(GD) – Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần thận trọng trong xử lý trách nhiệm hình sự người gây ra nợ xấu để không ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).
Riêng kết quả xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng đạt 53.236 tỷ đồng.
Trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Trước khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu, ngày 23/5 vừa qua tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách pháp luật”, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Theo ông Kiên, nghị quyết sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân gây ra nợ xấu.
Toàn cảnh Hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách pháp luật” – ảnh Duy Thông/ Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân. |
Đúng, nhưng cần thận trọng
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, nợ xấu đang đe dọa nghiêm trọng không chỉ với hệ thống tài chính mà còn cả hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia.
“Vì vậy Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong đó đặt ra vấn đề xem xét trách nhiệm hình sự với các cá nhân gây ra nợ xấu là cần thiết”, ông Hiếu bày tỏ sự đồng tình.
Khẳng định sự cần thiết xem xét trách nhiệm hình sự với cá nhân gây ra nợ xấu nhưng Tiến sĩ Hiếu đề nghị cần thận trọng để không ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu.
Tiến sĩ Hiếu phân tích, nguyên nhân gây ra nợ xấu đến từ cả hai phía ngân hàng và người đi vay.
Về phía ngân hàng, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu xuất phát từ việc nhân viên ngân hàng cố tình vi phạm quy định cho vay hoặc do năng lực của cán bộ ngân hàng yếu kém.
“Nguyên nhân có thể do sai sót về thông tin khách hàng, không thẩm định đúng tình trạng tài chính của khách hàng dẫn đến cho vay nhưng không thu hồi được nợ, trở thành nợ xấu.
Ngoài ra có thể do ngân hàng cầu thả, cán bộ nhân viên tiếp tay lừa đảo lập ra hồ sơ khống để tư túi với khách hàng”, ông Hiếu cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong xử lý trách nhiệm hình sự với cá nhân gây ra nợ xấu cần thận trọng – ảnh: Hoàng Lực. |
Tương tự về phía khách hàng đi vay, theo Tiến sĩ Hiếu cũng có nguyên nhân từ khách quan như: việc kinh doanh thất bại, mất khả năng trả nợ.
Ngược lại cũng có trường hợp cố tình tìm cách lừa đảo gây thiệt hại cho ngân hàng.
Nhìn lại sai phạm ngân hàng dẫn đến nợ xấu ngoài sai xót về nghiệp vụ, Tiến sĩ Hiếu cho rằng hầu hết nguyên nhân những khoản nợ xấu là do sai phạm của cán bộ ngân hàng. Điển hình như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Thành phố Cần Thơ (Agribank Cần Thơ).
Tại ngân hàng này năm 2012, Công ty nông thủy sản Tây Nam (Cần Thơ) đã làm hồ sơ vay gần 300 tỷ đồng của gói tín dụng ưu đãi tiêu thụ nông sản trong nông nghiệp (lãi suất 0% hai năm đầu và năm thứ 3 trở đi là 50% mỗi năm).
Để vay vốn doanh nghiệp này đã dùng siêu thị Citimart ở quận Ninh Kiều (Thành phố Cần Thơ) thế chấp và được cho vay 290 tỷ đồng.
Trụ sở của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh TP Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) – ảnh nguồn Agribank. |
Sau khi vay tiền, Công ty nông thủy sản Tây Nam sử dụng tiền vay không đúng mục đích, không mua máy móc thiết bị, không ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.
Theo Cơ quan an ninh điều tra (PA92) Công an Thành phố Cần Thơ nguyên nhân dẫn đến Công ty nông thủy sản Tây Nam dễ dàng được phê duyệt khoản vay trên do sự tiếp tay của Bùi Tuấn Anh – Phó phòng Tín dụng doanh nghiệp Agribank Cần Thơ người trực tiếp thụ lý, giám sát hồ sơ vay của Công ty nông thủy sản Tây Nam.
Thay vì thực hiện đúng quy định, Bùi Tuấn Anh đã bỏ qua các quy định khi thiếu kiểm tra, giám sát dự án, nguồn vốn phát vay, tiến độ thực hiện dự án…
Cũng liên quan đến vụ việc này cơ quan công an đã khởi tố bắt tạm giam Bùi Tuấn Anh – Phó phòng Tín dụng doanh nghiệp Agribank Cần Thơ, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân – Giám đốc Công ty Nông thủy sản Tây Nam.
Đồng thời khởi tố và cấm rời nơi cư trú đối với ông Lê Thanh Hải – nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ và ông Trần Huy Liệu – nguyên Phó Giám đốc Agribank Cần Thơ cũng hành vi vi phạm “Xét duyệt cho vay sai đối tượng”.
