiếm thu nhập từ đây. Với bitcoin, về lý thuyết có thể lên 1 triệu bitcoin nhưng có thể vỡ tất cả sau một đêm, vì nó không có bất cứ cơ sở nào để dựa vào”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Luật sư Đức cho rằng, bitcoin không phải là tiền, khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới. Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy định về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán.

Nhận định về xu hướng bitcoin trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng rất khó đoán định. Ông Nguyễn Việt Bách đến từ Bitcoin.vn cho rằng trong 1-2 năm nữa có thể đồng tiền ảo này vẫn sẽ tăng, thậm chí giá sẽ lên mức 50.000-100.000 USD. Nhưng về lâu dài có thể sẽ không thể tiếp tục xu hướng tăng, do sự xuất hiện của nhiều đồng tiền ảo khác, và bản thân Bitcoin cũng phân hóa ra nhiều đồng tiền ảo khác nhau. Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng về ngắn hạn không thể dự đoán được, vì đồng tiền này không có một quy tắc nào. “Chẳng hạn như đi trên đường, tốc độ giới hạn là 100 km/h, thì khi đi 80 km/h có thể biết là sắp tới giới hạn rồi, sắp phạm luật rồi. Nhưng Bitcoin thì không có quy tắc nào, nó có thể lên đến hàng triệu USD nhưng cũng có thể sập ngay tối nay. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, về lâu dài, đồng tiền này sẽ ngày càng về gần số 0”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Cần hành lang pháp lý hạn chế tiêu cực

Ông Trần Hữu Đức – Thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam cho rằng thị trường bitcoin hiện nay đang bị thao túng quá lớn nên rất khó dự đoán. Trước đây, đa phần chỉ có những người không chuyên và bán chuyên đầu tư bitcoin, nhưng thời gian gần đây rất nhiều định chế tài chính đã tham gia nên rất khó đoán định. Giá bitcoin lên hay xuống phụ thuộc hoàn toàn vào lực của thị trường

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, việc đầu cơ vào bitcoin hiện nay cũng có mặt tích cực là khuyến khích phát triển công nghệ blockchain (chuỗi khối) là một công nghệ mới hứa hẹn.

Bản thân luật sư Trương Thanh Đức cũng không ủng hộ việc áp luật hình sự cho hoạt động đầu cơ và cho rằng, với bitcoin, luật bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán.  Cần nhận thức rõ, đầu tư vào bitcoin không phải là đầu tư mạo hiểm, mà là đầu tư vô cùng mạo hiểm.

Luật sư Đức cho rằng, thực tế, pháp luật Việt Nam chưa chính thức cho phép có sàn bitcoin, mà chỉ là đơn vị tài chính, tư vấn môi giới. Hiện tại, Việt Nam vẫn hướng đến việc cho phép nhân dân làm những điều luật không cấm, tương tự trong bitcoin, chỉ cấm về hoạt động thanh toán.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng, không nên đi theo hướng xây dựng luật bao quanh để kiểm soát bitcoin mà trước tiên các tổ chức cần phải ngồi lại với nhau để định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì, từ đó mới có thể đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền thì sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét, nếu là công cụ tài chính thì sẽ theo luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa mà không phải tạo ra luật mới để kiểm soát.

Dưới góc nhìn người làm tài chính lâu năm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đồng tình với quan điểm trên và khẳng định chưa thể coi bitcoin là tiền vì tiền cần ngân hàng Trung ương các nước công nhận và hiện cũng chưa có tỉ giá hối đoái. Biến động đồng tiền còn phải ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác. Đồng tiền dựa trên blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. Cho đến thời điểm này, các sản phẩm trên chưa thể gọi là tiền. Thực tế, phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ.  Ông Hưng cho rằng, Nhà nước cần đưa ra giải pháp để giúp phân tách người làm ăn bài bản với người lợi dụng câu chuyện biến tướng thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát. Lãnh đạo SSI nhận định, cần phải có sự quản lý của Nhà nước, vì nếu để rủi ro khi bong bóng nổ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây cũng là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm. Tài sản ảo quản lý, lưu ký là vấn đề rất phức tạp, do đó, nếu những người lưu ký có ý đồ xấu có thể thế chấp tài sản này.

“Khi nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn thì cần có quản lý Nhà nước. Nếu không có khung pháp lý thì sẽ không quản lý, bảo vệ mọi người trước sự lừa đảo nếu có của hoạt động này.” ông Nguyễn Duy Hưng lưu ý.

Anh Minh

—————–

Chính phủ (Kinh tế) 20-12-2017:

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Canh-bao-rui-ro-khi-do-xo-dau-co-tien-ao/325223.vgp

(527/1.454)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,976