(KTĐT) – Theo các chuyên gia tài chính, đồng tiền dựa trên công nghệ Blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại, nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng. |
“Bitcoin không phải là tiền”
Bitcoin được coi là “đồng tiền ảo” đầu tiên trên thế giới sinh ra trên nền tảng công nghệ Blockchain. Tiếp sau đó các đồng tiền kĩ thuật số (tiền điện tử) khác như Ethereum, Zcash hay Monero liên tục ra đời.
Sự xuất hiện của các loại tiền điện tử này đang thu hút những nhà đầu cơ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do chúng liên tục tăng giá trị. Như bitcoin, ngày 5/1/2017, giá 1 đồng bitcoin ở mức 1.140 USD được cho là kỷ lục từ khi ra đời. Tới ngày 7/12, bitcoin vượt qua mốc 14.000 USD và lập kỷ lục hơn 19.000 USD vào ngày 8/12.
Giải mã về hiện tượng trên, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chia sẻ tại buổi tọa đàm “Bitcoin và làn sóng Blockchain” ngày 20/12 tại Hà Nội, nguyên nhân để đồng tiền này tăng nhanh như thời gian qua do nó là công cụ đầu cơ và cũng là công cụ chuyển tiền ẩn danh.
Ông Hưng phân tích, dưới góc nhìn dân tài chính chưa thể coi là tiền vì tiền cần ngân hàng trung ương, các nước công nhận và hiện các loại tiền điện tử trên cũng chưa có tỷ giá hối đoái. Biến động đồng tiền còn phải ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, liên quan đến các đồng tiền khác.
Đồng tiền dựa trên Blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. Phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Nếu là sản phẩm đầu cơ, vậy ai là người cuối cùng cầm “cục than nóng”? Khi đầu cơ quá lớn vấn đề sẽ là hậu quả về sau.
“Như bong bóng hoa tuylip, chỉ một nước Hà Lan cũng dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới. Cùng đó, đồng tiền dựa trên công nghệ Blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch với chuyển tiền ẩn danh. Như việc mua đồng tiền ở Việt Nam và rút ở Liên Xô hay Mỹ thì đó đã là hành động chuyển tiền”, Chủ tịch HĐQT SSI nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo quy định luật pháp, tài sản sở hữu có 3 loại là vật, tiền và tài sản. Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào theo luật mà có thể coi là một vật phẩm ảo hay ở Việt Nam có thể gọi là tiền ảo. Vì bản chất, bitcoin không phải là tiền, khái niệm tiền ảo khá đúng với Việt Nam nhưng có thể không đúng với thế giới. Hiện tại vẫn chưa có luật cụ thể nào quy chế về bitcoin, nó không phải phương tiện thanh toán, không phải giấy tờ, tài sản hợp pháp để thanh toán.
Luật sư Đức lưu ý, khi mua tiền ảo thì cần tiền thật và mục đích của việc chuyển tiền ảo từ người này sang người kia, từ nước này sang nước kia giao dịch mua bán cần phải được kiểm soát. Các ngân hàng sẽ phải kiểm soát khi bitcoin được quy đổi sang lượng tiền lớn, rút ra nộp vào. Về bản chất, không thể tự nhiên mà bitcoin có thể thành tiền nếu không được kiểm soát.
Luật sư Trương Thanh Đức. |
Đầu tư vào bitcoin là “vô cùng mạo hiểm”
Trên thực tế, hiện nay các diễn đàn, mạng xã hội, những nhóm nhà đầu tư (NĐT) tiền ảo đang bùng nổ với số lượng thành viên tham gia rất lớn. Khi đăng ký tham gia mỗi NĐT sẽ có một ví tiền (E – wallet). Nếu muốn mua tiền ảo, NĐT sẽ nộp tiền từ ngân hàng của mình vào tài khoản chỉ định của sàn này, ngoài ra còn phải chịu các loại phí. Tuy nhiên, đa phần trong số họ chia sẻ rằng, do giá tăng chóng mặt nên tham gia mong kiếm lời, thậm chí “không hiểu gì về tiền điện tử cũng như bitcoin”.
Bên cạnh đó, nhiều sàn giao dịch tiền ảo đa cấp đang nở rộ tại Việt Nam. Mỗi sàn này sử dụng một loại tiền ảo riêng nhưng đều có điểm chung là người chơi khi đã nộp tiền thật vào hệ thống, thường sẽ rất khó rút ra. Những mô hình này bản chất là đưa ra nhiều lời mời gọi hấp dẫn để dụ dỗ người chơi vào mạng lưới, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi không còn ai đóng tiền nữa, hệ thống sẽ sụp đổ, những người đầu tư không thể đòi lại số tiền ban đầu.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức thông tin, với bitcoin, luật bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán. Nhưng khi 1 người đã sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất thì luật không có quy định liên quan. Do vậy, đầu tư vào bitcoin không phải là đầu cơ mạo hiểm, mà là đầu cơ vô cùng, vô cùng mạo hiểm.
Còn theo chuyên gia kinh tế – GS Hà Tôn Vinh, tiền điện tử bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước và biến động mạnh trong thời gian ngắn nên ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì thế, tại một số quốc gia loại tiền này đã bị cấm, điển hình là Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia….
Ở Trung Quốc, mới đây Ngân hàng Trung ương nước này đã khẳng định, các hoạt động chào bán đồng tiền ảo không được pháp luật công nhận và yêu cầu các cá nhân, tổ chức dừng ngay tất cả hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản cấm các “tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Bởi theo phía NHNN, loại tiền này tiềm ẩn nhiều rủi ro do có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch…
ĐỨC THỌ
—————–
Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 20-12-2017:
(283/1.161)