(NĐT) – Bị chủ đầu tư phân làm 14 lô và cầm cố ngân hàng để vay số tiền gấp nhiều lần khoản đã trả cho UBND Đà Nẵng, giấc mơ một sân Chi Lăng không bị “băm nát” của người Đà Nẵng không dễ để thực hiện.
Thực trạng sân Chi Lăng được ghi lại những ngày đầu tháng 6 |
Như đã đưa tin ở kỳ trước, toàn bộ khu vực sân vận động Chi Lăng được tập đoàn Thiên Thanh chia làm 14 lô, mang đi thế chấp vay tiền ở các ngân hàng (Ngân hàng Xây dựng:13 lô, Agribank chi nhánh Láng Hạ: 1 lô), tới nay không thể trả được. Riêng khoản tiền vay ở Ngân hàng Xây dựng là 4.000 tỷ, trong khi giá trị tài sản thế chấp được xác định chỉ ở mức 2.400 tỷ đồng.
Chính quyền Đà Nẵng đã nhiều lần lên tiếng sẽ thu hồi dự án của tập đoàn Thiên Thanh và chuộc lại sân Chi Lăng từ Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Xây dựng được NHNN mua lại với giá ‘0’ đồng vào đầu năm 2015), với mức giá bằng giá trị quyền sử dụng đất đã thu của tập đoàn Thiên Thanh năm 2010, nhằm phát triển một dự án sân Chi Lăng thống nhất, không phân mảnh, phá vỡ quy hoạch.
Trên thực tế, từ năm 2013, Đà Nẵng đã quy hoạch sân Chi Lăng và nhà hát Trưng Vương (có tổng diện tích 8,5 ha) trở thành 1 trong 21 điểm nhấn kiến trúc, với loạt cao ốc từ 16 đến trên 33 tầng. Tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Tuy nhiên sẽ không dễ dàng để người Đà Nẵng lấy lại được một sân Chi Lăng thống nhất, nguyên vẹn như trước đây.
Chưa kể tới lô đất cầm cố ở Agribank, 13 lô đất tập đoàn Thiên Thanh mang thế chấp vay Ngân hàng Xây dựng tới 4.000 tỷ đồng có nghĩa rằng nếu Đà Nẵng chuộc lại tài sản với đúng số tiền thu từ tập đoàn Thiên Thanh cách đây gần 7 năm (1.400 tỷ đồng), thì Ngân hàng Xây dựng (thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước) sẽ phải gánh chịu khoản chênh lệch khổng lồ 2.600 tỷ đồng.
Kể cả nếu phát mãi tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành, giá tối thiểu cho 13 lô đất trên phải bằng mức định giá độc lập (2.400 tỷ đồng), thì Đà Nẵng vẫn phải bỏ thêm 1.000 tỷ nữa để lấy lại 13/14 lô đất sân vận động Chi Lăng.
Từ đây đặt ra câu hỏi Đà Nẵng lấy tiền đâu để chuộc lại sân Chi Lăng từ Ngân hàng Nhà nước và Agribank. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết chính quyền Đà Nẵng đã làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đề nghị được hoàn trả 1.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước để nắm quyền quản lý dự án và sử dụng sân Chi Lăng. Số tiền trên sẽ được thu xếp trong nhiều năm.
Luật Ngân sách Nhà nước, chi ngân sách phải được dự toán. Số liệu từ Sở Tài chính Đà Nẵng cho thấy tổng chi ngân sách của Đà Nẵng trong năm 2016 ở mức 13.478 tỷ đồng.
Như vậy, trong trường hợp khả quan nhất (chỉ bồi thường từ 1.400-1.500 tỷ đồng), Đà Nẵng sẽ phải thanh toán hơn 10% tổng chi ngân sách trong 1 năm để lấy lại sân Chi Lăng. Đây là con số không nhỏ khi mà dự chi ngân sách trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và dạy nghề trong năm 2017 của Đà Nẵng chỉ ở mức 365 tỷ đồng. Và do đó, không dễ dàng để Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng thông qua mức chi vài trăm tỷ mỗi năm để chuộc lại sân Chi Lăng.
Về mặt pháp lý, kể cả khi đã có được nguồn tài chính rồi thì Đà Nẵng cũng không thể nhanh chóng lấy lại sân Chi Lăng. Bởi pháp luật hiện hành quy định trừ khi bên đi vay đồng thuận việc chủ nợ có quyền tiếp quản tài sản, thì ngân hàng phải kiện ra tòa yêu cầu trả nợ và phải chuyển giao tài sản để xử lý, tiến hành thủ tục phát mãi, đấu giá theo quy định.
Trao đổi với người viết, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay nếu các thành viên tập đoàn Thiên Thanh không tự nguyện chuyển giao 13 lô đất sân Chi Lăng cho Ngân hàng Xây dựng, và nhà băng này cũng chưa kiện ra tòa để đòi quyền xử lý tài sản đảm bảo, thì trên lý thuyết, các công ty con của Thiên Thanh vẫn là người có quyền sử dụng đất, Ngân hàng Xây dựng hay NHNN chỉ nắm giữ khoản nợ xấu.
“Trong trường hợp này, nếu Đà Nẵng muốn lấy lại sân Chi Lăng thì phải có được sự đồng thuận 3 bên với các công ty của tập đoàn Thiên Thanh và của Ngân hàng Nhà nước. Ngược lại, nếu không có được sự thống nhất thì theo pháp luật hiện hành, buộc phải đưa ra tòa án để phía ngân hàng dành được quyền xử lý tài sản bảo đảm. Và khi này, ngân hàng phải phát mại, bán đấu giá tài sản theo quy định. Đà Nẵng muốn chuộc lại sẽ phải mua theo giá thị trường vào thời điểm đó”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Trong số 12 pháp nhân đã giúp ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm thế chấp sân Chi Lăng vay tiền Ngân hàng Xây dựng, có không ít công ty bình phong chỉ được lập ra để thực hiện hành vi phi pháp, và cho tới nay chưa rõ còn “sống” hay đã “chết”. Nói vậy để biết dù Đà Nẵng rất muốn lấy lại lô đất 5,5 ha sân Chi Lăng, song các yếu tố cả về chủ quan lẫn khách quan đều chưa ủng hộ ước mơ này của người dân thành phố biển miền Trung.
Ánh sáng cuối đường hầm Mớ ‘bòng bong’ sân Chi Lăng được gỡ bỏ dễ dàng hơn nhiều nếu Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 22/5-21/6/2017. Dự thảo quy định rất nhiều cơ chế mở nhằm khơi thông “cục máu đông” nợ xấu khổng lồ đang làm tắc nghẽn nền kinh tế. Trong đó đáng chú ý các tổ chức tín dụng có thể bán tài sản đảm bảo với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ (Điều 5), thu giữ tài sản đảm bảo không cần tòa án (Điều 7), tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu không bị kê biên để thực hiển nghĩa vụ khác theo quy định về thi hành án (Điều 11). |
Nghi Điền
—————-
Người đưa tin (Dòng sự kiện) 06-6-2017:
http://www.nguoiduatin.vn/muc-gia-nao-cho-giac-mo-chi-lang-cua-nguoi-da-nang-a328183.html
(202/1.216)