(HQ) – Bitcoin và cuộc chơi “tiền ảo”, tiền kỹ thuật số đang ngày một “nóng” hơn khi giá trị ngày càng tăng lên. Tại Việt Nam, nhiều cá nhân và tổ chức đã quan tâm đến loại tiền này, nhưng việc quản lý vẫn còn là “ẩn số”.
Đa số mọi người đổ xô vào thị trường tiền kỹ thuật số chỉ để đầu cơ. Ảnh: Internet
Tại tọa đàm “Bitcoin và làn sóng Blockchain” được tổ chức vào ngày 20/12, các chuyên gia đều đánh giá, tiền kỹ thuật số và blockchain là xu hướng công nghệ mới, nhưng tại Việt Nam, đang có nhiều cách hiểu chưa đúng dẫn đến hiện tượng đầu cơ, sử dụng sai mục đích.
Theo ông Dominik Weil, sáng lập website bitcoin.vn, bitcoin là ứng dụng đầu của công nghệ blockchain. Dưới góc độ nhà đầu tư, bitcoin cũng như công cụ đầu tư khác, là một hình thức tài sản mới, mua khi giá trị xuống và bán khi giá trị lên. Nhưng dưới góc độ cung cấp sản phẩm, đa số mọi người đổ xô vào thị trường chỉ để sinh lời, đầu cơ, chỉ muốn mua để giá lên thì bán.
Còn theo quan điểm của giới luật sư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, theo quy định luật pháp hiện hành, tài sản sở hữu có 3 loại là: vật, tiền và tài sản[1]. Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào nên có thể coi là một tài sản ảo hay ở Việt Nam có thể gọi là “tiền ảo” [2]. Nhưng vì bản chất, bitcoin không phải là tiền, nên khái niệm “tiền ảo” khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới.
“Hiện tại không có thông tư, nghị định nào cấm trao đổi, giao dịch các loại tiền kỹ thuật số. Nhưng như Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo, vì bitcoin không phải là tiền nên việc sử dụng bitcoin để thanh toán sẽ là hành vi bị cấm”, Luật sư Đức cho biết thêm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch HĐQT PAN Group cho rằng, làn sóng chơi tiền kỹ thuật số hoàn toàn là thật, người chơi dùng tài nguyên thật, kinh doanh thật để giao dịch, trao đổi tiền kỹ thuật số. Do đó, lỗ hổng pháp lý dẫn đến việc khó quản lý hay thu thuế khi giao dịch loại tiền này.
Nên theo Luật sư Trương Thanh Đức, pháp luật không cấm nhưng có được phép trao đổi, thanh toán hay không lại là câu hỏi khó và ranh giới rất mong manh[3]. Bởi khi mua tiền kỹ thuật số đều cần tiền thật nên việc chuyển tiền kỹ thuật số từ người này sang người kia, từ nước này sang nước kia cần phải được kiểm soát. Các ngân hàng sẽ phải kiểm soát khi bitcoin được quy đổi sang lượng tiền lớn, rút ra nộp vào.
Tuy nhiên, ngoài rủi ro và lỗ hổng pháp lý, các chuyên gia còn nhấn mạnh về mối nguy của “bong bóng” mà loại tiền này có thể mang lại nếu cá nhân, tổ chức tập trung vào đầu cơ.
Nhận định về xu hướng của tiền kỹ thuật số trong thời gian tới, các chuyên gia đều cho rằng rất khó đoán định. Theo đó, trong 1-2 năm nữa có thể đồng tiền kỹ thuật số này vẫn sẽ tăng, thậm chí lên mức 50.000-100.000 USD. Nhưng về lâu dài có thể sẽ không thể tiếp tục xu hướng tăng, do sự xuất hiện của nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác khác, ngay bản thân Bitcoin cũng phân hóa ra nhiều đồng tiền khác nhau.
Chính vì những rủi ro nêu trên, các cá nhân và tổ chức đầu cơ tiền kỹ thuật số phải thận trọng, bởi tiền kỹ thuật số là sản phẩm theo xu hướng công nghệ nhưng không ai biết “quả bóng” tiền kỹ thuật số sẽ vỡ lúc nào, nhưng theo ông Nguyễn Duy Hưng, cái gì lên nhanh chắc chắn sẽ vỡ và sẽ thành khủng hoảng lớn trong giới tài chính.
Hương Dịu
—————–
Hải quan (Kinh tê) 20-12-2017:
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Bong-bong-tien-ao-co-the-vo-bat-cu-luc-nao.aspx
(240/738)
[1] Viết lung tung quá.
[2] Viết lung tung quá.
[3] Viết lung tung quá.