(NĐT) – Công tác xử lý nợ xấu mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song nhìn chung vẫn còn rất nhiều điểm vướng mắc cần tháo gỡ bằng hành lang pháp lý đủ mạnh.
Vẫn còn hơn nửa triệu tỷ đồng nợ xấu “nằm” bất động trong nền kinh tế |
‘Cục máu đông’ của nền kinh tế
Sau 4 năm triển khai đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng cũng như sự xuất hiện của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), một lượng lớn nợ xấu đã được giải phóng khỏi các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể trong giai đoạn 2012-2016, cả hệ thống các TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu (năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 189,89 nghìn tỷ đồng và năm 2016: 118,49 nghìn tỷ đồng).
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần giúp khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, song nợ xấu vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí đang có nguy cơ tăng trở lại. Tính tới cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%; nếu tính cả nợ tiềm ẩn thành nợ xấu thì chiếm tới 10,08% trển tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế, con số tuyệt đối vào khoảng 550.000 tỷ đồng.
Một nhóm nguyên nhân quan trọng khiến các nhà điều hành vẫn đang “đau đầu” xử lý nợ xấu là hành lang pháp lý còn thiếu và yếu, thậm chí nhiều bộ luật còn hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng không giống các nền kinh tế phát triển trên thế giới, quan hệ tín dụng hiện nay ở Việt Nam diễn ra không bình đẳng giữa chủ nợ và con nợ: “Khi ký kết một hợp đồng tín dụng thì đã có điều khoản là nếu bên thế chấp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì phải bàn giao tài sản để ngân hàng xử lý. Tuy nhiên nhiều điều luật hiện nay lại bảo vệ quyền lợi cho người đi vay, và cho đây là bên yếu thế. Khiến tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi tài sản bảo đảm. Điều này đi ngược lại nguyên tắc chung trên thế giới là phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên cho vay”.
“Ngoài ra, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc bán nợ xấu theo giá thị trường, đặc biệt trong trường hợp giá bán thấp hơn giá sổ sách. Có những trường hợp giá trị tài sản là 10 đồng, có người mua 8 đồng nhưng không bán bởi lo sợ trách nhiệm gán cho 2 đồng lỗ. Song phải nhìn nhận là nếu lỗ 2 đồng để có dòng tiền tươi bổ sung hoạt động thì tốt hơn rất nhiều là ‘chôn chết’ 10 đồng tài sản không sinh lời kia, rồi còn khấu hao, giảm giá tài sản nữa. Tôi cho rằng nên bổ sung các quy định hướng dẫn cụ thể cho bán nợ xấu theo giá thị trường, kể cả dưới giá gốc nhằm nhanh chóng giải phóng lượng nợ xấu khổng lồ, đánh tan ‘cục máu đông’ của nền kinh tế”, vị luật sư kỳ cựu trong ngành tài chính – ngân hàng nhận định.
Trao đổi với người viết, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại ở Hà Nội ngao ngán: “Xã hội hiện nay có cái nhìn thiếu khách quan đối với hệ thống ngân hàng. Nợ xấu sinh ra phần nhiều do yếu tố bên ngoài chứ không phải do chúng tôi. Ví dụ, đợt cắt giảm chi tiêu công và hạn chế tín dụng cách đây 5 năm đã khiến các dự án đầu tư công phải tạm dừng, tạm hoãn, các doanh nghiệp trúng thầu không có vốn ngân sách, cũng không thể đi vay được bởi ngân hàng bị hạn chế tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp không có vốn dần teo tóp, què quặt thậm chí phá sản, và những khoản nợ với ngân hàng tất yếu thành nợ xấu. Nhiều trường hợp chúng tôi thấy chết mà không thể cứu được”.