Từ dẫn chứng trên Tiến sĩ Hiếu nêu quan điểm: Chỉ nên xem xét trách nhiệm hình sự những khoản nợ xấu mà nguyên nhân gây ra do cố tình vi phạm, cố tình làm trái quy định của pháp luật của cán bộ ngân hàng và người đi vay.
“Với nguyên nhân dẫn đến nợ xấu do yếu tố thị trường hoặc trình độ cán bộ ngân hàng có thể tùy trường hợp xem xét xử lý cảnh cáo đến xử lý trách nhiệm hành chính.
Không nên hình sự hóa tất cả nguyên nhân dẫn đến nợ xấu mà cần phải làm rõ đâu là khách quan đâu là chủ quan.
Hình sự hóa trách nhiệm nợ xấu sẽ có thể dẫn đến vấn đề nợ xấu không được làm rõ xử lý vì lo ngại bị xử lý trách nhiệm hình sự”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Trong xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân, theo Tiến sĩ Hiếu bất cứ gói tín dụng nào cũng theo quy trình phê duyệt. Có những gói tín dụng việc thẩm định cho vay do cán bộ ngân hàng được giao phê duyệt nhưng cũng có thể do ban hoặc hội đồng tín dụng phê duyệt.
“Tùy từng gói tín dụng gây ra nợ xấu mà xử lý trách nhiệm hình sự cá nhân hay tập thể hội đồng xét duyệt cho vay. Trong trường hợp cán bộ ngân hàng nghỉ hay chuyển công tác cũng phải chịu trách nhiệm xử lý”, ông Hiếu cho biết thêm.
Phải tháo gỡ từ luật
Nêu quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự với người gây ra nợ xấu, Luật sư Trương Thanh Đức – Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) khẳng định: “Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, luật pháp quy định gây ra sai phạm phải bị xử lý, không riêng gì nợ xấu mà bất cứ lĩnh vực nào”.
Tuy nhiên, Luật sư Đức cho rằng, vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự với cá nhân gây ra nợ xấu sẽ không dễ bởi liên quan đến nhiều cá nhân, từ cán bộ ngân hàng trực tiếp cho vay đến lãnh đạo ngân hàng, lãnh đạo chi nhánh.
Luật sư Trương Thanh Đức – Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) – ảnh do nhân vật cung cấp. |
Mặt khác, theo Luật sư Đức dù xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng mục đích cuối cùng phải xử lý được nợ xấu, thu lại tài sản. Trong khi nguyên nhân khiến nợ xấu chưa xử lý dứt điểm là cơ chế pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, làm giảm hiệu quả xử lý.
Đặc biệt, cơ chế hiện nay chưa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, chưa tạo thuận lợi cho quyền xử lý tài sản đảm bảo, thời gian xử lý tài sản đảm bảo tại tòa án kéo dài…
“Vướng mắc pháp lý, chủ yếu giải quyết câu chuyện pháp lý bán, thanh lý tài sản. Nhưng luật hiện nay đang có nhiều rào cản”, Luật sư Đức nói.
Phân tích cụ thể Luật sư Đức cho biết, hầu hết tài sản thế chấp các khoản nợ xấu là nhà đất. Khi người vay không trả được đương nhiên ngân hàng có quyền thu giữ tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản không dễ, bởi có trường hợp đất được thế chấp do người thân của người đi vay sử dụng.
Nếu bán phải qua đấu giá sẽ có rất nhiều thủ tục thậm chí phải kéo ra tòa giải quyết trong nhiên năm vẫn chưa xong.Bên cạnh đó ngay cả thu giữ rồi xử lý cũng khó vì phải xem hợp đồng vay bên nhận tài sản thế chấp có được bán không?
“Luật hiện nay đang bảo vệ người đi vay vì là người yếu thế, tuy nhiên họ chỉ yếu thế khi đi vay còn khi vay được tiền thì ngân hàng mới yếu thế, bởi việc trả nợ hay không phụ thuộc vào ý thức người đi vay.
Trong khi việc thu và xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp khó khăn”, ông Đức nhận định.
Được biết bên cạnh việc đề cập đến trách nhiệm hình sự cá nhân gây ra nợ xấu, trong dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng còn đưa ra vấn đề: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Đồng thời tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ… Dự thảo Nghị quyết cũng khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Đánh giá về nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu Luật sư Đức cho rằng đây là điểm mới tích cực mà khi được thông qua và ban hành sẽ tháo gỡ được nút thắt thanh lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp qua đó thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.
MAI ANH
—————-
Giáo dục (Kinh tế) 27-5-2017:
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Can-lam-ro-va-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-gay-ra-no-xau-post176926.gd
(705/2.055)