“Rất nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm cũng khiến quá trình thanh lọc nợ xấu bị nghẽn. Người làm ngân hàng chúng tôi phải quen với cảnh ‘đứng cho vay, quỳ đòi nợ’. Gặp phải khách hàng nghiêm túc thì không sao, chứ nhiều người cố tình chây bừa, thậm chí liên tục kiện ra tòa, tạo ra tranh chấp để trốn tránh nghĩa vụ bàn giao tài sản. Có những vụ kiện chúng tôi theo đuổi 5-7 năm nay vẫn chưa xử lý được. Tài sản thế chấp là bất động sản họ vẫn cho thuê thu tiền đều đặn hàng năm, trong khi chúng tôi không thu được đồng nào, thậm chí còn phải trích lập dự phòng mất vốn”, vị này chia sẻ.
Bước đột phá?
Dự thảo Nghị quyết Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang được Quốc hội thảo luận đã chỉ ra nhiều vướng mắc pháp lý khiến nợ xấu đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, trong đó có hạn chế của Luật Đất đai về quyền sở hữu khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản (chỉ có tổ chức tín dụng trong nước mới được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất), bởi vậy chưa khuyến khích sự tham gia giải quyết nợ xấu của các thành phần kinh tế khác. Hay cơ chế giải quyết thông qua tòa án còn nhiêu khê, thủ tục rút gọn được quy định trong Luật Tố tụng dân sự lại không được áp dụng cho tranh chấp liên quan tới tài sản bảo đảm.
Từ đó, Dự thảo đã đưa ra một loạt các quy định tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các TCTD mạnh tay xử lý nợ xấu thông qua bán nợ hay xử lý tài sản bảo đảm.
Trong đó đáng chú ý, Dự thảo cho phép bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách; thu hồi tài sản bảo đảm không qua tòa án, hoặc nếu phải thông qua cơ quan này thì được áp dụng thủ tục rút gọn; không kê biên tài sản đang thế chấp tại tổ chức tín dụng; không giới hạn đối tượng được mua khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản; được chuyển nhượng khoản nợ đảm bảo bằng dự án bất động sản mà không cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Luật sư Trương Thanh Đức nhận định Dự thảo Nghị quyết mặc dù vẫn chưa bảo vệ triệt để quyền lợi hợp pháp của các TCTD, song vẫn là bước đột phá, cho thấy quan điểm, phương hướng của các nhà làm luật đối với xử lý nợ xấu: “Tôi cho rằng Dự thảo Nghị quyết nếu được thông qua sẽ tác động tích cực tới quá trình xử lý nợ xấu. Nên nhớ rằng đây là một văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý rất cao, thậm chí còn có hiệu lực hơn các luật khác khi quy định trong trường hợp luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm thì phải áp dụng theo Nghị quyết này (Khoản 2 Điều 17 – PV)”.
Về phần doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Dương, giám đốc tài chính Tập đoàn Hoàng Huy cho hay ông rất ủng hộ tinh thần của Dự thảo Nghị quyết: “Nhiều ý kiến cho rằng quy định ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm một khi khoản vay quá hạn là vi phạm quyền công dân. Song tôi không cho là như vậy. Có vay có trả, ngân hàng cho vay tiền thì phải nhận lại được quyền lợi tương ứng, nếu không trả được nợ thì phải bán tài sản để thanh toán cho ngân hàng. Tôi tin rằng Dự thảo Nghị quyết một khi được áp dụng sẽ giúp giảm mạnh nợ xấu, giúp khả năng thanh khoản của các ngân hàng tăng cao, qua đó giảm mặt bằng lãi suất, kích thích kinh tế phát triển. Điều này sẽ góp phần làm cơ chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường và đúng quy luật kinh tế. Và chính doanh nghiệp chúng tôi là những người được lợi trong dài hạn, khi vốn vay rẻ hơn và đường cầu tăng lên”.
Nghi Điền
—————-
Người đưa tin (Kinh doanh) 05-6-2017:
http://www.nguoiduatin.vn/buoc-dot-pha-trong-xu-ly-no-xau-a328033.html
(443/1.511)